Nghệ An trong chiến cục 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ
Theo lịch sử hiện đại, khi nghiên cứu chiến thắng Điện Biên Phủ cần đặt trong mối liên hoàn Chiến cục Đông Xuân 1953-1954. Đó là một chuỗi chiến dịch nhằm căng địch ra, nghi binh địch và chia lửa cho chiến trường chính Điện Biên Phủ. Chiến sỹ Nghệ An trên đường đến với Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Chiến cục Đông Xuân bắt đầu từ ngày10-12-1953 đến 7-5-1954 bao gồm các chiến dịch: Lai Châu, Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, Hạ Lào- đông bắc Cam Pu Chia và chiến dịch Điện Biên Phủ. Đối với tỉnh Nghệ An là tỉnh giáp Lào nên vừa tham gia các chiến dịch Trung, Thượng Lào vừa trực tiếp tham gia trận quyết chiến lược cuối cùng với Thực dân Pháp xâm lược. Hơn nữa Nghệ An là "vùng tự do", là "hậu phương" nên những đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến hết sức quan trọng.
Để tiếp tế cho Điện Biên Phủ, Nghệ An được giao mở đường 15 A, con đường bắt nguồn từ Đô Lương ( Cây Da Bu) qua Sen Sẻ lên Phủ Quỳ, qua Lâm La, Bãi Xăng ra tỉnh Thanh Hoá, Hoà Bình và lên phía Bắc để nối vùng tự do Liên khu 4 với chiến trường chính. Tính ra trong chiến dịch mở đường này Nghệ An đã huy động 6.600 dân công; với 1,5 triệu ngày công. Thời gian này các huyện dọc quốc lộ 1A và quốc lộ 7 còn huy động dân công sửa chữa đường. Tính chung toàn tỉnh đã huy động 5 triệu ngày công để làm giao thông.
Việc hoàn thành tuyến đường chiến lược 15A đã nối liền mạch máu giao thông giữa Liên khu 4 với liên khu 3, liên khu 5 với biên giới Việt- Lào nói trên tạo điều kiện cho vùng hậu phương Thanh- Nghệ -Tĩnh phát huy đến mức cao nhất nhiệm vụ cung ứng cho Điện Biên Phủ sau này.
Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra Nghệ An được giao huy động 20.000 người phục vụ chiến dịch Trung Lào nhằm đánh lạc hướng địch để ta chuyển quân về Điện Biên phủ và tiêu diệt một phần sinh lực đối phương buộc chúng phải bị động đối phó với ta. Toàn tỉnh đã huy động 1.500 xe đạp thồ, cùng 2 vạn dân công bộ phục vụ trung tuyến và hoả tuyến. Qua 7 tháng, đoàn dân công xe thồ Nghệ An đã khắc phục khó khăn đạt năng suất rất cao. Chỉ riêng một thị trấn Đô Lương đã có ba dũng sĩ thi đua Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Văn Hữu và Nguyễn Thị Trúc. 2 vạn dân công bộ cũng làm nên những kỳ tích. Họ đã bám sư đoàn 325 phục vụ ở hoả tuyến; đã cùng bộ đội vượt đường số 12, giải phóng Banaphào, Nhommarạt, Mahaxây, rồi giải phóng Thà Khẹt. Anh chị em dân công đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển lương thực, tải thương, thu hồi chiến lợi phẩm, thu dọn chiến trường...
Bước vào trực tiếp chi viện cho Chiến dịch điện Biên Phủ, Nghệ An đã thực hiện lệnh của Chính phủ tiến hành tổng động viên. Riêng về dân công phục vụ cao nhất. Đúng mồng một tết nguyên đán 1954, trên 32.000 dân công trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đã nô nức rầm rập lên đường ra tiền tuyến. Thực hiện quyết tâm chiến lược:" Tất cả cho tiền tuyến"; "tất cả để chiến thắng". Chưa bao giờ vùng hậu phương Nghệ An dốc người dốc của ra mặt trận cao độ và khẩn trương đến như vậy! Mọi ngành, mọi giới, mọi người lớp lớp đều dồn sức cho Điện Biên Phủ. Có gia đình cả cha con, dâu rể cùng ra tiền tuyến. Nhiều em thiếu niên tuổi mới 15, 16 cũng xung phong gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều cụ già hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch. Tuy dân công hoả tuyến phải lội suối trèo đèo, sốt rét, bom đạn rất gian khổ, nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn liên tiếp đi hai ba đợt liền. Những người ở nhà cũng thi đua với người ra đi bằng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm chi viện cho tiền tuyến. Chỉ trong thời gian rất ngắn nông dân cả tỉnh đã nhập kho 1.496 tấn thóc thuế. ( Bằng 50% chỉ tiêu nộp năm 1953 và 82% mức thuế mà Liên khu 4 giao cho Nghệ An trong vụ một). Đó là một cố gắng rất cao vì thời gian này địch cũng ra sức đánh phá hậu phương. (Từ đầu năm 1953 đến tháng 7 năm 1954, chúng đã cho lính Âu- cơ và nguỵ quân tập kích vào các xã ven biển Nghi Lộc, Quỳnh Lưu; 14 lần thả 397 tên biệt kích xuống địa bàn Quỳ Châu, Tương Dương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc; Hai lần tập kích vào vùng biên giới Tương Dương, Quỳ Châu; Chúng thả bom xuống làng xóm làm 854 người chết và 506 người bị thương).
Có thể nói một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng oanh liệt, lừng lẫy địa cầu của Điện Biên Phủ, là vấn đề phục vụ tốt cho bộ đội ta chiến đấu và kịp thời bổ sung quân. Sau này cố tổng bí thư Lê Duẩn đã có lời nhận định: " Không có Thanh- Nghệ -Tĩnh sẽ không có chiến thắng Điện Biên Phủ".
Nguyễn Văn Sỹ
(Hưng Dũng, Vinh)
(Những số liệu trong bài lấy từ "Lịch sử Đảng bộ Nghệ An" tập 1 và "Lịch sử Thành phố Vinh" tập 2)