Nghệ An và sự bức thiết xây dựng bản đồ ngập úng

Doãn Trí Tuệ 02/09/2019 07:01

(Baonghean.vn) - Ở Nghệ An hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng thời gian từ đầu trung tuần tháng 9 đến hết tháng 11 hàng năm là mùa mưa to, lũ lớn, gió bão nhiều liên tục xuất hiện gây ra hậu quả khôn lường khó có thể tránh khỏi.

Trung bình mỗi năm ở Nghệ An có tổng lượng mưa từ 2000 - 2200mm, trong đó lượng mưa trong mùa mưa bão từ tháng 9 đến tháng 11 chiếm 65 - 70% tổng lượng mưa cả năm. Đặc biệt có những trận mưa trong tháng 9 và đầu tháng 10 lên đến 700 -800mm trong một thời gian rất ngắn, gây ra ngập úng trên diện rộng.

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm nay riêng vùng Bắc Trung Bộ (trong đó có Nghệ An) có khoảng 8 - 10 cơn bão, trong đó có từ 3 - 4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nhưng xuất hiện muộn và đáng lo nhất là xuất hiện bão mạnh (siêu bão), cực đoan, khó dự báo, khó lường.

Ngập lụt ở Con Cuông tháng 8/2018. Ảnh: Tư liệu

Để chủ động phòng chống, ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại do mưa to, cường độ mưa lớn, mưa kéo dài gây ngập úng, gây lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra ở nhiều vùng trong tỉnh trong mùa mưa bão đến. Trước mắt Nghệ An cần chủ động xây dựng bản đồ ngập úng; vùng dễ xảy ra lũ ống, lũ quét; vùng dễ bị sạt lở đất… thật chi tiết, cụ thể dựa theo số liệu lịch sử được ngành khí tượng thủy văn và Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của tỉnh được tổng kết lại trong nhiều năm qua.

Từ bản đồ ấy, các địa phương qua theo dõi thông báo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh, dự báo của Đài khí tượng thủy văn về lượng mưa từng ngày, từng đợt, khả năng gây ngập úng ở mức độ nào thuộc vùng nào và khả năng xảy ra lũ ống lũ quét ở đâu…

Tất cả được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương và nhân dân biết trước mà chủ động phòng tránh sớm trước khi xảy ra ngập úng lớn, lũ ống, lũ quét mạnh, nhất là khi có cả mưa to kèm theo gió bão mạnh.

Bản đồ độ sâu ngập lụt tại khu vực xã Hưng Nhân năm 2010 được trường đại học khoa học tự nhiên phân tích
Bản đồ độ sâu ngập lụt tại khu vực xã Hưng Nhân năm 2010 được Trường đại học Khoa học tự nhiên phân tích bằng phương pháp sử dụng mô hình toán. Ảnh: danida.vnu.edu.vn

Bản đồ ngập úng và lũ ống, lũ quét được xây dựng với 3 trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp ngập úng thứ 1: Do mưa to, cường độ mưa mạnh, lượng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài, hậu quả sẽ là gây ngập úng nặng cho các vùng có địa hình thấp trũng ở các vùng đồng bằng ven biển, ven sông, ven khe suối, vùng lòng chảo ở các huyện miền núi.

Qua theo dõi nhiều năm cho thấy: Nếu lượng mưa đạt từ 100 - 120mm, toàn tỉnh sẽ có từ 11.000 - 12.000 ha lúa hè thu và vụ mùa bị ngập. Nếu lượng mưa lên đến 180 - 200mm sẽ có từ 32000 - 34000 ha lúa và nhiều đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua vùng này đều bị ngập chìm trong nước. Nếu lượng mưa lên đến từ 300mm trở lên thì cả đồng ruộng và nhà dân ở các vùng có địa hình thấp ở các huyện đồng bằng ven biển, các vùng lòng chảo ở các huyện miền núi đều là ngập chìm trong nước.

