Cây đác vốn là cây hoang dã, có thân và tàu lá gần giống cây dừa, quả mọc thành từng buồng dài từ ngọn xuống. Trước đây, quả đác rụng đầy rừng nhưng mấy năm gần đây, nhờ học hỏi qua mạng, người dân xã Xiêng My cũng như một số vùng lân cận của huyện Tương Dương đã biết thu hoạch và chế biến quả đác tạo nên thành phẩm được nhiều người yêu thích. Ảnh: CSCC Ngay từ sáng sớm, người dân các bản Chà Hìa, Đình Tài và bản Phẩy, xã Xiêng My đã vào rừng chặt quả đác chở về nhà. Ảnh: Khánh Ly Gia đình bà Vi Thị Thắm, ông Lương Văn Mỳ ở bản Phẩy, xã Xiêng My bắt đầu biết khai thác hạt đác để bán từ mùa hè năm ngoái. Mỗi ngày, hai ông bà phải đi vào rừng sâu từ sáng sớm để thu hái. Bà Thắm cho biết: đàn ông trèo lên chặt quả, phụ nữ ở dưới nhặt rồi gùi hạt đác về. Bình quân mỗi ngày hai ông bà chặt được 4 gùi. Theo dân bản thì phải mất khoảng 10 năm trưởng thành, cây đác mới cho trái. Tuy nhiên, quả đác có thể trụ 2-3 năm ở trên cây mà không bị rụng. Khoảng tầm tháng 4, người dân bắt đầu thu hoạch đác vì đây là mùa đác non, vừa "chín tới" và kịp phục vụ nhu cầu thị trường giải khát mùa hè. Ảnh: An Quỳnh Quả đác mới thu hoạch có nhiều lông tơ bao phủ, dễ gây ngứa khi tiếp xúc. Vậy nên, những chùm đác sau khi hái về được người dân luộc lên tầm khoảng 30 phút để phần lông tơ cũng như mủ ngứa được loại bỏ. Đồng thời, việc làm chín quả giúp cho thân mềm ra, dễ lấy được hạt bên trong. Ảnh: Khánh Ly
Clip người dân đi thu hái và chế biến quả đác lấy hạt. Clip: Khánh Ly Sau khi được luộc chín, quả đác đã không còn ngứa, vỏ mềm dễ cắt. Mỗi quả được cắt vát đầu để dễ lấy hạt. Ảnh: An Quỳnh Quả đác khi cắt ra bên trong có 3 hạt mềm, màu trắng giống hạt ngọc nên dân bản hay gọi là "ngọc trắng". Ảnh: Khánh Ly Chị Kha Thị Bích - Bí thư chi bộ bản Phẩy, xã Xiêng My cho biết: Để tách hạt ra khỏi vỏ, người dân đã "tự chế" ra dụng cụ chuyên tách hạt gồm 2 thanh gỗ được buộc lại một đầu. Sau khi đặt hạt đác vào giữa hai thanh gỗ, người ta ấn xuống để hạt đác bị nén bẹp, phần hạt từ bên trong tuột ra. Cách này giúp người dân tiết kiệm nhiều thời gian hơn so với việc dùng dao. Ảnh: An Quỳnh Hạt đác được tách ra sẽ được để vào chậu nước sạch ngâm. Qua nhiều lần thay nước, hạt đác sẽ trắng và sạch. Hạt đác thành phẩm có màu trắng đục, mềm, không mùi, vị khá nhạt. Được biết hạt đác có rất nhiều công dụng, lại ít chất béo và calo nhưng lại giàu khoáng, vitamin... tốt cho sức khỏe. Hạt đác sau khi được sơ chế có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như kho thịt, nấu chè, làm mứt...và thường được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn giải nhiệt mùa Hè. Ảnh: Khánh Ly - Quỳnh An Hạt đác tuy quá trình sơ chế kỳ công nhưng lại là cây dại mọc rất nhiều trong rừng. Việc thu hoạch đác đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Xiêng My (Tương Dương) có thêm việc làm cũng như tăng thu nhập. Giá đác do người dân nhập sỉ cho một số hộ ở địa phương thu mua dao động từ 18-20 nghìn/kg, bình quân mỗi ngày hạt đác đưa lại thu nhập cho các hộ từ 400-600 nghìn đồng. Sau khi thu mua của người dân, đác được các hộ lấy sỉ bán ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), các huyện lân cận và thành phố Vinh với giá từ 25-30 nghìn đồng/kg. Theo ông Tịnh Văn Hồng - trưởng bản Phẩy, xã Xiêng My, các hộ thu mua đã rao bán trên mạng xã hội nên được nhiều người biết đến và bán khá chạy, có hộ nhập sỉ về thành phố Vinh bình quân mỗi ngày 50kg đác. Ảnh: Khánh Ly Theo tìm hiểu của phóng viên thì hạt đác rim ở khu vực thành phố Vinh có giá dao động từ 130 - 150 nghìn đồng/kg, được chị em nội trợ ưa chuộng chế biến trở thành nhiều món ăn giải khát mùa Hè. Ảnh: An Quỳnh
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO