Nghệ An và 4 tỉnh ven biển được Vương quốc Anh hỗ trợ dự án chống mua, bán người

Mỹ Hà 26/12/2019 10:41

(Baonghean.vn) - Dự án do Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an là cơ quan chủ trì tại 5 địa phương là Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ninh và Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch HLHPN phát biểu. Ảnh - Mỹ Hà.
Sáng 26/12, Hội Liên hiệp phụ nữ phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam tập huấn truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua, bán người và nô lệ thời hiện đại. Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát biểu tại lớp tập huấn. Cùng dự có các đại diện đến từ Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ đội biên phòng, các cơ quan báo chí và một số địa phương đóng địa bàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà.

Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Đấu tranh chống mua, bán người và nô lệ thời hiện đại, tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ thông qua 3 tổ chức gồm Tổ chức di cư quốc tế, Hội đồng Anh và Tổ chức tầm nhìn thế giới tại Việt Nam.

Dự án được triển khai tại 5 địa phương là Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ninh và Nghệ An, kéo dài trong 18 tháng và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an là cơ quan chủ trì.

Dịp này, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế IOM cũng cho biết: Theo số liệu từ Cục lãnh sự, năm 2016 cả nước có 9,2 triệu người Việt xuất cảnh ra nước ngoài với các mục đích như tìm kiếm việc làm, học tập, đoàn tụ gia đình và kinh doanh.

Hiện nay, mặc dù phần lớn người lao động đều sử dụng các kênh tuyển dụng chính thống nhưng vẫn có những người lựa chọn con đường di cư bất hợp pháp thông qua các đường dây vượt biên trái phép đầy rủi ro bị bóc lột và buôn bán. Đây cũng là loại hình tội phạm có lợi nhuận cao nhất toàn cầu hiện nay.

Các học viên trao đổi tại lớp tập huấn. Ảnh: Mỹ Hà.
Các học viên trao đổi tại lớp tập huấn. Ảnh: Mỹ Hà.

Đáng báo động, những người sử dụng dịch vụ để nhập cảnh trái phép vào một quốc gia thường dễ dàng gặp phải cảnh bị đe dọa, xâm hại, bóc lột xuyên suốt hành trình di cư của họ tại cả nước đi và nước đến. Thống kê cho thấy, năm 2018, số lượng người Việt có nguy cơ là nạn nhân của nạn buôn người cao thứ 2 tại Anh.

Gần đây nhất, thảm kịch 39 người Việt bỏ mạng tại Anh đã nhấn mạnh mối nguy hiểm thực sự mà những kẻ buôn người và đưa người di cư trái phép có thể gây ra cho những người di cư dễ bị tổn thương, những người tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở nước ngoài.

Tuyên truyền lưu động cho các hộ dân ở bản Phồng, xã Tam Thái nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân miền núi trong việc phòng, chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy và nạn buôn bán người. Ảnh tư liệu Phương Thúy

Để loại bỏ những mối nguy hiểm này, chương trình tập huấn truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua, bán người và nô lệ thời hiện đại sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề như: tình hình mua, bán người, nô lệ hiện đại trong nước và thế giới hiện nay; các khái niệm và mối liên hệ; thực hành xây dựng dự thảo chiến lược truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống mua, bán người... Tất cả các nội dung này sẽ được giảng viên của Tổ chức Di cư quốc tế trao đổi cụ thể.

Thông qua chương trình tập huấn sẽ góp phần thay đổi nhận thức về nô lệ thời hiện đại và mua, bán người. Đồng thời là dịp để các học viên học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

Mới nhất
x
Nghệ An và 4 tỉnh ven biển được Vương quốc Anh hỗ trợ dự án chống mua, bán người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO