Nghề "làm dâu trăm họ"

11/11/2011 17:41

(Baonghean) - Có không ít đồng nghiệp cho rằng, người biên tập chủ yếu là cắt gọt bài của người ta rồi đến tháng cứ...

(Baonghean) - Có không ít đồng nghiệp cho rằng, người biên tập chủ yếu là cắt gọt bài của người ta rồi đến tháng cứ thế nhận lương, còn mình thì chạy đôn, chạy đáo nơi này nơi khác, tối về căng sức ra để viết bài, nắn nót từng câu chữ để có một bài báo, vậy mà biên tập viên bắt viết lại, thậm chí bài không được dùng. Nhưng có làm biên tập mới hiểu được công việc của một biên tập viên là nghề "làm dâu trăm họ". Vì đã là biên tập thì phải đụng chạm, va vấp với người này người kia, làm người này hài lòng thì người kia chưa chắc đã vừa ý. Hàng ngày, biên tập viên nhận rất nhiều bài của đồng nghiệp, trong đó cả phóng viên và cộng tác viên. Mỗi tin, bài mang nội dung, cách viết khác nhau, nên để xử lý một cách nhanh chóng, hợp lý là vấn đề không đơn giản. Có những bài viết của phóng viên chưa đạt, nhưng vì cả nể nên phải cắt gọt, chỉnh sửa, mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng sau đó chưa chắc "xếp" đã duyệt. Nếu như vậy thì biên tập viên uổng công, cùng với đó phóng viên cũng thiệt... Do vậy, tốt hơn hết là chân thành góp ý với tác giả để viết lại, như thế thì được cả đôi đường. Song thực tế không phải dễ như vậy. Có những phóng viên sau khi yêu cầu viết lại bài thì viện lý do này lý do khác, để không viết lại, thậm chí "mặt nặng mày nhẹ". Một lý do bắt buộc biên tập viên phải có lập trường vững vàng là bởi anh đang đóng vai trò là người "gác cổng" cho phòng chuyên môn và Ban biên tập, nếu bài chất lượng kém thì sẽ bị nhắc nhở là làm biên tập mà không biết chọn bài, sau đó là có lỗi với độc giả và lâu dài là đánh mất thương hiệu tờ báo của mình.



Trao đổi nghiệp vụ.

Yêu cầu đầu tiên đối với biên tập viên là không được cẩu thả, trước mỗi bản thảo phải dốc hết vốn kiến thức để chỉnh sửa từng câu, từng chữ sao cho ngắn gọn, súc tích mà vẫn đủ thông tin. Ngoài ra việc đặt lại "tít" cho bài viết cũng là một thao tác không dễ chút nào, vì nhiều tác giả hình như đặt "tít" cho có, thậm chí có bài tác giả không đặt tít. Chưa kể đến phải xác minh thông tin đúng hay sai trước một con số nghi ngờ. Lắm lúc biên tập viên thực hiện chính sách "bắt nhầm hơn bỏ sót" nhằm bảo đảm tính an toàn cho tác giả và cho mình trước bài báo.

Người biên tập luôn làm việc trong thầm lặng, toàn tâm toàn ý với công việc và đòi hỏi phải có vốn hiểu biết nhất định về các lĩnh vực. Nhiều thuật ngữ của các ngành chuyên môn rất khó hiểu, nếu người biên tập không mạnh dạn hỏi lại tác giả thì rất dễ xảy ra tình trạng làm cho bài viết "què cụt" câu từ một cách ngớ ngẩn.

Các cụ ta có câu "văn mình vợ người", trước khi chỉnh sửa lời văn của người khác, biên tập viên phải hết sức cẩn trọng. Khó nhất đối với biên tập viên là trước một bài báo nào đó của đồng nghiệp mà tác giả viết nhiều câu ngây ngô, không biết sửa như thế nào. Nhiều phóng viên, cộng tác viên hỏi tôi rằng, vì sao bài của tôi không thấy đăng?

Có một thực tế đáng buồn nữa là có những phóng viên cứ dốc sức viết, nhưng rất ít khi quan tâm đến bài của mình có đăng hay chưa và đăng lúc nào, có bị sửa nhiều không? Nghĩa là viết xong rồi "ném" cho biên tập viên xử lý như thế nào thì tùy, không quan tâm đến đứa con "tinh thần" của chính mình nữa, thậm chí sau khi báo đăng cũng không đọc lại. Họ quên rằng đó là trách nhiệm quan trọng nhất của người cầm bút sau khi bài báo đã đăng.

Chưa từng được đào tạo qua lớp biên tập nào, nên khi ngồi vào vị trí biên tập viên, tôi xác định đây là công việc khó khăn, phức tạp, và sẽ có nhiều hạn chế. Vừa làm vừa học, sau này tôi rút ra kinh nghiệm là biên tập viên phải kết hợp được ba con người cụ thể, đó là: Người tiêu dùng, kiến trúc sư và thợ cơ khí. Nghĩa là, trước hàng loạt tin, bài mình là người được lựa chọn để sử dụng, xem tin, bài đó có mang đến cho độc giả được cái gì? Người kiến trúc sư là phải sắp xếp, bố trí bài báo cho hợp lý để độc giả dễ tiếp thu. Còn người thợ cơ khí là phải biết cắt gọt những chi tiết không cần thiết, rườm rà để cho ra một sản phẩm chỉn chu hơn.


Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Nghề "làm dâu trăm họ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO