Kinh tế

Hàng loạt rừng lùng ở Nghệ An bị chết khô, nguy cơ cháy rừng cao

Văn Sinh 22/04/2025 18:21

Hiện nay, diện tích cây lùng bị chết đang có dấu hiệu diễn ra đồng loạt, liền vùng ở nhiều địa phương, gây ra nguy cơ cháy rừng trên diện rộng. Người dân cần hết sức cảnh giác đề phòng.

Người dân gọi hiện tượng chết khô hàng loạt của cây lùng là chết khuy. Đây là hiện tượng sinh trưởng bình thường của loài tre, mét, lùng; các loài họ tre sau một chu kỳ sinh trưởng nhất định sẽ đến giai đoạn cây mẹ chết khô, chuẩn bị cho một giai đoạn nảy nở những mầm xanh nối tiếp.

p1.png
Dấu hiệu cây lùng bị chết khuy. Ảnh: Văn Sinh

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Phong đang có tình trạng nhiều diện tích cây lùng chết khuy diễn ra đồng loạt, trên diện rộng, liền vùng, liền khoảnh, gây ra nguy cơ cháy rừng trên diện rộng. Diện tích này tập trung chủ yếu tại rừng phòng hộ và rừng sản xuất của vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thuộc địa bàn các xã như Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn. Đây là vùng sinh thái phát triển tập trung của cây lùng.

Diện tích cây lùng chết khuy xảy ra nhiều nhất tại các tiểu khu gồm: 5, 9, 10, 11, 22, 41, 48 dọc tuyến Biên giới Việt - Lào thuộc địa giới hành chính xã Thông Thụ. Cây lùng trên diện tích rừng này đang trong giai đoạn ra hoa và có dấu hiệu chết đồng loạt. Mặt khác, qua kiểm tra, khu vực biên giới thì phía bên nước bạn Lào, người dân đang có hoạt động phát nương làm rẫy. Các vị trí phát rẫy của người dân rất gần với đường biên giới của Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ cháy lan rất cao, đặc biệt là vào thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2025.

Trước những khó khăn và thách thức nêu trên, lãnh đạo Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt nhận định nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn rất cao, đặc biệt trong mùa nắng nóng năm 2025. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu các nguy cơ cháy rừng nêu trên, thời gian qua Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp.

a1.png
Các vùng rừng lùng chết khuy gây nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Văn Sinh

Trong đó, đặc biệt lưu ý các Hạt Kiểm lâm và các Trạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn các xã: Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ tổ chức tổng kiểm tra, thống kê và khoanh vùng toàn bộ diện tích nứa, lùng chết khuy; xác định đây là những vùng trọng điểm cháy rừng và tập trung triển khai các biện pháp cần thiết theo phương án phòng chống cháy rừng (PCCCR) năm 2025 để phòng ngừa.

Đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất, phương tiện ứng cứu khi cháy rừng xảy ra. Tổ chức họp ban quản lý các thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn, phân công, bố trí lực lượng canh trực PCCCR ở các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt là các tiểu khu có nứa, lùng chết khuy.

Tăng cường phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ để nắm bắt tình hình, diễn biến trên địa bàn; thông qua nghiệp vụ ngoại biên của lực lượng Biên phòng để tuyên truyền, thông tin cho các lực lượng chức năng của nước bạn Lào trong công tác PCCCR. Làm việc với Ban quản lý các bản Mường Phú, Mường Piệt xã Thông Thụ là cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng khu vực giáp biên giới, thông qua việc thăm thân giữa nhân dân 2 nước để trao đổi tình hình và tuyên truyền bà con nhân dân Lào nâng cao ý thức PCCCR.

p2-7851dbb8133ac7787127f5dc88f97488-1-.png
Cần theo dõi và cảnh báo thường xuyên những vùng có cây lùng chết khuy, gãy đổ để ngăn chặn nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng. Ảnh: Văn Sinh

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng cho cộng đồng các bản vùng đệm, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không đốt nương rẫy, thực hiện các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng vào thời gian cao điểm nắng nóng.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Hàng loạt rừng lùng ở Nghệ An bị chết khô, nguy cơ cháy rừng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO