Nghệ An: Tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại các kênh phân phối

Việt Phương 02/06/2019 19:55

(Baonghean) - Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các kênh phân phối hiện đại... tại Nghệ An.

BƯỚC CHUYỂN QUAN TRỌNG

Là địa bàn du lịch, hàng năm tiếp đón gần 3 triệu lượt du khách về tham quan, nghỉ mát, công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thị xã Cửa Lò đặc biệt chú trọng quan tâm. Hàng năm, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thị xã ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu Việt, nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam tổ chức các sự kiện quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến với du khách và nhân dân.

Nhiều sản phẩm của Nghệ An được giới thiệu tại các hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt. Ảnh: VIệt Phương
Nhiều sản phẩm của Nghệ An được giới thiệu tại các hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt. Ảnh: VIệt Phương

Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã có 4 làng nghề và có 4 sản phẩm của làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thị xã cũng chỉ đạo và phối hợp các thành viên trong BCĐ 389, các phường và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam có thị trường, đến được tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Cửa Lò

Các địa phương, sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng dành nhiều quan tâm cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong hành vi tiêu dùng của người dân.

Các sản phẩm hàng Việt thu hút được khách tham quan tại các hội chợ diễn ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: Việt Phương
Các sản phẩm hàng Việt thu hút được khách tham quan tại các hội chợ diễn ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ảnh: Việt Phương

Chị Nguyễn Thị Lan Anh ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh chia sẻ: Qua các kênh thông tin truyền thông, người dân quan tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm. Thế nhưng, việc sử dụng sản phẩm nội hay ngoại thì tôi quan tâm 2 yếu tố cơ bản là chất lượng, giá cả. Theo tôi, không chỉ tinh thần tự tôn dân tộc, ưu ái cho hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh mà thực tế hàng Việt có rất nhiều thương hiệu uy tín, chất lượng.

Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương

HƯỚNG CUỘC VẬN ĐỘNG ĐI VÀO CHIỀU SÂU

Có thể nói, sự vào cuộc có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng tích cực làm nên sự thành công trong 10 năm thực hiện cuộc vận động. Đến nay, toàn tỉnh có 19.708 doanh nghiệp, 833 chi nhánh, văn phòng đại diện, 701 HTX, 2 Liên minh HTX kinh doanh và 143.479 hộ tham gia kinh doanh, sản xuất trên nhiều lĩnh vực, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập của địa phương.

Theo thống kê, 90% hàng Việt có mặt tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Việt Phương
Theo thống kê, 90% hàng Việt có mặt tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Việt Phương

Các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác quản lý thị trường; phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhiệt tình tham gia cuộc vận động với việc đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành hấp dẫn người tiêu dùng.

10 năm qua, Nghệ An đã tổ chức được trên 20 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và 50 phiên chợ đưa hàng Việt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Nghệ An năm 2016, 2017, 2018 với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như các hệ thống phân phối trong cả nước giúp nhiều sản phẩm trên địa bàn tỉnh đi vào các hệ thống phân phối, các đại lý, cửa hàng bán lẻ không chỉ ở trong tỉnh, mà còn ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh... Ngoài ra sản phẩm rau, củ, quả, hàng thủy sản được tiêu thụ mạnh tại hệ thống siêu thị, các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng của các tập đoàn lớn.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng bánh kẹo ở Chợ Vinh. Ảnh: Việt Phương
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng bánh kẹo ở chợ Vinh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Việt Phương

Các chương trình giao thương, kết nối cung cầu và các hoạt động phát triển thị trường trong nước đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nắm bắt các xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi cách thức tiếp cận, cách thức tiến hành xúc tiến thương mại để đưa hàng hóa tiếp cận và vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại, từ đó góp phần thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững.

Người tiêu dùng dành sự quan tâm lựa chọn hàng Việt. Ảnh: Việt Phương
Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng ta có thể thấy rõ sự chuyển biến tích cực từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước, ý thức về tiêu dùng sản phẩm Việt được nâng cao rõ rệt, người tiêu dùng từng bước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với hàng hóa sản xuất trong nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội...

Mới đây, chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh cho rằng: Người tiêu dùng đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức đối với hàng Việt, tuy nhiên, quan trọng nhất và điều tiên quyết đến thành công của chương trình thì doanh nghiệp phải chú trọng nâng giá trị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chăm sóc sau bán hàng và thái độ phục vụ. Đó mới là yếu tố quyết định và bền vững.


“Để tạo sự lan tỏa rộng rãi với thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước, giai đoạn tới cần có cách làm mới nâng cao hơn nữa hiệu quả của cuộc vận động, chuyển từ vận động sang hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, để hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”


Mới nhất

x
Nghệ An: Tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại các kênh phân phối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO