Nghe chuyện mở đường ở miền Tây

Hoài Thu 30/04/2023 10:17

(Baonghean.vn) -  Nếu lâu lâu không có dịp đi trên những cung đường, đi qua những bản, làng miền Tây Nghệ An, chắc rằng bạn sẽ ngạc nhiên về những đổi thay nhanh chóng của đất và người nơi đây... Rõ nhất là sự chung tay "Nhà nước và nhân dân cùng làm", mở ra những cung đường mới dẫn tới ấm no.

Nhân dân hiến đất, tài sản...

Xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông là căn cứ địa cách mạng, là địa chỉ đỏ - nơi Chi bộ Đảng đầu tiên của vùng miền núi cao tỉnh Nghệ Tĩnh xưa ra đời vào ngày 14/4/1931. Hằng năm, cứ đến ngày 14/4, người dân các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê lại tưng bừng mở hội, cùng nhau ôn lại lịch sử vẻ vang và tham gia chợ phiên Mường Quạ, thi đấu thể dục, thể thao giữa các bản, làng.

Bà Lô Thị Dung đi trên tuyến đường Tung Cồng mới được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: H.T

Cụ bà Lô Thị Dung, người đã gắn bó cả đời người với mảnh đất Yên Khê, chống cây gậy mộc chậm rãi bước đi trên con đường bê tông rộng thoáng, sạch và rợp bóng mát, miệng cười thật tươi. “Đóng góp của bà chỉ là hạt cát nhỏ giữa biển khơi, đời người sống tốt đẹp cũng là để cho con cháu sau này tiếp bước. Cho nên, khi cán bộ thôn đến xin đất để mở rộng đường, bà đồng ý hiến đất, hiến tường rào, cây cối. Có đường đẹp, rộng rãi con cháu đi lại mới thoải mái” - cụ Dung chia sẻ.

“Hạt cát nhỏ” mà cụ Dung nói đến, ấy là hơn 22 m2 đất ở và gần 18m bờ tường, 2 trụ cổng đã xây kiên cố cùng nhiều cây ăn quả lâu năm. Căn nhà tình nghĩa của cụ Dung nằm nép bên cung đường Tung Cồng của bản Pha, xã Yên Khê. Con đường Tung Cồng trước chỉ rộng 3m, sau khi cụ Dung và người dân hiến đất, hiến cây, đã được bê tông hóa rộng 11m. Căn nhà của cụ Dung được Nhà nước xây tặng để cụ thờ chồng là liệt sĩ chống Pháp hy sinh đã hơn 50 năm. Cũng chừng đó năm, đến nay đã 83 tuổi, cụ Dung một mình nuôi con gái tật nguyền do di chứng chiến tranh, vừa chăm 2 đứa chắt của người anh trai. Sau khi hiến đất, tài sản cho bản Pha làm đường nông thôn mới, sân nhà có chật hẹp hơn, cụ vẫn vui vẻ và cho rằng, “đó là việc nhỏ nên làm để con cháu sau này được sung sướng”.

Ở bản Pha, không chỉ cụ Dung, mà nhiều hộ gia đình khác cũng hy sinh lợi ích, tài sản của mình để bản, làng có con đường đẹp. Ví như gia đình ông Lương Văn Hoàng hiến hơn 125 m2 đất ở và 22m bờ tường, ông Nguyễn Văn Sinh hiến gần 107 m2 đất ở và 18m bờ tường, gia đình ông Nguyễn Văn Viết hiến hơn 80 m2 đất ở và 9m bờ tường… Riêng con đường Tung Cồng, người dân bản Pha đã hiến gần 500 m2 đất ở và hàng trăm mét bờ tường và 10 trụ cổng kiên cố…

Người dân xã Yên Khê tháo dỡ bờ rào, chặt cây cam và hiến đất để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu chuẩn bị thi công tuyến đường Tung Cồng đi qua bản Pha, bản Nưa. Ảnh: H.T

Trưởng bản Pha, ông Tăng Ngọc Sơn, người đã có 24 năm đảm nhận vai trò bí thư, rồi trưởng bản cho biết, “chưa bao giờ bản Pha đổi mới như hôm nay. Những con đường chứa đựng trong đó sự hy sinh lợi ích cá nhân của bao nhiêu hộ gia đình, và cả những hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, hiện nay, người dân bản Pha có các tuyến đường rộng đẹp, có nước dẫn về tận ruộng, tận vườn, có điện chiếu sáng đến tận các thôn cùng ngõ vắng, thay thế cho cảnh bùn lầy, trơn trượt, thiếu điện, thiếu nước như trước đây”.

Nói rồi, ông Sơn chạy xe máy dẫn chúng tôi chạy men theo những cung đường bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ chạy xuyên những vườn cam, những triền núi ngô, lạc xanh mơn mởn. Vừa đi, Bí thư bản Pha vừa cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng đường Tung Cồng được chia làm 2 giai đoạn. Nguyên trạng đường chỉ rộng hơn 3m, đi qua nhiều khu vực nhà ở và khu sản xuất của các hộ dân.

“Ban đầu nhiều hộ không đồng ý hiến đất, bờ tường, cây cối vì ảnh hưởng quá nhiều. Song, ban vận động giải phóng mặt bằng của xã, bản kết hợp với các đoàn thể và sự đi đầu của các đảng viên đã kiên trì thuyết phục để người dân nhận thấy lợi ích khi đường được nâng cấp. Có trường hợp chúng tôi đã đến gặp gỡ, trò chuyện năm, bảy lần họ mới vui vẻ” - ông Sơn vui vẻ cho hay.

Năm 2022, huyện Con Cuông tập trung nâng cao các tiêu chí nông thôn mới ở 3 xã Yên Khê, Bồng Khê và Chi Khê, tiếp tục xây dựng các tiêu chí ở các xã khác. Với sự đồng thuận của người dân, đã có 443 thôn, bản hưởng ứng làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương và hiến đất, mở đường với kinh phí ước tính gần 6 tỷ đồng...

Mở những con đường dẫn tới ấm no

Đường Tung Cồng ở xã Yên Khê trước (ảnh trên) và sau khi nâng cấp (ảnh dưới). Ảnh: H.T

Miền Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên chiếm 2/3 toàn tỉnh, địa hình chủ yếu là núi rừng, nhiều nơi có độ cao trên 2.000m so với mực nước biển. Bước cản lớn nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội nơi đây chính là sự gian nan của đường giao thông, sự khắc nghiệt của thiên tai, thời tiết. Bởi thế, mở những con đường mới, nâng cấp hệ thống giao thông nơi đây cũng chính là khai mở sự văn minh, hiện đại đến với bản làng. “Có đường, cái xe máy, ô tô đi được đến nơi thì nông sản làm ra mới bán được, mới có tiền. Người đau ốm muốn đi chữa bệnh có đường đẹp cũng sẽ không còn phải thiệt thòi” – ông Vi Văn Long ở bản Côi, xã Lượng Minh (Tương Dương) bày tỏ.

Những ngày tháng Tư này, bà con bản Côi, xã Lượng Minh (Tương Dương) thức dậy từ tờ mờ sáng, mang theo cuốc xẻng, gọi nhau cùng đi mở đường. Men theo những triền dốc, người dân đứng nối nhau thành hàng dài cùng phát quang cây bụi, cùng san gạt tạo con đường mới dẫn ra khu sản xuất. “Lâu nay dân bản muốn ra thăm ruộng, trồng cây, chăm nom đàn gia súc đều phải trèo đèo, lội suối gập ghềnh vì chưa có đường đi. Lúa gạo hay bầu bí trồng được cũng chỉ mang về phục vụ trong gia đình, khó bán lắm vì không có đường cho xe cộ đi được đến nơi” – ông Long, người dân cho hay.

Người dân bản Côi, xã Lượng Minh mở đường vào khu sản xuất. Ảnh: CSCC

Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, ông Vi Đình Phúc nói thêm: Chỉ có mở đường giao thông người dân mới có thể phát triển kinh tế. Hiện chưa có nguồn kinh phí để làm đường bê tông, nên bà con chung sức mở đường đất trước. Nhân dân bản Côi đã lao động cật lực cả 2 đợt phát động làm đường trong 6 ngày, mở được 1,4 km đường núi, đào hàng trăm mét khối đất, đá. Ngoài bản Côi, 160 người dân bản Chằm Puông cũng đóng góp mỗi người 1,5 ngày công để mở đường mới vào khu sản xuất dài hơn 400m.

Ở xã Lượng Minh, mở đường mới, nâng cấp đường cũ đã trở thành phong trào mang lại cho người dân không chỉ là sự thuận lợi trong chăn nuôi, trồng trọt mà còn mở ra hướng tư duy phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Chỉ mới 3 tháng đầu năm 2023, ngoài mở mới đường vào khu sản xuất ở bản Côi, bản Chằm Puông, người dân Lượng Minh còn tu sửa 4 km tuyến đường bản Côi – bản Cà Moong để phục vụ nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa.

Ông Lương Ba Vin - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương cho biết, nhiều năm nay, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã lan tỏa sâu rộng đến tận từng gia đình, thôn, bản. Nhờ phong trào này, nhiều tuyến đường mới được mở, được nâng cấp, mở ra thuận lợi cho bà con sản xuất. Ví như duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường ở 2 xã vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, xã Nga My và các tuyến đường vào khu sản xuất các xã vùng sâu đặc biệt khó khăn trong năm 2022. Toàn huyện đã huy động được 5.513 người tham gia, với 18.574 ngày công; phát quang 148.921 m2, đào đắp được 51.821 m3 đất đá để làm 44 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 100 km. Cùng với đó, Nhà nước cấp 2.250 tấn xi măng cho các xã, làm được trên 15 km đường làng, bản bằng bê tông, huy động được 11.460 ngày công lao động và người dân đóng góp 8.280 m3 cát, sỏi, hiến tặng 15.000 m2 đất. Ước tính kinh phí người dân đóng góp hơn 35 tỷ đồng.

Người dân huyện Tương Dương góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Ảnh: H.T

Có thể nói, khoảng 10 năm lại nay, sự đổi thay rõ nét nhất ở miền Tây Nghệ An chính là sự vươn xa của những cung đường. Sự phát triển mạnh về hạ tầng giao thông đã mở ra những đổi mới về kinh tế - xã hội. Ở các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông… hầu hết các xã đã có đường nhựa vào tận trung tâm xã. Hệ thống giao thông nối đến trung tâm các bản, làng hầu như được “phủ kín” bằng các trục đường bê tông chắc chắn.

Nhờ sự “dẫn lối” hạ tầng giao thông, theo đó, các chợ phiên buôn bán hàng hóa cũng được hình thành, mở ra không chỉ cơ hội kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế, mà còn mở hướng tư duy cho người dân về sự tự giác vươn lên, thoát khỏi trông chờ, ỷ lại. Đơn cử như Quốc lộ 16 đi qua địa bàn Nhôn Mai, Mai Sơn (Quế Phong), người dân đi lại, trẻ em đi học thuận lợi hơn; mua bán hàng hóa, nông sản cũng đã cập nhật đến tận các gia đình.

Cũng nhờ tuyến đường này, chợ phiên Mai Sơn đã được khai trương vào tháng 1/2023. Rồi chợ phiên Mỹ Lý (Kỳ Sơn) cũng khai trương dịp đầu Xuân mới sau khi các tuyến giao thông chính của xã được nâng cấp đến tận các bản. Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, năm 2022 huyện được phân bổ 900 tấn xi măng cho các xã, bản đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; người dân đã đóng góp hơn 20 ngàn ngày công để mở mới, tu sửa 669,6 km đường giao thông thôn, bản...

Niềm vui của người dân xã Mỹ Lý khi có chợ phiên. Ảnh: H.T

Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chỉ sau 3 năm (2019 - 2022), khu vực miền Tây xứ Nghệ đã có 674 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 570 thôn, bản thuộc các xã miền núi khó khăn. Nhiều địa phương đã gắn xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản với du lịch cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa bản, làng. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng tại bản Nưa, bản Pha, xã Yên Khê, bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông); bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu); bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ), bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, bản Mường Lống 2, xã Mường Lống (Kỳ Sơn)…

Tại hội thảo xây dựng nông thôn mới các thôn, bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, các địa phương miền Tây đã có những cách làm sáng tạo, cách tiếp cận phù hợp tình hình thực tế của địa phương để nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông gắn với các mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả. Từ đó, giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau. Đây là động lực, là điều kiện thuận lợi để Nghệ An đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh có 80% số thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Chi bộ bản Pha, xã Yên Khê (Con Cuông) cho biết về sự đổi thay của quê hương khi nhân dân và chính quyền đồng thuận mở đường giao thông nông thôn. Clip: H.T

Mới nhất

x
Nghe chuyện mở đường ở miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO