Nghề mây tre đan xuất khẩu và vai trò "bà đỡ " của doanh nghiệp
(Baonghean) - Thời gian qua, mặc dù hoạt động khó khăn nhưng các doanh nghiệp, Hợp tác xã hoạt động sản xuất, bao tiêu hàng mây tre đan (MTĐ) trong tỉnh vẫn kiên trì bám nghề, không ngừng sáng tạo nhiều mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường xuất khẩu, từng bước nâng giá trị cho nghề đan lát truyền thống của địa phương.
Sản xuất hàng MTĐ xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong. |
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 43 làng nghề MTĐ trên tổng số 126 làng nghề. Trong 43 làng nghề MTĐ có gần 10.000 người tham gia làm nghề trên khoảng 27.000 lao động làng nghề toàn tỉnh. Thế nhưng, theo ước tính của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, đến nay chỉ còn trên 50% số làng nghề MTĐ hoạt động có hiệu quả, còn lại đang gặp khó khăn trầm trọng, khoảng 5 -7 làng nghề MTĐ đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân khiến các làng nghề MTĐ gặp khó khăn là nguyên liệu đầu vào tăng cao, những năm trước giá 1.300 đồng/kg lùng, nay 5.000 đồng/kg, trong khi đó giá đầu ra tăng chậm nên thu nhập từ nghề thấp. Nghề MTĐ ngồi làm miệt mài cả ngày, người nào làm giỏi mới đạt thu nhập 100.000 đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chỉ còn khoảng 5 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm MTĐ cho bà con làng nghề (trước đây hơn 10 doanh nghiệp). Điều đáng mừng là những doanh nghiệp này dù đối mặt với nhiều khó khăn vẫn nỗ lực hoạt động không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn bằng cả niềm đam mê với nghề truyền thống địa phương.
Công ty TNHH Đức Phong là một trong những doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực này. Hiện nay, công ty đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu ở Quỳ Châu, Quế Phong nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất lâu dài. Đơn vị đã tổ chức 25 lớp học tại xã Châu Thắng, Châu Hạnh (Quỳ Châu) và Đồng Văn (Quế Phong) với 750 phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Mục tiêu nhằm đào tạo nâng cao nhận thức đảm bảo khai thác cây lùng đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung làm tốt công tác thị trường thông qua các hội chợ. Hàng năm, doanh nghiệp bỏ ra một nguồn kinh phí lớn để tham gia hội chợ quốc tế tổ chức tại Cộng hoà Liên bang Đức. Ưu điểm của hàng MTĐ là không gây ô nhiễm môi trường nên khách hàng châu Âu rất ưa chuộng. Song đối tác nước ngoài cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao, phải đáp ứng được các tiêu chí sản phẩm của đối tác đề ra thì mới xuất khẩu được. Vì vậy, công ty thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm, thuê chuyên gia thiết kế phù hợp với thị hiếu của khách hàng nước ngoài. Vấn đề kiểm soát chất lượng được doanh nghiệp làm kỹ qua 3 bước: Kiểm soát đầu vào thông qua đào tạo tay nghề cho người lao động; kiểm soát sản phẩm làm ra và kiểm soát chặt chẽ trước khi đóng hàng xuất khẩu. Nhờ đó, chưa có lô hàng nào bị đối tác trả vì kém chất lượng.
Năm nay, Công ty TNHH Đức Phong đã vươn lên xuất khẩu trực tiếp được 70% sản phẩm nên đã nâng giá trị sản phẩm và ngày công lao động cho người làm nghề. Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong phấn khởi: “Năm nay, thị trường xuất khẩu tốt, sản xuất không kịp phục vụ cho các đơn hàng, đặc biệt là công ty đã xuất khẩu được vào thị trường Mỹ và một số nước châu Âu như: Đức, Pháp, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch,… với sản phẩm tiêu thụ chủ yếu gồm các loại đèn lồng và khay đựng quần áo. Sắp tới, công ty tiếp tục ký kết hợp đồng với khách hàng Iran”. Đến hết tháng 9/2014, công ty xuất khẩu hơn 500.000 sản phẩm MTĐ các loại, đạt giá trị hơn 12 tỷ đồng, dự kiến giá trị xuất khẩu cả năm đạt 20 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, công ty đã mở lớp đào tạo nghề cho lao động ở Quỳnh Lưu, Yên Thành, tăng thêm hơn 400 lao động, nâng tổng số lao động khoảng 1.500 người ở 35 cơ sở sản xuất và làng nghề trong tỉnh chuyên sản xuất hàng cho doanh nghiệp.
Ở huyện Yên Thành, HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi là đơn vị chuyên làm “bà đỡ” bao tiêu sản phẩm MTĐ cho người lao động địa phương. Ngay từ thời gian sản phẩm còn khó khăn về đầu ra, và tay nghề của bà con còn non yếu, sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của hàng hoá xuất khẩu. Ông Tăng Tiến Huỳnh - Chủ nhiệm HTX đã ra Hà Tây (cũ) tìm hiểu nhằm phát triển nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau đó, chủ nhiệm HTX cùng với cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến tận tổ sản xuất ở thôn xóm để phổ cập, hướng dẫn kỹ thuật, mẫu mã giúp bà con hạn chế tối đa sản phẩm hư hỏng. Do đó, sản phẩm của nhân dân làm ra cơ bản đều đảm bảo chất lượng xuất khẩu, ít hư hỏng. Không chỉ ở Yên Thành, HTX đã làm tốt vai trò “bà đỡ” xây dựng phát triển thêm nhiều làng nghề MTĐ xuất khẩu ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu thông qua công tác đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm.
Hiện tại HTX đã tạo việc làm tại chỗ cho 600 - 700 lao động thời vụ. Nguồn nguyên liệu được HTX tinh chế bằng máy móc và cung ứng đến người dân, bà con chỉ việc đan không phải tốn thời gian chẻ nan và chau chuốt từng sợi nan như trước đây. Nhờ đó, tiến độ sản xuất tăng gấp 1,5 lần, chất lượng sản phẩm đồng đều, giá trị ngày công lao động tăng gấp 1,5 lần so với trước, mỗi lao động làm nghề có thu nhập từ 60.000 - 100.000 đồng/ngày. 9 tháng đầu năm, HTX xuất khẩu sản phẩm đạt giá trị gần 4 tỷ đồng. Ông Tăng Tiến Huỳnh - Chủ nhiệm HTX cho biết: Từ cuối năm ngoái đến nay, đầu ra cho sản phẩm MTĐ rất thuận lợi, thị trường tiêu thụ dồi dào. Song từ chối nhiều hợp đồng vì không đủ lao động sản xuất. HTX thường xuyên động viên người lao động làm tăng ca để kịp tiến độ giao hàng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp làm “bà đỡ” trong các vấn đề: Cung cấp nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề, bao tiêu sản phẩm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn trong tỉnh, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lãi không nhiều mà chủ yếu hoạt động mang tính xã hội. Trong khi lao động ở các làng nghề ngày càng giảm, sản phẩm ít, nếu doanh nghiệp không say nghề, không mặn mà, dễ buông xuôi thì nguy cơ hàng chục ngàn lao động sản xuất MTĐ trong tỉnh không có việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập ổn định cuộc sống, kéo theo làng nghề mai một dần.
Mặc dù, các doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm được nhiều đơn hàng xuất khẩu, nhưng lực lượng lao động nghề này lại sụt giảm. Nguyên nhân, một phần vì thu nhập của nghề MTĐ vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Đồng thời, vùng nguyên liệu cây lùng đang bị thu hẹp dần… Đó là những khó khăn hiện nay của nghề MTĐ cần có hướng tháo gỡ kịp thời.
Bài, ảnh: Quỳnh Lan