Nghe dân, sửa việc
(Baonghean) - Theo dự kiến, ngày 15/7 tới đây, lực lượng CSGT được phép xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Thế là, thêm một lần nữa, câu chuyện về chiếc mũ bảo hiểm lại được bàn bạc khá sôi động trong dư luận. Câu hỏi đặt ra là, phạt hay không nên phạt và phạt người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng thì có hợp tình, hợp lý, có đúng luật không? Ai phải chịu trách nhiệm về việc để mũ bảo hiểm rởm bày bán tràn lan, trôi nổi đầy rẫy trên thị trường? Trách nhiệm đó thuộc ngành Công thương, Quản lý thị trường hay thuộc lực lượng CSGT, Bộ Công an? Nếu phải xử phạt mũ rởm thì phạt người đội mũ hay phạt người sản xuất, lưu thông thứ mũ đó? Rất nhiều câu hỏi cần được suy nghĩ thấu đáo trước khi trả lời.
Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng chủ trương quy định bắt buộc người đi mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm có chất lượng, đúng quy cách là một chủ trương đúng, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và hoàn toàn vì quyền lợi của của người tham gia giao thông. Vì vậy, người tham gia giao thông cần có nhận thức đúng đắn về điều này để tự giác chấp hành các quy định.
Tuy nhiên, mọi quy định, mọi chủ trương chính sách đề ra đều phải hợp tình, hợp lý, phải đúng luật thì mới có thể vận hành thuận chiều với cuộc sống.
Quy định xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng đang được nhân dân bàn luận rất sôi nổi và cũng đang gặp nhiều câu hỏi chưa dễ trả lời.
Trong kinh tế thị trường, dù có đặc thù riêng biệt nào đi nữa thì mũ bảo hiểm cũng chỉ là một mặt hàng như bao mặt hàng khác đối với người tiêu dùng mà thôi! Không có lý do gì, không có luật pháp nào cho phép chúng ta xử phạt người tiêu dùng khi họ mua phải một mặt hàng rởm. Chẳng hạn, người tiêu dùng ra chợ hoặc vào siêu thị mua phải bộ áo quần rởm, đôi giày rởm, chiếc đồng hồ rởm, cái máy tính hay chiếc điện thoại rởm, gói kẹo, gói bánh, thậm chí là mua phải thuốc chữa bệnh rởm tai hại đến chết người, cũng bị xử phạt hay sao? Về lý thuyết, việc xử phạt người tiêu dùng khi họ mua phải mặt hàng rởm là chưa thỏa đáng, chưa công bằng và chưa chưa hợp lý!
Vậy nếu xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm kém chất lượng là chưa hợp lý thì xử phạt người sản xuất, người lưu thông phân phối mũ bảo hiểm rởm là hợp lý chăng? Cũng không hẳn vậy! Người sản xuất, người phân phối nói rằng họ sản xuất ra loại mũ lưỡi trai, mũ thời trang dùng cho người đi bộ, người đi xe đạp, hoặc sử dụng thế nào là tùy ở người tiêu dùng, họ không có lỗi gì cả, cho nên cũng khó mà xử phạt họ!
Ngày 1/7 vừa qua, phát biểu về vấn đề này, Đại tá Đào Vĩnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (PC67 - CATP Hà Nội) cho rằng, nếu áp dụng quy định xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng thì lực lượng CSGT sẽ gặp khó khăn vì CSGT không có máy móc, phương tiện để phân biệt mũ bảo hiểm đủ hay không đủ tiêu chuẩn, mà chỉ thông qua văn bản hướng dẫn của Bộ Khoa học - Công nghệ mà thôi! Nói vậy, cũng có nghĩa là CSGT cũng chỉ thông qua mắt thường, thông qua trực giác chủ quan của mình để đánh giá chất lượng mũ bảo hiểm nên cũng rất khó bảo đảm được tính chính xác. Và như vậy, cũng rất dễ xẩy ra các trường hợp là CSGT có thể xử phạt người này mà lại tha phạt cho người khác?
Cũng vì những lý do trên, phát biểu về vấn đề này, trong cuộc họp báo của Chính phủ ngày 1/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã đưa ra kết luận dứt khoát khẳng định: “Mũ bảo hiểm giả không phải lỗi của người đội”. Điều đó cũng có nghĩa là nếu chúng ta xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng là không hợp lý!
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng chuyển tới các cơ quan truyền thông báo chí lời nhắn gửi của Bộ trưởng Đinh La Thăng, rằng: “Bộ trưởng GTVT rất dằn vặt về việc thông tin xử phạt mũ bảo hiểm bị hiểu sai, sau khi người dân hỏi Bộ trưởng là làm thế nào để họ có thể phân biệt được đâu là mũ giả, đâu là mũ thật? Và như vậy thì sao lại xử phạt họ?”.
Kết quả của nhiều cuộc tranh luận, nhiều ý kiến về vấn đề này, cuối cùng đều thống nhất ở chỗ: Xử phạt người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm chưa đảm bảo chất lượng là chưa thỏa đáng, chưa hợp tình, hợp lý, cần nghiên cứu và bàn bạc sâu thêm nữa.
Qua câu chuyện về chiếc mũ bảo hiểm, chúng ta hoan nghênh tinh thần thực sự cầu thị của các vị bộ trưởng, họ đã thực tâm, thực lòng lắng nghe ý kiến của nhân dân để kịp thời có biện pháp xử đúng đắn, hợp tình hợp lý về vấn đề này.
Ngày 1/7/2014, Ủy ban ATGT quốc gia đã có thông báo với lực lượng CSGT là chỉ xử phạt người đi mô tô, xe máy, không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng cài quai không đúng quy cách. Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người đi mô tô, xe máy, đội mũ không phải là mũ bảo hiểm.
Việc xử phạt người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng là cần thiết nhưng chưa nên thực hiện lúc này, và nếu phạt thì phải xử lý từ gốc, có nghĩa là phải quản lý chặt từ khâu sản xuất mũ BH đến khâu tiêu thụ trước.
Thạch Quỳ