Riêng các huyện miền núi cao ở những nơi nào có lưu vực lớn chung quanh là núi rừng có độ dốc cao dễ dẫn đến nước lũ tập trung nhanh. Không những thế, lòng suối lại co hẹp tạo nút thắt hình cổ chai khiến cây cối trôi từ thượng nguồn về bị chặn lại gây cản trở dòng chảy, tạo thành đập nước tự nhiên và là nơi phát sinh ra lũ quét, lũ ống từ đây mà ra.

Bản đồ thời gian ngập lụt  trên  lưu vực sông Lam (trận lũ tháng X/2010) do trường đại học khoa học tự nhiên mô phỏng. Ảnh
Bản đồ thời gian ngập lụt trên lưu vực sông Lam (trận lũ tháng X/2010) do Trường đại học Khoa học tự nhiên mô phỏng. Ảnh: danida.vnu.edu.vn

Trường hợp ngập úng thứ 2: Ngập úng do xả lũ hoặc bị vỡ đập có thể gây ra ở những hồ đập thủy lợi lớn như: Hồ Vực Mấu ở Thị xã Hoàng Mai, đập vệ rừng ở Yên Thành, đập khe gỗ ở Nghi Lộc, đập Mụ Dạ ở Đô Lương, đập Sông Sào ở Nghĩa Đàn… và ngập úng xảy ra do xả lũ ở các hồ đập thủy điện gây ra như hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố…

Trường hợp ngập úng thứ 3: Do nước biển dâng cao khi có gió bão siêu cấp xảy ra. Trường hợp này ít xảy ra hơn, nhưng không nên chủ quan.

Vì những năm gần đây do biến đổi khí hậu làm gia tăng hiện tượng siêu bão, cực đoan, khó lường. Nếu xảy ra khi có siêu bão thì vùng ngập úng do nước biển dâng lên có thể lên cao 8 - 10m và vùng xảy ra là vùng ven biển, ven sông về phía bên phải của tâm bão.

Xây dựng bản đồ ngập úng, vùng có thể xảy ra lũ ống, lũ quét cần thực sự chi tiết. Muốn vậy, cơ quan lập bản đồ là ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh phải phối kết hợp với Đài khí tượng thủy văn của tỉnh, ban phòng chống lụt bão các huyện, thành, thị và phòng NN & PTNT các huyện, thành, thị để có số liệu lịch sử qua nhiều năm ở từng địa phương và chung toàn tỉnh về vùng ngập úng, quy mô diện tích vùng ngập úng, mức độ ngập úng, thời gian gây ngập úng, hậu quả ngập úng do lượng mưa quá lớn, do xả lũ của đập thủy lợi, do xả lũ của đập thủy điện, do vỡ đập hay do lũ ống, lũ quét gây ra (hậu quả đó được thống kê bao nhiêu sản phẩm cây, con, bao nhiêu nhà cửa, bao nhiêu của cải khác và bao nhiêu người chết…).

Các mức độ thiệt hại đều được đối chiếu với số liệu lịch sử về lượng mưa đo đếm được trong từng ngày, từng đợt mưa, từng cơn bão xảy ra trực tiếp hay gián tiếp gây ảnh hưởng xảy ra mưa to đều có ở Đài khí tượng thủy văn Nghệ An.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ đã gây thiệt hại lớn về tài sản năm 2018. Ảnh: Tư liệu

Về mức độ xả lũ với lưu lượng xả bao nhiêu m3 nước/giây thì mức độ gây lũ diễn ra ở vùng hạ lưu là bao nhiêu đều có số liệu lịch sử được ghi chép lại ở các hồ đập thủy lợi, thủy điện và mức độ thiệt hại mỗi lần xả lũ đều có trong các bản báo cáo của các địa phương.

Việc xây dựng bản đồ ngập úng, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão ở tỉnh ta là việc làm cần thiết, nên làm và chắc chắn sẽ làm được để giúp tỉnh và các địa phương chủ động chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt có hiệu quả cao nhất, trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường như hiện nay.

Mới nhất

x
Nghệ An và sự bức thiết xây dựng bản đồ ngập úng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO