Nghề cao quý

20/11/2014 17:19

(Baonghean) - Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe xã hội tôn vinh nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nhưng thực tế có chính xác 100% như vậy hay không?

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Sở dĩ đặt câu hỏi là vì trong xã hội và ngay cả trong giáo giới hiện đang có những góc nhìn khác nhau về nghề này, khiến không ít người nghi ngại là nghề dạy học có thật sự cao quý như đánh giá xưa nay? Còn nhớ, cách đây chừng hơn một năm, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam triển khai thực hiện đề tài "Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông". Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số hơn 500 giáo viên ở 3 cấp học phổ thông được hỏi thì có đến 40,9% cấp tiểu học, 59% cấp THCS và 52,4% ở cấp THPT trả lời thẳng là không muốn làm nghề dạy học nữa. Như thế là có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay đang chán nghề, đang hối hận vì đã lựa chọn nghề dạy học. Và câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao số người quay lưng với cái nghề được mệnh danh là nghề cao quý, nhiều đến như vây?

Có thể nói, nguyên nhân khiến giáo viên chán nghề thì có nhiều. Và có những nguyên nhân rất khó để nói cho rành rọt ra được. Nhưng tựu trung, nghề dạy học là một nghề rất vất vả. Vất vả cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước hết là về thể xác. Bề ngoài, cứ nghĩ dạy học là một nghề nhàn nhã, áp lực không cao. Thực tế hoàn toàn khác. Giáo viên, ngoài thời gian lên lớp, họ còn dành thời gian soạn bài, chấm bài... Một khảo sát do chính ngành Giáo dục tiến hành điều tra trên 526 giáo viên phổ thông ở 27 trường thuộc 5 tỉnh cho thấy, thời lượng lao động của giáo viên phục vụ cho giáo dục là rất cao. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (Nhà nước quy định 40 giờ/tuần), cấp THCS là gấp 1,7 lần, THPT là 1,8 lần.

Vất vả vậy, nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng. Mặc dù, hệ số lương dành cho ngành được Nhà nước ưu ái cao hơn một số ngành, nghề khác. Nhưng so với thời gian, công sức phải bỏ ra thì quả thật, số tiền lương mà họ được nhận quá nhỏ bé. Một sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học ra trường có mức lương trung bình khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng, gồm cả tiền đứng lớp. Với chừng đó tiền, nếu không có sự hỗ trợ từ phía gia đình thì chắc rất khó tồn tại. Làm việc vất vả, lương thấp dĩ nhiên là người ta chán. Chán thì có người bỏ, có người vừa dạy học, vừa làm nghề tay trái để có thêm thu nhập. Ở các thành phố lớn, kinh tế người dân khá giả, thì giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm để thu tiền. Ngày lễ, Tết thì xoay quà cáp, phong bì của phụ huynh. Ở các vùng quê nghèo, giáo viên phải làm thêm đủ nghề. Rồi để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho giáo viên, không ít trường sử dụng biện pháp mà xã hội vẫn thường gọi là “lạm thu trong trường học”.

Mải lo sinh kế, xoay trở kiếm tiền thì đâu còn thời gian dành cho việc học hỏi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy, dẫn đến chất lượng dạy và học không cao. Đẩy nền giáo dục lâm vào trì trệ. Xông pha, va chạm với thực tế trần trụi trong xã hội vốn nhiều cám dỗ, dẫn đến, một số giáo viên sa ngã làm những việc phạm pháp và trái luân thường, đạo lý, nghiễm nhiên trở thành miếng mồi ngon cho báo chí lá cải. Từ đây nảy sinh ra áp lực về mặt tinh thần đối với người cầm phấn. Những người tay đã trót “nhúng chàm” thì cứ lơ đi. Còn những người có lương tâm, quyết giữ trọn đạo làm thầy bị tổn thương vì bị xã hội đánh đồng theo kiểu “cá mè một lứa”. Có thể nói, chưa bao giờ giáo dục bị các phương tiện thông tin đại chúng săm soi, dè bỉu, thậm chí là bôi nhọ nhiều như thời gian qua. Từ ăn bớt, ăn xén suất ăn của học trò, lạm thu, lạm chi cho đến xâm hại thân thể học sinh... Tất tần tật đều bị đưa lên báo, lên mạng mổ xẻ dưới đủ mọi góc độ, khiến cho xã hội có cái nhìn méo mó về nghề giáo và thầy, cô giáo.

Thực tế là trong số gần một triệu giáo viên, số người không giữ được đạo thầy, trò chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng báo giới chỉ chăm chăm soi vào cái tỷ lệ nhỏ nhoi đó mà tung hê lên. Làm cho không ít người lầm tưởng giáo dục, giáo viên bây giờ chủ yếu là như vậy. Và hệ quả tất yếu là, trong một cuộc khảo sát, khi được hỏi về thái độ của học sinh đối với thầy, cô giáo hiện nay, có đến 78,2% số giáo viên được hỏi cho biết phần lớn học sinh ngày nay không tôn trọng thầy cô giáo như ngày xưa. Gần 60% giáo viên được hỏi cho rằng, hiện nay xã hội cũng không còn tôn trọng nghề giáo như trước đây. Đặc biệt, có 72,4% số giáo viên cho rằng, hiện nay công luận thường xuyên có nhiều ý kiến đánh giá oan ức và không đúng về giáo viên.

Như vậy chúng ta thấy, hiện nay nghề giáo là một trong những nghề căng thẳng nhất trong xã hội. Giáo viên phải đảm nhận quá nhiều việc ngoài chuyên môn, trong khi vẫn phải chạy theo nội dung chương trình quá nặng nề. Song song đó là thái độ thiếu tôn trọng của học sinh và sự đánh giá đôi khi thiếu công tâm của dư luận xã hội, làm người thầy hiện nay gần như phải sống trong tâm trạng đối phó là chính. Nhìn vào đó, thử hỏi còn mấy ai đủ kiên nhẫn để tiếp tục nói rất yêu nghề, cho dù đó là một nghề cao quý?

Nói ra như vậy, để thấy rõ một điều là không phải nghề dạy học không còn là một nghề cao quý như ngày xưa nữa, mà vì do nhiều nguyên nhân, nhiều sự tác động khác nhau của xã hội đương đại, dẫn đến những hành vi ứng xử, cách nhìn nhận phiến diện, thiếu công tâm về nghề dạy học và người dạy học, khiến cho sự cao quý của nghề giáo bị hao hụt đi. Còn về thực chất, thì nghề dạy học vẫn luôn là một nghề cao quý. Vì sản phẩm của nhà trường là con người. Mà trong thế giới này, có thứ gì cao quý hơn con người đâu!

Bụt Sơn

Nghề cao quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO