(Baonghean.vn) - Thời điểm này cây keo, tràm tiết mật từ kẽ lá non. Đây cũng chính là lúc những người làm nghề nuôi ong dạo lại bắt đầu mùa làm ăn của mình.
Những ngày này đi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Thanh Chương, Tân Kỳ và các tuyến đường Khùa, đường 22 của huyện Yên Thành, dễ dàng bắt gặp những trại ong mật lưới tán rừng keo, tràm. Những chủ ong có người ở tận Đắc Lắc, cũng có người là dân bản địa.
Theo kinh nghiệm của các chủ ong cho biết, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, địa bàn Nghệ An thường có mưa rào, tạo điều kiện cho lá tràm phát triển, cũng là lúc cây keo, tràm tiết mật ra từ kẽ lá.
Đi đến đâu, các chủ ong cũng đều tuân thủ các quy định về bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự... nên được các địa phương tạo điều kiện hành nghề. Được biết, giống ong thường nuôi là ong Ý. Hàng ngày đàn ong lấy mật tiết ra từ kẽ lá non. Chu kỳ khoảng 7 - 10 ngày chủ ong quay mật một lần, sản phẩm mật ong nhập cho các công ty chế biến mật ong ở phía Nam, với giá bán 40.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 1/3 doanh thu.
Dừng chân tại trại ong của anh Nguyễn Văn Lập và anh Nguyễn Văn Thiều cùng quê ở Đắc Lắc, đặt tại khu vực rừng keo trên đường Khùa thuộc xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, chúng tôi ghi lại một số hình ảnh về việc làm thường ngày của nghề nuôi ong dạo, mới biết nghề này đầy thú vị nhưng cũng không kém phần vất vả.
|
Những người theo nghề nuôi ong dạo phải chấp nhận cuộc sống sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn nơi đất khách quê người. |
|
Chăm sóc đàn ong đã vất vả, các anh còn phải tự nấu ăn hàng ngày bằng bếp lửa tạm bợ.
|
|
Chuẩn bị khung để tạo cầu cho ong. |
|
Châm cầu vào tổ ong. |
|
Thăm đàn ong là công việc bắt buộc hàng ngày để xử lý nếu có dịch bệnh xẩy ra. |
|
Những cầu ong đầy mật được đàn ong lấy từ lộc cây keo. |
|
Trước khi lấy cầu ra để quay mật, chủ ong phải phun nước lên tổ để đàn ong dồn về phía dưới cầu ong. |
|
Theo anh Nguyễn Văn Lập cho biết: 320 tổ ong của anh cứ 10 - 15 ngày quay một lần, thu hoạch được 1,5 tấn mật, bán được 60 triệu đồng. |
Xuân Hoàng