"Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá..." (*)

28/12/2012 20:43

(Baonghean) - Hồi còn đi học, nhà ở gần trường nên tôi phải đi bộ. Đường tới trường tôi xưa chẳng có điểm gì với...

(Baonghean) - Hồi còn đi học, nhà ở gần trường nên tôi phải đi bộ. Đường tới trường tôi xưa chẳng có điểm gì với các nhà văn, nghệ sỹ mô tả một cách trìu mến trong lời thơ, lời ca của họ. Cũng có thể vì tôi toàn đi học muộn, chạy như cờ lông công cho kịp tiếng trống trường nên chẳng bao giờ có thời gian nhìn ngắm xem đường tới trường nó đẹp xấu ra sao. Trong tiềm thức của tôi duy nhất chỉ còn lưu lại tiếng chim hót lánh lót mỗi buổi sớm tinh mơ. Chính vì mải nghe chim hót mà tôi toàn đi học muộn chứ đâu... Mãi đến sau này, tôi mới khái quát câu chuyện xưa lên thành một định luật có cái tên rất kêu là triết lý hài hòa. Đại để cái triết lý của tôi đầu đuôi là nó thế này:

Triết học gia người Hy Lạp Ê-pic-quy quan niệm hạnh phúc đồng nghĩa với thăng bằng, hài hòa trong cuộc sống. Hài hòa ở đây có nghĩa là điều chỉnh, tiết chế một cách khéo léo giữa ham muốn và thỏa mãn, vì sự thỏa mãn một cách vô độ là khởi nguồn cho lòng tham vô đáy. Sự tịnh tiến theo cấp số nhân của lòng ham muốn sẽ nhanh chóng khiến ta ngộ ra rằng khả năng của con người là vô hạn. Khi nhận thức được sự bất lực của mình cũng là lúc ta chìm tới đáy sâu tuyệt vọng, sự tồn tại của tất thảy mọi thứ trên đời sẽ là vô nghĩa nếu như ta không đạt được dù chỉ một điều. Như vậy để biết sự thái quá là nguồn cơn của mọi bất hạnh, đau khổ mà chúng ta trải qua trong cuộc đời. Kẻ quá hiền lành, ngây thơ thì dễ bị lợi dụng. Kẻ quá đa nghi, dò xét thì sống đời bó buộc, lo toan. Kẻ quá yêu thì khi bị phản bội lại càng thất vọng. Kẻ quá hận đời, hận người thì lúc nào cũng nặng nề, u ám. Quá ơ thờ, lãnh đạm thì cuộc đời sẽ nhạt nhẽo, vô vị. Quá chăm chú, tập trung vào một mục tiêu thì sẽ phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ mất nhiều điều. Bao nhiêu cái quá là bấy nhiêu cái khổ, cái bế tắc của con người! Chẳng thế mà trong quan niệm của phương Tây, bảy tội lỗi nguyên thủy, nguồn cơn bất hạnh của loài người ngu dốt bao gồm sự nhu nhược, thói tự kiêu, lòng tham, sự xa hoa, thói hà tiện, sự giận dữ và lòng ham muốn thì cả bảy điều là bảy trạng thái vô độ trong hành vi, lối sống của con người.

Tạm thời quên đi Ê-pic-quy để quay về với văn hóa Á Đông, chẳng phải ông bà ta vẫn dạy con cháu rằng cái gì quá cũng không tốt đó sao? Thực ra, triết lý sống của người phương Đông chúng ta cũng được xây dựng nên từ nền móng căn nguyên của sự hài hòa. Lâu đời và nguyên thủy nhất phải kể đến thuyết âm dương ngũ hành của người Trung Hoa cổ xưa, được người châu Á vận dụng vào nhiều khía cạnh của đời sống như phong thủy, sức khỏe, tâm linh. Hoặc ví như đạo phật, tôn giáo tín ngưỡng phổ biến nhất ở nước ta, cũng lấy sự hài hòa làm căn cơ, gốc rễ. Lời Phật dạy tránh xa cái tham, sân, si thực ra rất gần với quan niệm của phương Tây về bảy tội lỗi nguyên thủy. Qua đó, có thể thấy sự hài hòa, cân bằng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều được xem như trạng thái lý tưởng, chuẩn mực của vạn vật, là con đường để nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp trong một thể xác lành mạnh, đạt đến một cuộc sống vĩnh hằng.

Những điều trên, đối với tôi khi lên bảy, tám tuổi, hiển nhiên còn đang quá xa vời. Thậm chí, mãi đến bây giờ, bàn luận về sự hài hòa trên góc độ triết học vẫn khiến tôi phải vận hành hết tốc lực cả 100 tỉ nơ-ron thần kinh để mà ngẫm, mà thấm thía rằng sự hoàn mỹ là vừa đủ chứ không phải thừa thãi, bứt phá, vượt qua những giới hạn của tự nhiên. Duy có một định lý giản đơn cái tôi bảy tuổi xưa chiêm nghiệm được và đến giờ vẫn còn khắc cốt ghi tâm, đó là chim hót thì hay nhưng mãi nghe quá sẽ đến lớp muộn khi nào không biết. Thế nên những định luật, triết lý phức tạp, cao siêu của cuộc sống, cứ để cho chúng tuần hoàn với tạo hóa nghìn năm, còn ta chỉ mong làm sỏi đá, nghìn năm mưa xuống không biết có thấm thía được chút gì chăng?
­­­­­­______________________________

(*) Mượn một câu thơ của nhà thơ Thạch Quỳ, trong bài "Nói với con".


Hải Triều (Email từ Paris)

Mới nhất
x
"Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá..." (*)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO