Nghề nuôi hàu trên dòng Mai Giang

(Baonghean) - Bao lần thưởng thức món hàu nướng, hàu hấp, được cảm nhận vị ngọt, giòn, béo ngậy quyện lại nơi đầu lưỡi đã khiến tôi nảy ra ý định tìm hiểu về hàu. Qua lời giới thiệu của anh bạn làm ở Hội Nông dân tỉnh, tôi tìm về xóm 10, 11 xã Mai Hùng (Quỳnh Lưu) nơi nuôi hàu nhiều nhất tỉnh. Nghề nuôi hàu trên sông Mai Giang đem lại cuộc sống ấm no, sung túc cho những ngư dân nơi đây.

Người đưa nghề về làng

Dòng Mai Giang uốn mình chảy từ nguồn về, trước khi đổ ra biển qua lạch Cờn đã chảy qua địa phận xã Mai Hùng dài 6km. Nhờ nằm giáp ranh với cửa sông, cửa biển nên nước sông Mai Giang có độ mặn vừa phải, phù du phát triển mạnh là nơi tập trung sinh sống của loài nhuyễn thể hàu. Thế nhưng, người dân Mai Hùng lúc đó không ai biết đến nghề nuôi hàu. Ông Trần Đức Tình, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Ngày trước, hàu sống và sinh sản bám trên các dải đá vôi nằm tập trung giữa lòng sông. Vào mùa hàu (từ tháng 9 âm lịch đến hết tháng Ba âm lịch), ngư dân ở làng vào mùa... lặn sông. Khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt, hàu không còn môi trường để sinh sống, cứ theo phù du đổ ra sông, ra bể. Phí lắm! Vậy nên người dân Mai Hùng vẫn nghèo, vẫn chật vật...”.

Quãng đến năm 2000, anh Văn Đức Nhiệm bắt đầu nuôi hàu thử nghiệm trên khúc sông Mai Giang đoạn chảy qua xã Mai Hùng. Anh Nhiệm tâm sự: “Hồi đó, học xong phổ thông, em theo chúng bạn vào tận Vũng Tàu kiếm sống. Quen nghề sông nước, bọn em làm thuê cho chủ các đầm tôm, nghề đi lồng... Ở trong đó, không chỉ khai thác hàu, người ta còn phát triển nghề nuôi hàu trên sông. Nghề đó “một vốn bốn lời”, nhiều khúc sông làm ra bạc tỷ. Nhìn họ làm ăn mà thèm... Ở quê mình, có sông, có biển, cũng có lợi thế như họ, sao không làm theo?”. Và rồi, khi đã kiếm được ít vốn, học hỏi được kha khá kinh nghiệm, Nhiệm về quê, bắt đầu nghề nuôi hàu.

Những giàn nuôi hàu trên sông Mai Giang

Anh lặn lội đi tìm vỏ hàu, tìm dây, dựng cột nuôi hàu. Người dân trong làng hết sức ngạc nhiên, chẳng hiểu Nhiệm làm gì trên khúc sông đó. Anh Nhiệm cho biết: “Ban đầu, cũng chỉ làm thử nghiệm vậy thôi, chẳng dám ăn chắc gì. Vậy mà vụ đó, cũng nuôi được 500 xâu, thu về hơn 3 triệu đồng. Thấy có hiệu quả nên làm nhiều hơn...”. Người dân trong làng thấy Nhiệm phất lên từ hàu nên cũng làm theo.  Đến năm 2004 thì trong làng đã có khoảng hàng chục hộ nuôi hàu. Và nghề nuôi hàu thực sự phát triển khi Hội Nông dân tỉnh có dự án “Hỗ trợ nghề hàu” cho ngư dân xã Mai Hùng vào năm 2006. Theo đó, mỗi hộ nuôi hàu được hỗ trợ 5 triệu đồng làm giàn nuôi. Ban đầu chỉ vài hộ tự phát, đến nay, hai xóm 10, 11 của xã Mai Hùng  được gọi với  cái tên “làng Hàu”.

Nghề nuôi hàu còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động mùa vụ với mức thu nhập khá cao. Vào mùa thu hoạch, mỗi hộ nuôi hàu phải thuê 5-6 nhân công cạy hàu, mỗi ngày cạy khoảng 3kg thịt hàu, được trả công từ 100-150 ngàn đồng. Và nghề nuôi hàu có thể tận dụng nhân công trong gia đình: đàn ông thì làm giàn, kết bè; phụ nữ, trẻ em xâu vỏ hàu, cạy hàu...

Ở làng này hàu đã hòa quyện trong đời sống người dân, ấm no hay nghèo đói cũng nhờ cả vào hàu. Anh Nhiệm cho biết: “Mấy đứa con tui đều ăn học trưởng thành từ hàu. Áo quần, sách vở của bọn trẻ trông vào những xâu hàu, theo từng con nước lên xuống. Người làng tui vẫn nói, không có nghề nuôi hàu thì biết đến khi mô cho thoát nghèo?”.

Nghề “một vốn bốn lời”

Tháng Hai, tháng Ba, người dân trong xóm thu mua vỏ hàu chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Ra Thanh Hóa, vào Quảng Bình để mua, giá vỏ hàu tính bằng bì. Sau khi mua về, lựa chọn vỏ, đục lỗ rồi dùng dây cước xâu thành chuỗi. Cọc tre, cọc bê tông, hoặc kết bè nứa, mét trên sông, buộc các xâu vỏ hàu vào và thả xuống sông. Nguồn phù sa từ sông Mai Giang chảy xuống; nguồn nước mặn từ lạch Cờn chảy vào pha trộn theo những con nước lên, xuống tạo nhiều tảo, làm nên vùng sinh sôi nẩy nở lý tưởng của loài hàu. Người nuôi chỉ cần đầu tư con giống và đóng lồng thả xuống sông, sau một thời gian là có hàu thu hoạch. Với giá con giống hiện nay khoảng 10 ngàn đồng/kg nhưng đến thời điểm thu hoạch có giá tới hơn 25 ngàn đồng/kg. Vì thế, nghề nuôi hàu được coi là nghề “lợi nhuận” cao.

Xâu hàu, chuẩn bị thả giống

Ông Đậu Huy Dữ, một người có thâm niên nuôi hàu kể cho chúng tôi nghe về cái nghề độc đáo này: “Nghề này cũng nhàn hạ, bởi vào khoảng tháng Ba hàng năm, bà con bắt đầu đổ hàu giống vào các giàn để nuôi. Từ đó cho đến lúc thu hoạch chỉ cần trông coi và làm vệ sinh lưới nuôi cho sạch sẽ để hàu mau lớn là được”. Vùng nuôi hàu của gia đình anh chỉ có chiều dài dọc bờ sông hơn 40m, anh thả 5 ngàn xâu, đến mùa thu hoạch phải thuê 5 - 6 lao động đến tách hàu lấy ruột mới kịp cung cấp cho bạn hàng. Với giá trên thị trường hiện nay (80.000 - 90.000 đồng/kg ruột), sau khi trừ chi phí, thuê nhân công tách vỏ, anh thu về trên 30 triệu đồng.

Hiện toàn xã Mai Hùng đã có hơn 80 hộ nuôi hàu; hộ nuôi ít nhất 2.000 xâu, hộ nuôi nhiều nhất tới 10.000 xâu. Thị trường hàu rộng lớn, sản xuất không đủ cho tiêu thụ. Năm 2012, bà con 2 xóm 10, 11 đã thu được hơn 5 tỷ đồng từ con hàu.

Nghề nuôi hàu có nhiều thuận lợi là thế, nhưng vẫn gặp một số khó khăn mà người dân nơi đây chưa thể khắc phục được. Chẳng hạn như vào khoảng thời gian từ tháng Bảy dương lịch cho tới Tết là thời gian bà con thu hoạch hàu. Nhưng đây là thời điểm mưa nhiều nên nhiệt độ nước thay đổi làm con hàu có khả năng chết, do đó nhiều lúc phải thu hoạch sớm, khiến cho năng suất và chất lượng hàu không được như mong muốn.

Và dù là nghề mang lại lợi nhuận cao, nhưng hiện nay, không thể mở rộng diện tích, bởi chiều dài đoạn sông chảy qua địa phận xã chỉ dài 6km, và để bảo vệ an toàn giao thông đường thủy nên chỉ có thể lấn sông 4m. Bên cạnh đó, nếu không tích cực bảo vệ môi trường nước đi đôi với khai thác thì hàu cũng sẽ bị tận diệt. Giống hàu từ nguồn tự nhiên ngày càng khan hiếm, trong khi đó, chưa có cơ quan chức năng nào sản xuất giống hàu nhân tạo. Do vậy, để có đủ lượng giống thả dặm sau những kỳ thu hoạch, các hộ nuôi hàu ở đây đã phải lặn lội ra đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi mua giống.

Chia tay làng hàu khi mặt trời đỏ ối lặn dần về phía biển. Những ngư dân làng hàu vẫn cần mẫn đục lỗ, xâu dây, chuẩn bị cho vụ nuôi thả hàu mới. Dòng Mai Giang lững lờ trôi, mang trong nó phù sa, phù du của sông, của biển, kiến tạo nên giống hàu, mang lại cho người dân Mai Hùng cuộc sống ấm no, sung túc...

Bài, ảnh: THANH PHÚC

tin mới

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.