Nghệ An xây dựng nền tảng dữ liệu dân số theo hướng số hóa
(Baonghean.vn) - Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, dự báo tình hình dân số phục vụ công tác quản lý nhà nước về dân số làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đúng và chính xác
Đã thành thông lệ, mỗi tháng hai lần xã Châu Quang (Quỳ Hợp) tổ chức giao ban với các cộng tác viên dân số - y tế vào ngày 5 và 25 hàng tháng. Trong các buổi giao ban, ngoài việc triển khai, đánh giá công việc, kế hoạch truyền thông thì một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là thu thập báo cáo thông tin, trong đó tập trung chính vào việc cập nhật biến động dân số, biến động sinh tử đi đến, biến động kết hôn, ly hôn, sử dụng biện pháp tránh thai…
Tư vấn về các biện pháp tránh thai cho người dân huyện Quỳ Hợp. Ảnh: MH |
Đây cũng là công việc đã duy trì nhiều năm nay và là một trong những cơ sở quan trọng để chính quyền xã, huyện cập nhật, nắm bắt được tình hình biến động cũng như các cơ sở dữ liệu về dân cư trên địa bàn.
Tuy nhiên, thời điểm này việc cập nhật có những khó khăn riêng bởi từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên số người đi – đến trên địa bàn xã biến động nhiều. Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập một số xóm thay đổi về tên gọi phụ trách nên việc nắm bắt tình hình ở cơ sở có những khó khăn nhất định. Chưa kể, đội ngũ cộng tác viên dân số của xã cũng đã thay đổi toàn bộ nên không dễ dàng để làm quen với việc thống kê, cập nhật các thông tin về biến động dân số trên địa bàn.
Chỉ trong tháng 9, trên địa bàn chúng tôi có hơn 10 trẻ được sinh ra, 8 người qua đời, chuyển về 12 người nhưng lại có 5 người chuyển đi. Tất cả số liệu này, dù đã được các cộng tác viên ở các thôn bản cập nhật nhưng chúng tôi phải rà soát chính xác mới cập nhật thông tin lên cho huyện. Thực tế, cũng cho thấy, việc cập nhật vấn đề sinh – tử là vấn đề thực hiện thường xuyên nhưng đặc thù ở địa bàn chúng tôi là vùng miền núi, trong đó có ba thôn bản đặc biệt khó khăn như bản Yên Luống, bản Cà, bản Anh, phong tục tập quán có những đặc thù riêng nên nếu không kiểm tra lại kỹ càng có thể dẫn đến sai sót.
Chẳng hạn, khi trẻ mới sinh ra các gia đình thường khai báo ngày âm nhưng đến khi lên làm giấy chứng sinh lại khai báo ngày dương nên dễ bị nhầm lẫn. Khi đó, ngoài việc lấy thông tin từ cộng tác viên dân số chúng tôi còn phải kết hợp với danh sách tiêm chủng, khám thai, bảo hiểm y tế để lấy thông tin chính xác nhất.
Toàn huyện Quỳ Hợp có 21 xã, thị và số xã thị nằm ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại còn khó khăn. Trước đây, để cập nhật các dữ liệu thông tin về dân số, mỗi tháng một lần viên chức dân số sẽ trực tiếp đến Trung tâm Dân số - KHHGĐ của huyện (nay là Trung tâm Y tế) để trực tiếp phối hợp với cán bộ phụ trách hệ thống thông tin chuyên ngành Dân số - KHHGĐ cập nhập vào kho dữ liệu điện tử cấp huyện. Tuy nhiên, hiện nay nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin nên công việc này đơn giản hơn vì chỉ cần ở tại cơ sở, gửi thông tin qua thư điện tử là cán bộ dân số của huyện đã có đầy đủ số liệu. Những thông tin mới cần được bổ sung (thường sau ngày 25 hàng tháng) cũng sẽ được thông tin kịp thời qua các kênh thông tin khác như điện thoại, trao đổi hàng ngày qua các nhóm truyền thông…
Bà Nguyễn Thúy Hằng - Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp cho biết: “Dù thời gian qua dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến các hoạt động truyền thông của ngành dân số nhưng việc cập nhật các thông tin, dữ liệu về dân số vẫn được chúng tôi duy trì và thực hiện nghiêm túc, bài bản”.
Cán bộ dân số huyện Quỳ Hợp cập nhật dữ liệu về thông tin dân số. Ảnh: MH |
Hơn một năm trở lại đây, trên toàn tỉnh, việc biến động về đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở khiến cho việc cập nhật thông tin chuyên ngành dân số lên hệ thống gặp những khó khăn nhất định. Bởi lẽ trước đây, công việc này thường do các cộng tác viên dân số nhiều kinh nghiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát. Tuy nhiên, sau khi thay toàn bộ đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở thì các cộng tác viên mới bắt đầu làm quen với địa bàn, với dân cư nên công việc phần nào bị gián đoạn. Ngoài ra, trong gần một năm qua, tác động của dịch bệnh, tình hình di cư của người dân có nhiều biến động nên việc rà soát đến từng đối tượng gặp nhiều khó khăn hơn. Riêng trong thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nếu không “bám xóm làng, bám cơ sở” thì để cập nhật đầy đủ thông tin dữ liệu sẽ không thể thực hiện dễ dàng.
Qua nhiều năm triển khai cập nhật các thông tin chuyên ngành về dân số, bà Lô Thị Tâm – Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Quế Phong chia sẻ: “Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng phải cố gắng để cập nhật các thông tin một cách đúng, trúng và chính xác. Ngoài ra, để triển khai công việc hiệu quả chúng tôi cũng phải hiểu rõ được phong tục tập quán của người dân để giúp người dân khai báo kịp thời và đúng theo các biểu mẫu đã hướng dẫn, tránh trùng lặp”.
Hướng tới số hóa, nhanh gọn và hiệu quả
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là “tài nguyên quốc gia đắt giá”, là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số… Tại Việt Nam, từ năm 2001, thực hiện chủ trương tin học hóa công tác dân số, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ (nay là Tổng cục DS-KHHGĐ) quyết định triển khai phần mềm kho dữ liệu điện tử với tên gọi MIS. Năm 2004, phần mềm này được triển khai đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cập nhật các thông tin vầ dân số. Ảnh: MH |
Đến thời điểm này, Nghệ An đã xây dựng được kho dữ liệu cấp tỉnh và 21 kho dữ liệu ở huyện, thành, thị; nhiều xã, phường trên toàn tỉnh đã trang bị máy vi tính để cập nhật số liệu. Qua nhiều lần cần cập nhật, đến nay, phần mềm ngày càng phát huy tính ưu việt trong hoạt động quản lý dân số và các thông tin như: Số nhân khẩu, số hộ, số trẻ mới sinh…
Những thông tin, số liệu cập nhật được truyền tải vào kho dữ liệu dân số của tỉnh cũng là cơ sở để tỉnh và các ban, ngành liên quan căn cứ để xây dựng các kế hoạch và dự báo về tình hình dân số cũng như những tác động trong tương lai.
Liên quan đến công tác này, vào đầu tháng 10, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình “Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030”. Đây là tiền đề để Nghệ An thực hiện “số hóa” nhằm quản lý công tác thu thập, xử lý, khai thác, lưu trữ thông tin, số liệu về dân số thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Qua đó cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của thông tin, dữ liệu dân số; ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo; bố trí cán bộ đủ năng lực, đầu tư ngân sách cho hệ thống thông tin chuyên ngành dân số.
Rà soát các thông tin và việc triển khai nhiệm vụ dân số ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh: MH |
Việc củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện thí điểm mô hình cập nhật, số hóa thông tin số liệu tại tuyến xã kết nối, tích hợp vào nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở. Xây dựng mô hình kết nối, liên thông, chia sẻ và truy xuất dữ liệu từ cơ sở dữ liệu, kho dữ liệu về dân số từ Trung ương đến địa phương với các cơ sở dữ liệu điều tra dân số khác; Giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thành mô hình số hóa thông tin tại tuyến xã và lưu trữ, quản lý tập trung tại cấp Trung ương, cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: “Việc xây dựng và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số theo hướng “số hóa” là yêu cầu cấp thiết hiện nay và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Điều này không chỉ giúp cho địa phương có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, khoa học mà còn thuận lợi cho việc truy cập hệ thống các thông tin. Việc dự báo dân số chính xác cũng sẽ góp phần phục vụ việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.