Nghệ An: Xem xét bố trí 2.394 tỷ đồng tiền sử dụng đất 4 khu đô thị để nâng cấp, mở rộng Sân bay Vinh, xây dựng cầu dẫn với cảng nước sâu Cửa Lò
(Baonghean.vn) - Nếu được HĐND tỉnh thông qua, tổng số tiền dự kiến thu được từ 4 dự án khu đô thị khoảng 2.394 tỷ đồng được bố trí để phục vụ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.
Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đang lấy ý kiến để trình HĐND tỉnh xem xét ban hành cơ chế đặc thù về điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án có thu tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp tỉnh để tạo nguồn vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.
Theo đó, có 4 dự án dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh cho ý kiến gồm: Dự án Khu đô thị Nghi Liên tại xã Nghi Liên, thành phố Vinh có diện tích dự kiến quy hoạch 103,68 ha. Dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 402 tỷ đồng. Nguồn ngân sách dự kiến được sử dụng sau khi trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 1.551 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị Bắc Nghi Kim tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh có diện tích quy hoạch 17,96 ha. Dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 55,38 tỷ đồng. Nguồn ngân sách dự kiến được sử dụng sau khi trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 314 tỷ đồng.
Dự án Khu dân cư mới tại xã Hưng Hòa, thành phố Vinh có diện tích quy hoạch 4,22 ha. Dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 13,2 tỷ đồng. Nguồn ngân sách dự kiến được sử dụng sau khi trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 151 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị ven sông Vinh tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh có diện tích quy hoạch 20,07 ha. Dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 92 tỷ đồng. Nguồn ngân sách dự kiến được sử dụng sau khi trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt là 378 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế đặc thù về điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án có thu tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp tỉnh để tạo nguồn vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò, bao gồm 4 dự án khu đô thị tại TP. Vinh là: Khu đô thị Sông Lam tại phường Hưng Dũng; Khu đô thị triển lãm Sông Lam tại phường Hưng Dũng; Khu đô thị tại xã Hưng Lộc; Khu đô thị xã Nghi Phú và xã Hưng Lộc.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND gặp nhiều khó khăn, trong đó: Dự án Khu đô thị Sông Lam tại phường Hưng Dũng đang triển khai các bước để rà soát chủ trương đầu tư, tuy nhiên còn vướng mắc về quy hoạch nên khả năng tạo nguồn vốn trong năm 2024 và năm 2025 là chưa khả thi; Dự án Khu đô thị triển lãm Sông Lam tại phường Hưng Dũng chưa triển khai thực hiện được trong năm 2024 do vướng mắc các thủ tục pháp lý của dự án, dẫn đến chưa tạo đủ nguồn vốn cho ngân sách cấp tỉnh để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.
Vì vậy, việc bổ sung thêm các dự án có tính khả thi cao vào Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách cấp tỉnh, qua đó kịp thời đảm bảo được nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết.
Nếu Nghị quyết Bổ sung danh mục dự án thuộc Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh ban hành quy định cơ chế đặc thù về điều tiết nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án có thu tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp tỉnh, để tạo nguồn vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò được thông qua, thì tổng số tiền dự kiến thu được từ 4 dự án khu đô thị nêu trên khoảng 2.394 tỷ đồng, cộng với các dự án có khả năng thực hiện tại Nghị quyết 26/2022/NQ-HĐND tỉnh, số kinh phí dự kiến thu được trong năm 2024 là 3.599 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có các nhà đầu tư hạ tầng lớn như: Công ty CP WhA Industrial Zone1 - Nghệ An, Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty cổ phần Hoàng Thịnh đã đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, thực trạng cơ sở hạ tầng của tỉnh còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến việc chọn lựa địa phương để đầu tư của các nhà đầu tư. Đặc biệt, thực trạng hạ tầng cảng biển tại Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Hiện nay, cảng Cửa Lò đang khai thác với tàu 20.000 - 30.000 DWT giảm tải, sản lượng khoảng 6 triệu tấn/năm, trong khi đó nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới là 20-30 triệu tấn nên không đảm bảo được yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đi qua các cảng khác.
Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Vinh chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách hàng, nhiều thời điểm quá tải tại khu vực check-in, Nhà ga hành khách quốc tế chưa đảm bảo yêu cầu do đang sử dụng từ nhà ga cũ cải tạo; chưa có nhà ga hàng hoá, khu vực hangar sửa chữa; số lượng sân đỗ chỉ đáp ứng được tối đa 6 máy bay, trong khi có những thời điểm cần 8 đến 9 vị trí đỗ; đường cất hạ cánh hiện hữu dài 2.400m chỉ đáp ứng cho các loại máy bay A320/A321 (máy bay code C) hoặc tương đương, không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn code E như A350, B777, B787…
Năng lực phục vụ chuyến bay/giờ thấp (1 giờ phục vụ được 4 chuyến bay, tối đa là 5 chuyến bay), chất lượng mặt đường cất hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu sửa chữa; chưa có hệ thống đường lăn song song ảnh hưởng đến thời gian cất hạ cánh các chuyến bay.
Để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An đang xúc tiến các bước để triển khai đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Vinh, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc; dự án Đầu tư xây dựng cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.