Làm giàu bền vững từ tre, mét ở huyện biên giới Nghệ An

Thu - Phúc 07/05/2024 15:26

(Baonghean.vn) - Cùng với phát triển vùng nguyên liệu tre, mét giai đoạn 2021-2025, nhiều bản làng trên địa bàn huyện Tương Dương còn phục tráng rừng mét bản địa, tạo hiệu quả “kép”, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo sự đoàn kết trong xây dựng các phong trào ở thôn bản.

Khôi phục rừng mét đã thoái hoá

Tam Liên là bản hiện nay có diện tích trồng mét lớn nhất xã Tam Quang (Tương Dương) với khoảng 400ha. Có khoảng 3ha mét ở khu vực đồi núi ngay cạnh gần nhà, anh Vi Văn Thắng và vợ là Lương Thị Báo ngày nào cũng thăm rừng mét.

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, việc phát dọn cây bụi, chăm sóc bón phân cho “kho tài sản xanh” cũng là dịp để người nông dân bản Tam Liên giải nhiệt, “trốn nắng” nhờ tán cây.

BNA_1355.JPG
Chị Lương Thị Báo thu hoạch mét. Ảnh: HT

Dùng tay đo đường kính cây mét của vườn anh Vi Văn Thắng - Trưởng bản Tam Liên Vi Văn Minh cho biết, hơn 2 năm lại nay cây mét đã đem lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định. Những cây mét có đường kính 5-7cm có giá khoảng 10 ngàn đồng/cây, loại to hơn có thể bán với giá từ 15-20 ngàn đồng/cây.

Chị Lương Thị Báo nhấn mạnh thêm, cây mét ở Tam Liên trước đây do khai thác tự nhiên, không chăm bón nên đã có tình trạng thoái hoá, cây còi cọc và chậm phát triển. Nhiều hộ đã có ý định bỏ khai thác, chuyển sang trồng cây khác. Song, nhờ dự án phục tráng mét do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, người dân biết cách chăm sóc, bón phân nên rừng mét bản địa dần xanh tốt trở lại. Từ đó nguồn thu nhập đều đặn cũng quay trở lại với bà con. Với cách khai thác cuốn chiếu và tỉa cây, cây mét cho thu hoạch rải đều trong năm. Mỗi ha cho thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm.

Nhận thấy tiềm năng từ trồng mét, cùng với thực hiện Đề án “Đề án phát triển vùng nguyên liệu tre, mét trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2021-2025”, ông Quang Văn Mão - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, hiện nay xã đang khuyến khích người dân đầu tư trồng cây mét, vừa để phát triển kinh tế, vừa giúp hoàn thành mục tiêu trồng rừng.

Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng rừng của Tam Quang đạt 366,06 ha, trong đó trồng mới 8,34 ha mét. Đặc biệt, Tam Quang đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Dự án "Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng" (GEF4).

BNA_1397.JPG
Trưởng bản Tam Liên Vi Văn Minh kiểm tra chất lượng rừng mét sau thời gian phục tráng. Ảnh: TP

Đây là dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ cho 2 xã vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát là Tam Quang và Tam Hợp của huyện Tương Dương. Xã Tam Quang có 5 bản được thụ hưởng dự án, gồm 4 bản: Tam Liên, Tam Bông, Sơn Hà, Bãi Xa ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 mở rộng diện tích trồng mét ở bản Tam Hương. Trong đó, bản Tam Liên trồng nhiều nhất với hơn 400ha và bản Tam Bông hơn 250ha... Dự án GEF4 hỗ trợ phân bón, kinh phí để người dân làm hàng rào bảo vệ, phục tráng và trồng mới cây mét, trong đó 30% kinh phí được trích làm vốn quay vòng cho các hộ dân đầu tư trồng mới và chăm sóc cây.

Lãnh đạo xã Tam Quang cũng cho biết thêm, cùng với việc thực hiện dự án GEF4, trồng cây mét bản địa thì người dân Tam Quang cũng đang thực hiện trồng loại mét Mạnh Tông khoảng 10ha. Đây là loại mét mới, có thân to và lóng mét dài hơn loại mét bản địa, hứa hẹn cho năng suất cao gấp 1-1,5 lần so với mét bản địa. Năm 2023, người dân xã Tam Quang đã khai thác 936.900 cây mét, với giá trung bình 15 ngàn đồng/cây đã mang lại nguồn thu nhập gần 15 tỷ đồng cho các hộ trồng.

Ông Lô Văn Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Tương Dương cho biết, mét có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, tuổi khai thác sớm, có thể khai thác sau 3 - 4 năm trồng và cho năng suất khá cao từ 4- 12 tấn/ha/năm.

BNA_1392.JPG
Lãnh đạo UBND xã Tam Quang kiểm tra diện tích mét tại bản Tam Liên. Ảnh: HT

Việc phát triển rừng trồng mét ở những nơi có điều kiện lập địa thích hợp, sẽ cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh và phục vụ công trình xây dựng, dân sinh. Dự kiến mét sẽ là một trong những loài cây chủ lực trong xuất khẩu lâm sản, góp phần phát triển kinh tế huyện Tương Dương.

Nâng cao ý thức bảo vệ và trồng rừng

Trồng mét không chỉ giúp người dân Tương Dương có thu nhập bền vững, mà còn tạo được ý thức về trồng rừng và bảo vệ rừng đối với từng cộng đồng và mỗi cá nhân. Đặc biệt, tại bản Na Tổng hiện nay ban cán sự bản và người dân tiếp tục triển khai mô hình “Rừng mét cộng đồng” vừa đem lại thu nhập cho người dân, vừa tạo kinh phí để xây dựng các công trình công cộng, vừa lan toả được ý thức bảo vệ rừng cho mỗi cá nhân. Bản Na Tổng trước đây có khoảng 3ha rừng mét tự nhiên đã tồn tại lâu năm và người dân tự do khai thác, không có người chăm sóc nên cây càng ngày càng thoái hoá, cằn cỗi và kém phát triển.

Từ cuối năm 2021, ban cán sự bản Na Tổng đã họp bàn thống nhất triển khai khoanh vùng bảo vệ rừng mét với phương châm bản làng chung tay. Theo đó, ban cán sự bản Na Tổng phân công các hộ dân quay vòng chăm sóc, bảo vệ và khai thác cây mét. Số tiền bán mét được chia làm 2, nửa cho người khai thác và nửa còn lại góp vào quỹ chung của bản. Quỹ chung đó dùng để xây dựng đường sá, kênh mương, mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt cộng đồng; thăm nom hiếu hỉ và hỗ trợ công chăm sóc, bảo vệ rừng mét.

bna_thu_hoach6495787_23112021.JPG
Trồng mét mang lại thu nhập trung bình cho các hộ gia đình ở Tương Dương 20 - 30 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: TP

Cũng với cách làm tương tự, ở bản Tam Liên, Bí thư Chi bộ bản Lương Sỹ Thoại cho biết, bản có hơn 45ha rừng mét cộng đồng bảo vệ, khai thác. Việc khai thác mét sẽ chia đều cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, song sẽ ưu tiên những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo nhiều hơn.

Mô hình này không những giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, mà còn tạo được sự đồng thuận, đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân trong việc làm đường sá, duy trì các hoạt động phong trào tập thể xây dựng bản làng văn hoá, giàu đẹp và cùng nhau bảo vệ rừng, trồng rừng hiệu quả.

Mới nhất
x
Làm giàu bền vững từ tre, mét ở huyện biên giới Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO