Nghệ An vượt chỉ tiêu trồng rừng hơn 1.000 ha

13/12/2016 07:45

(Baonghean) - Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và người dân, năm 2016, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vượt chỉ tiêu trồng rừng tập trung hơn 1.000 ha. Nhiều huyện có diện tích trồng rừng lớn như: Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Tương Dương cũng vượt chỉ tiêu giao.

Gia đình ông Nguyễn Như Thao ở bản Bãi Xa, xã Tam Quang (Tương Dương), năm nay trồng hơn 20 ha rừng nguyên liệu. Đây là một trong những hộ đi đầu, chủ yếu tự huy động nguồn vốn trồng rừng ở huyện Tương Dương. Dẫn chúng tôi tham quan vùng rừng mới trồng, ông Thao cho biết: “Gia đình tôi mạnh dạn trồng rừng diện tích lớn là bởi xã và huyện có thông báo đến tận hộ có Nhà máy Chế biến gỗ MDF Nghĩa Đàn sẽ bao tiêu sản phẩm”.

Được biết, năm nay huyện giao trồng 125 ha, nhưng Tam Quang đã trồng được hơn 408 ha, vượt hơn 300%. Trong đó có 113 ha trồng rừng theo nguồn vốn hỗ trợ 30a, còn lại là người dân tự bỏ vốn trồng rừng. Nguyên nhân trồng rừng nguyên liệu tăng đột biến là do năm nay huyện đã mời được Nhà máy Chế biến gỗ MDF Nghĩa Đàn để ký cam kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân, vì vậy bà con đã tích cực trồng rừng. Xã khuyến khích hộ dân trồng rừng ở một số diện tích rẫy không phát huy hiệu quả, dọc các vùng đồi sát khe suối...

Rừng mới trồng ở xã Tam Quang- Tương Dương. Ảnh: Hữu Nghĩa
Rừng mới trồng ở xã Tam Quang- Tương Dương. Ảnh: Hữu Nghĩa

Qua trao đổi, ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết thêm: Năm nay huyện được giao trồng 1.000 ha, nhưng toàn huyện đã trồng được 1.470 ha, vượt 47%. Sở dĩ năm nay diện tích trồng rừng nguyên liệu vượt chỉ tiêu là năm đầu thực hiện Đại hội Đảng bộ huyện khóa 25, trong đó huyện đã xây dựng đề án trồng rừng. Huyện cũng ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho bà con như hỗ trợ thiết kế, hỗ trợ phân bón, cây giống cho người trồng rừng từ nguồn ngân sách huyện cho 1.000 ha với ngân sách hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời, để củng cố niềm tin cho bà con trồng rừng cũng như để nghề trồng rừng của Tương Dương phát triển bền vững, huyện Tương Dương đã mời Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm bàn các giải pháp phối hợp triển khai phát triển vùng nguyên liệu.

Trên cơ sở đó, một số thỏa thuận đã được thống nhất, công ty sẽ thực hiện một số cơ chế chính sách đầu tư vùng nguyên liệu và ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Song song với trồng rừng, huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ rừng; lồng ghép các chính sách để bảo vệ rừng tốt hơn bằng cách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, tăng thu nhập cho bà con từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng.

Chăm sóc giống cây rừng.
Chăm sóc giống cây rừng.

Ở huyện Quỳ Châu, phong trào trồng rừng nguyên liệu cũng phát triển mạnh. Năm 2016, kế hoạch huyện Quỳ Châu trồng 1.600 ha rừng nguyên liệu, nhưng toàn huyện đã trồng được hơn 1.800 ha (vượt chỉ tiêu 200 ha). Từ đầu tháng 4/2016, huyện đã triển khai trồng rừng và kết thúc vào tháng 8/2016. Thực tế, những năm qua, huyện rất quan tâm đến công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng, nên độ che phủ của rừng đã đạt 78%. Nhiều gia đình nhờ chính sách trồng rừng của Nhà nước, thông qua các dự án trồng rừng, đã trồng hàng chục ha rừng keo, mỗi năm đem lại nguồn thu khá cao.

Trước khi bước vào vụ trồng rừng, Phòng Nông nghiệp huyện tiến hành rà soát, kiểm tra các diện tích rừng trồng sản xuất của nhân dân và giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng địa phương. Cùng đó, chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn huyện chủ động ươm cây giống đảm bảo chất lượng, phục vụ công tác trồng rừng. Kết quả đạt được nêu trên, bên cạnh nỗ lực của các ngành, yếu tố quan trọng là đồng bào đã nâng cao nhận thức về hiệu quả kinh tế của việc trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng.

Đồng bào xã Châu Hạnh - Quỳ Châu trồng rừng.
Đồng bào xã Châu Hạnh - Quỳ Châu trồng rừng.

Qua kiểm kê các loại rừng (năm 2015), huyện Quỳ Châu đang còn 13.000 ha đất trống đồi trọc. Trên cơ sở đó, huyện đang xây dựng đề án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP "về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020". Với việc có nhà máy sản xuất gỗ ép quy mô lớn trên địa bàn là yếu tố quan trọng để huyện xây dựng chiến lược phát triển rừng phù hợp, hướng tới bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Đặng Xuân Minh - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm: Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ cấu cây trồng cho các vùng, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Chi cục đã phân công cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt khó khăn, thuận lợi để giải quyết ngay tại cơ sở; tham mưu với UBND các huyện, thị chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất. Năm 2016, chỉ tiêu trồng rừng tập trung được UBND tỉnh giao 16.030 ha. Kết thúc vụ trồng rừng toàn tỉnh đã trồng được hơn 17.000 ha (vượt chỉ tiêu hơn 1.000 ha). Trong đó có 3.800 ha rừng được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón còn lại là do nhân dân tự bỏ vốn ra trồng.

Để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, Sở NN & PTNT ban hành Công văn số 1972/SNN.KL về việc "Tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp". Việc kiểm soát chất lượng cây giống sẽ giúp các hộ trồng rừng phát huy được hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp các hộ sản xuất giống có thể vươn lên, cung cấp cây giống cho diện rộng. Chính vì vậy, công văn của Sở NN & PTNT cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng NN & PTNT tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất cây giống trồng rừng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An vượt chỉ tiêu trồng rừng hơn 1.000 ha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO