Xây dựng Đảng

Phong trào 'xoá đường hẹp, mở đường lớn' ở xã miền núi Bồng Khê

Khánh Ly 26/07/2024 11:41

Đất đai là tài sản có giá trị bởi “tấc đất tấc vàng”! Thế nhưng, ở xã Bồng Khê, huyện miền núi Con Cuông, nhiều người dân sẵn sàng hiến đất, đốn cây, phá bỏ công trình kiên cố, giải phóng mặt bằng để “xoá đường hẹp, mở đường lớn", tạo thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, mang lại diện mạo mới cho quê hương.

Thiết kế: Khánh Ly

Dân bỏ kinh phí nâng đường, xây cầu

Thôn Thành Nam - nằm ở tả ngạn sông Lam thuộc xã Bồng Khê (huyện Con Cuông), trước đây hệ thống giao thông chưa đồng bộ, chủ yếu là những con đường hẹp 2m với nhiều khúc cua nhỏ và khuất.

Lãnh đạo xã Bồng Khê ( Con Cuông) kiểm tra việc nâng cấp mở rộng đường giao thông ở thôn Thành Nam. Ảnh: KL
Lãnh đạo xã Bồng Khê (Con Cuông) kiểm tra việc nâng cấp mở rộng đường giao thông ở thôn Thành Nam. Ảnh: Khánh Ly

Ấy thế nhưng nhờ “khéo” công tác dân vận, nay người dân đồng lòng hiến đất, phá vỡ tường bao, xây mương, xây kè, mở rộng đường lên từ 3-5m, nới rộng các góc cua, ngã ba, ngã tư thông thoáng, sạch đẹp.

Anh Võ Đức Đạo, SN 1971- Trưởng thôn Thành Nam phấn khởi cho biết: Thôn có 153 hộ, 614 khẩu, chia làm 3 khối 5 cụm dân cư. Do nhà ở thưa thớt, có những đoạn đốc cao, lại có những chỗ võng trũng, bởi vậy tại nhiều vị trí, khi làm đường người dân phải hạ độ cao, nâng nền hoặc xây lại kè.

bna_fotojet-987e8af34bd015310b29581263c39dc2(1).jpg
Nhiều góc cua, ngã ba, ngã tư ở thôn Thành Nam đã được mở rộng thuận tiện cho việc đi lại. Ảnh: Khánh Ly

Ban đầu, thôn dự định làm đường 3m nhưng có nơi nhân dân chủ động hiến đất, hiến cây mở rộng lên 5m mà không đòi hỏi quyền lợi gì.

Toàn thôn có 32 hộ hiến đất, di dời công trình, trung bình 1 hộ đóng góp 13 triệu đồng, kết hợp với xi măng Nhà nước cấp, đá sỏi địa phương hỗ trợ để làm đường, đến nay đã làm được 3.200m đường, gần như phủ kín bê tông hoá toàn thôn.

Điển hình như hộ bà Lê Thị Thi lùi vào 1m chiều sâu, 50m chiều dài; hộ ông Nguyễn Đình Hùng đã tự nguyện cắt vườn để mở rộng đường thoáng đẹp hơn.

Anh Trương Đức Bảo- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồng Khê ( áo sẫm ở giữa) trao đổi về tinh thần nêu gương trong hiến đất, mở đường. Ảnh: Khánh Ly
Anh Trương Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồng Khê (áo sẫm ở giữa) trao đổi về tinh thần nêu gương trong hiến đất, mở đường. Ảnh: Khánh Ly

Về thôn Thành Nam, chúng tôi còn được “mục sở thị” một số hộ dân không chỉ hiến đất, mở đường mà còn tự bỏ kinh phí 40-50 triệu đồng để xây bờ rào, gia cố kè đá. Như hộ anh Trương Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội nông dân xã Bồng Khê nằm trên trục đường chính của thôn, cả gia đình đồng thuận lùi bờ rào vào sâu 1,8m, dài 15m; đồng thời phá dỡ bờ kè bằng đá để nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn.

Hay tinh thần hiến đất mở đường, góp kinh phí tự làm cầu cứng của 6 hộ dân trên tuyến đường nhánh ở cụm 4.

img_2219-1-.jpg

“Chung suy nghĩ mở đường không chỉ đẹp làng, đẹp xóm mà trước hết phục vụ đi lại thuận tiện của nhân dân, nên dù chỉ có 6 hộ, chúng tôi cũng động viên nhau góp kinh phí làm hơn 300m đường giao thông rộng hơn 3m và 1 cây cầu cứng trị giá 40 triệu đồng" - ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Chi bộ Thôn Thành Nam chia sẻ.

Được biết, riêng gia đình vị Bí thư Chi bộ này đã đóng góp kinh phí 27 triệu đồng (trong đó có 17 triệu đổ đất nâng nền đường). Đến nay, 98% đường giao thông nội thôn Thành Nam đã được mở rộng.

Đảng viên đi trước

Một tuyến đường đã được mở rộng và đang được nâng cấp tại thôn Liên Tân, xã Bồng Khê ( Con Cuông). Ảnh: Khánh Ly
Một tuyến đường đã được mở rộng và đang được nâng cấp tại thôn Liên Tân, xã Bồng Khê (Con Cuông). Ảnh: Khánh Ly

Đối với thôn Liên Tân, Tân Dân chủ trương mở rộng đường giao thông được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, cái khó là các thôn này đều nằm ở khu vực trung tâm xã; cổng, tường rào thường là khối công trình kiên cố, quá trình mở rộng đường ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.

Thế nhưng, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, sau khi có chủ trương của xã về việc mở rộng đường giao thông, chi uỷ, ban công tác mặt trận các thôn đã tổ chức họp dân để bàn bạc, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền vận động người dân hiểu và đồng thuận theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, phát huy cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong hiến đất, mở đường.

Người dân xã Bồng Khê (Con Cuông) hiến đất, phá bờ rào mở rộng đường giao thông nông thôn. Clip: Khánh Ly

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Chi bộ Thôn Liên Tân là một trong những hộ tiên phong hiến đất, lùi vào 1m chiều sâu, 20m chiều dài, phá bờ rào, dỡ mái tôn để mở rộng đường. “Động chạm đến đất đai là động chạm đến lợi ích kinh tế, nhưng hai vợ chồng đều đảng viên nên chúng tôi xác định phải “nêu gương”, vì lợi ích cộng đồng”.

Trong năm 2024, thôn Liên Tân đăng ký nâng cấp, mở rộng 3/5 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 900m tương đương 1.800m bờ rào, trong đó có 1.400m cần giải toả.

Ông Đặng Đình Cát- Thôn Tân Dân trao đổi với lãnh đạo UBND và lãnh đạo các đoàn thể xã Bồng Khê về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, mở đường. Ảnh: Khánh Ly
Ông Đặng Đình Cát - thôn Tân Dân trao đổi với lãnh đạo UBND và lãnh đạo các đoàn thể xã Bồng Khê về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, mở đường. Ảnh: Khánh Ly

Hầu hết các hộ bám mặt đường đều hiến đất, từ 50 phân đến 1m chiều sâu. Một số trường hợp hoàn cảnh khó khăn không có kinh phí xây dựng lại công trình đã phá dỡ như gia đình chị Trịnh Thị Minh, cấp uỷ kêu gọi đảng viên trong chi bộ, quyên góp ủng hộ 5 triệu đồng, chi hội cựu chiến binh thôn nhận nhiệm vụ giúp gia đình đập bờ rào cũ, xây dựng bờ rào mới.

Tại thôn Tân Dân đăng ký làm 2 tuyến đường với bề rộng 5-6m, nhiều gia đình đảng viên đã nêu gương trong việc hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Điển hình như gia đình ông Đặng Đình Cát (55 năm tuổi Đảng) hiến đất bìa đỏ 1,5m chiều sâu, 14m chiều dài để mở rộng tuyến đường 5m theo chủ trương của xã, thôn.

img_2219 222

Trò chuyện với chúng tôi, người đảng viên “tuổi cao, gương sáng” ấy cho hay: “Đất đai ai chẳng quý nhưng chúng ta phải hướng tới tương lai, vì đời con, đời cháu. Hơn nữa, hiện nay xã và thôn xây dựng ngõ xóm văn minh, việc mở đường thoáng rộng, đảm bảo xe cộ lưu thông thuận tiện, là cần thiết để diện mạo quê hương ngày càng đổi mới”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Lời Bác Hồ dạy: "Lực lượng của dân rất to... Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” đã trở thành phương châm hành động của hệ thống chính trị xã Bồng Khê trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 187-NQ/ĐU ngày 27/3/2024 về lãnh đạo làm đường giao thông năm 2024 trên địa bàn xã.

Nhờ
Nhờ "Dân vận khéo", người dân ở xã Bồng Khê đã chủ động hiến đất, mở đường giao thôn tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Ảnh: CSCC

Theo chia sẻ của ông Phan Trọng Trung - Chủ tịch UBND xã Bồng Khê thì địa phương này đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, thế nhưng đường giao thông nội thôn phần lớn chỉ rộng 2,4m-2,5m, các tuyến đường nhánh và đường ra khu sản xuất còn chật hẹp. Bởi vậy cấp ủy, chính quyền và nhân dân quyết tâm mở rộng đường để phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Sau khi đề xuất chủ trương và được UBND huyện Con Cuông thống nhất hỗ trợ 1000 tấn xi măng, xã Bồng Khê đã thành lập Ban Chỉ đạo từ xã đến thôn; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, từng bộ phận phụ trách từng cụm, từng thôn. Xã đồng thời có văn bản cam kết với UBND huyện mốc thời gian hoàn thành là vào tháng 9/2024.

Theo đó, cấp uỷ, chính quyền đã chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể cấp xã phối hợp cấp uỷ, Ban quản lý các thôn phổ biến, quán triệt kế hoạch xây dựng nông thôn mới đặc biệt là tiêu chí làm đường giao thông đến 11/11 thôn, bản. Trong đó, đặc biệt chú trọng vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

111.jpg

Chính quyền cấp xã cũng đồng thời chỉ đạo thôn, bản thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, công khai minh bạch các khoản thu chi để tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân.

Đối với những trường hợp chưa đồng thuận, đích thân lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền xã cùng đồng hành xuống cơ sở kiên trì tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và ủng hộ. Như trường hợp hộ ông Nguyễn Ngọc Kiều ở thôn Thành Nam mới đầu chưa thuận, nhưng sau khi đích thân đồng chí Chủ tịch UBND xã vào tận nhà để tuyên truyền, vận động.

Ngay sau đó, ông Kiều đã tự nguyện chặt hàng cây ăn quả, đập bờ rào, phá dỡ cổng, kè xây kiên cố để mở rộng đường với tổng chiều dài hơn 40m, lùi vào hai bên từ 1,2m đến 1,6m trị giá hơn 50 triệu đồng. Riêng bờ kè cào 2m3, gia đình ông Kiều bỏ kinh phí xây lại hết 19 triệu đồng tiền công, chưa kể sắt thép.

Nhiều hộ dân ở xã Bồng Khê sẵn sàng hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Khánh Ly
Nhiều hộ dân ở xã Bồng Khê sẵn sàng hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Khánh Ly

Bên cạnh công tác tuyên truyền, xã Bồng Khê cũng thực hiện một số chính sách hỗ trợ người dân. Theo đó, ngoài xi măng, đá, xã hỗ trợ máy múc, xe vận chuyển giúp các thôn giải phóng mặt bằng, di dời cột điện; hỗ trợ dân tháo dỡ công trình tường rào, cổng xây kiên cố; gia cố một số điểm có nguy cơ sạt lở.

Năm 2024, đến thời điểm hiện tại ngân sách xã đã hỗ trợ 1tỷ 130 triệu đồng để các thôn nâng cấp, mở rộng đường giao thông; các công trình phụ trợ, thiết chế văn hoá.

Một số hộ hoàn cảnh quá khó khăn, có tinh thần tự nguyện hiến đất, mở đường như gia đình chị Nguyễn Thị Viện ở thôn Liên Tân đã được chính quyền xã hỗ trợ kinh phí xây lại bờ rào đã phá dỡ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Viện ( áo xanh) được chính quyền hỗ trợ xây lại bờ rào sau khi hiến đất. Ảnh: Khánh Ly
Gia đình chị Nguyễn Thị Viện (áo xanh) được chính quyền hỗ trợ xây lại bờ rào sau khi hiến đất. Ảnh: Khánh Ly

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân hiến đất mở đường, chính quyền xã Bồng Khê cũng chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với các ban, ngành cấp huyện khẩn rà soát, hoàn tất hồ sơ chỉnh lý đất đai “Chúng tôi xác định không để nhân dân đã hiến đất, GPMB phải chịu kinh phí đo đạc, chỉnh lý hồ sơ mà sẽ được trích từ nguồn ngân sách địa phương", Ông Phan Trọng Trung - Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho hay.

Nhờ dân vận khéo, 6 tháng đầu năm 2024, tại 10/11 thôn, bản của xã Bồng Khê có 174 hộ hiến đất; 131 hộ hiến bờ rào, công trình, cây cối… với tổng số tiền 22 tỷ đồng. Toàn xã đã làm xong 32/33 tuyến, với tổng chiều dài là 5.927m/6.227m, hiện còn 1 tuyến tại thôn Liên Tân đã làm xong mương thoát nước 2 bên và đang tiếp tục đổ bê tông 300m đường còn lại.

“Hiện tại, xã Bồng Khê đang xin thêm 1.000 tấn xi măng để xây dựng nông thôn mới và đã được tỉnh phê duyệt để tiếp tục thực hiện xây dựng chương trình NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025”, ông Cao Tiến Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho hay.

Toàn cảnh thị trấn Trà Lân mới. Ảnh tư liệu Nguyễn Cảnh Hùng
Toàn cảnh thị trấn Trà Lân mới bao gồm xã Bồng Khê, thôn Tiến Thành, xã Chi Khê và thị trấn Con Cuông hiện nay. Ảnh tư liệu: Nguyễn Cảnh Hùng

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”, sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều con đường mới được nâng cấp, mở rộng, hướng tới tương lai sáp nhập xã Bồng Khê và thôn Tiến Thành, xã Chi Khê vào thị trấn Con Cuông thành thị trấn Trà Lân - Trung tâm kinh tế, xã hội của huyện Con Cuông.

Phong trào 'xoá đường hẹp, mở đường lớn' ở xã miền núi Bồng Khê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO