Dân số Nghệ An vượt khó thực hiện nhiệm vụ 'kép'
Trong khi cả nước đang chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang nâng cao chất lượng dân số, thì công tác dân số của Nghệ An vẫn phải thực hiện song song cả hai nhiệm vụ, vừa triển khai đồng bộ các giải pháp để vừa giảm sinh, vừa nâng cao chất lượng dân số.
Đẩy mạnh truyền thông
Đại Sơn là 1 trong 8 xã đầu tiên của huyện Đô Lương hoàn thành chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2024. Là một địa bàn đặc thù, trước đây việc triển khai chiến dịch vận động người dân Đại Sơn đi khám sức khỏe, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn. Gần đây, dù nhận thức của người dân đã thay đổi, nhưng để người dân hiểu rõ hơn về các chính sách dân số thì vẫn còn nhiều trở ngại.
"Tôi đã 20 năm gắn bó với công tác dân số trên địa bàn và đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất. Năm 2023, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã hơn 42%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của huyện. Rất nhiều gia đình, nhất là những người có điều kiện muốn sinh nhiều con để "có nếp, có tẻ", hoặc muốn có nhiều con trai".
Bà Lê Thị Kim Oanh - viên chức dân số xã Đại Sơn
Để có thể vận động được gần 300 chị em tham gia chiến dịch dân số, trước khi chương trình được triển khai, xã Đại Sơn đã lồng ghép việc tuyên truyền vào nhiều cuộc họp của các chi hội như: Phụ nữ, nông dân; bên cạnh đó, tăng cường truyền thông trên hệ thống loa phát thanh của xã.
Qua thực tế triển khai, bà Lê Thị Kim Oanh - viên chức dân số xã Đại Sơn chia sẻ: Chiến dịch dân số năm 2024 này được triển khai với nhiều hoạt động từ khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình nên thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Qua tư vấn, người dân từng bước nâng cao nhận thức để thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số.
Tìm hiểu được biết, sau khi HĐND huyện Đô Lương bãi bỏ Nghị quyết 05 về việc thực hiện một số chính sách dân số, công tác dân số trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, thì không ít người cho rằng, khi chính sách dân số được nới lỏng, người dân không cần phải thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không phải hạn chế sinh con. Đó cũng là lý do vì sao trong mấy năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện Đô Lương đều tăng trên 30% và còn có nguy cơ tăng.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, thời gian qua, huyện Đô Lương đã đẩy mạnh các hoạt động như tuyên truyền về vấn đề sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho nhiều đối tượng như đoàn viên, thanh niên, hội viên hội phụ nữ, hội viên hội nông dân. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông dân số, đưa dịch vụ đến từng cơ sở.
Trong đợt đầu chiến dịch dân số năm nay, chúng tôi thực hiện hoàn toàn miễn phí các dịch vụ cho người dân về khám sức khỏe phụ khoa, đặt vòng... Người dân còn được siêu âm ổ bụng, tuyến giáp, được xét nghiệm miễn phí kiểm tra đường huyết, huyết áp... nên bà con tham gia rất đông. Chúng tôi xem đây là cơ hội để lồng ghép, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các chính sách dân số/kế hoạch hóa gia đình.
Ông Hoàng Đức Thủy - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Đô Lương
Dù chỉ mới một nửa thời gian triển khai, nhưng đến thời điểm này, Tân Kỳ là một trong những huyện sớm về đích chiến dịch dân số với 22/22 xã, thị đã hoàn thành. Ông Hồ Minh Hà - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ chia sẻ: "Việc triển khai chiến dịch dân số hiện nay gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách bị cắt giảm. Vì thế, trước khi thực hiện, chúng tôi đã tham mưu để UBND huyện xây dựng kế hoạch, bổ sung kinh phí và giao nhiệm vụ cho các địa phương. Trong quá trình triển khai, huyện cũng đã kết nối với các đơn vị để về tổ chức khám, tư vấn miễn phí nên được người dân hào hứng hưởng ứng".
Nâng cao chất lượng dân số
Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Dân số Nghệ An và được kéo dài nhiều tháng trong năm. Trong năm 2024, sau lễ phát động tại huyện Kỳ Sơn, việc triển khai chiến dịch đã được thực hiện đồng bộ tại 21 huyện, thành, thị. Một số địa phương đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình được đề ra trong năm 2024.
"Chiến dịch dân số là hoạt động thường niên thu hút hàng nghìn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Qua việc được khám, tư vấn, được cung cấp kiến thức và thụ hưởng các dịch vụ nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản, chị em sẽ nâng cao nhận thức, hiểu biết và có ý thức hơn trong việc chăm sóc bản thân, thực hiện các biện pháp về kế hoạch hóa gia đình".
Bà Thái Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân số, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An
Song song với việc triển khai chiến dịch truyền thông, 6 tháng đầu năm 2024, ngành Dân số Nghệ An tiếp tục duy trì và triển khai các mô hình, đề án nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như Đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Đề án giảm thiểu tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các buổi truyền thông, tư vấn cộng đồng chăm sóc sức khỏe sinh sản góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc; truyền thông về dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số... cho cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ.
Công tác tuyên truyền cũng đã được đẩy mạnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã hoàn thiện việc sản xuất các sản phẩm truyền thông cho vùng miền núi cao và vùng có mức sinh cao; tiến hành khảo sát, sửa chữa các cụm pa nô chủ lực trên địa bàn; duy trì việc phát hành kịp thời các sản phẩm truyền thông về nội dung dân số cho cơ sở. Với nhiều nỗ lực, cố gắng, 6 tháng đầu năm, trên toàn tỉnh số trẻ sinh ra giảm 400 em so với cùng kỳ, số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên, tỷ số giới tính khi sinh cũng giảm và có nhiều dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, từ năm 2021 khi nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số (nguồn chủ lực) bị cắt giảm sâu, đã ảnh hưởng đến các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Qua tổng hợp cũng cho thấy, dù mức sinh tuy đã giảm nhưng thiếu bền vững. Một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, bãi ngang, vùng đông dân, vùng có giáo dân, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang ở mức cao, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa vẫn còn nhiều, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng, đang là những vấn đề hết sức khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở.
Từ thực tế trên, việc thực hiện song song hai nhiệm vụ của ngành Dân số Nghệ An trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn.
Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số đợt 2/2024 tại các huyện, thành, thị. Đồng thời, thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng giáo, vùng biển, vùng đặc thù, vùng mức sinh cao, khu công nghiệp...
Ông Phan Văn Huê - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An
Ngành cũng xác định, nhiệm vụ chính hiện nay đó là thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, nhất là chỉ tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh và từng bước nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Từ đó, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra./.