Nghệ sỹ Đình Đắc - Trăn trở với dân ca

02/05/2012 19:41

(Baonghean) - Từ một nhạc công kéo nhị ở Nhà hát Dân ca Nghệ An, nay là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, trải qua biết bao khó khăn, nhưng niềm đam mê ánh đèn sân khấu, những làn điệu dân ca xứ Nghệ ngọt ngào luôn ám ảnh nghệ sỹ Nguyễn Đình Đắc.

Năm 1973, nghệ sỹ Nguyễn Đình Đắc bắt đầu chính thức tham gia lớp trung cấp âm nhạc đầu tiên, (khi đó là Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật ở Nghi Đức). Đến năm 1976, anh lại được chọn đi học lớp giáo viên âm nhạc đầu tiên của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Từ đó, "nghiệp" dân ca đã đi gần trọn đời ông.




Còn nhớ, ngày mới "chân ướt chân ráo" trở về, tỉnh Nghệ An có 5 đoàn: chèo, kịch nói, ca múa... Nguyễn Đình Đắc về đoàn chèo làm nhạc công. Nhờ sự đam mê và những năm rèn luyện ở các ngôi trường, từ năm 1987, anh được giao làm chỉ huy dàn nhạc đoàn chèo. Năm 1990, khi đoàn chèo và đoàn dân ca sáp nhập với nhau, ông vẫn làm chỉ huy dàn nhạc này. Năm 1993, ông lại tiếp tục đi học khoa sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Học xong, ông về phục vụ cho Nhà hát Dân ca Nghệ An, bây giờ là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ.


Tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca, ông phụ trách công tác bảo tồn. Bởi vậy, ông có rất nhiều ưu tư và nặng lòng với việc bảo tồn và giữ gìn những di sản đó. Với ông, công tác bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ còn gặp không ít khó khăn. Môi trường để nghệ nhân hát Dân ca xứ Nghệ hầu như không còn nữa. Dân ca xứ Nghệ xuất phát từ lao động, vậy nên bất cứ người dân nào cũng biết hát ví, hát dặm. Khác với quan họ Bắc Ninh, hát xoan của Phú Thọ gắn với tâm linh, dân ca của Nghệ An phục vụ cho người lao động... Đi cấy có hát đi cấy, xuống thuyền có ví đò đưa, hát phường vải dành cho nơi dệt vải nhiều nhất như Nam Đàn, phường võng tập trung nhiều ở Diễn Hoa, Diễn Hoàng, phường nón, phường chài, phường nâu... cho nên các làn điệu rất phong phú.


Nghệ sỹ Đình Đắctâm sự: "Khó khăn trong công tác bảo tồn khác với bảo tàng, môi trường diễn xướng không còn nữa, phường vải bây giờ không còn nữa, dù bây giờ vẫn tập trung phát triển nông nghiệp, các chương trình xây dựng nông thôn mới... Nghề đó vẫn còn nhưng không còn môi trường diễn xướng nên để bảo tồn, phát triển văn hóa xưa rất khó". Trong công tác bảo tồn, ông và các đồng nghiệp đang cố gắng đưa dân ca vào trường học, truyền thụ cho lớp trẻ, xây dựng phong trào ca hát dân ca, bằng cách xây dựng các câu lạc bộ dân ca, tập huấn, tổ chức liên hoan dân ca. Một điều đáng mừng là năm nay tỉnh đã có chủ trương liên hoan dân ca 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, góp phần thúc đẩy phong trào hát dân ca.


Hiện tại, dù bận rộn nhưng ông vẫn thường xuyên sáng tác dân ca, sáng tác khí nhạc (nhạc nền), dàn dựng các chương trình của đoàn, nghiên cứu dân ca ví, dặm xứ Nghệ và dân ca của các vùng miền trên cả nước. Với ông, làm thế nào để dân ca sống mãi cùng thời gian, đưa dân ca về với người dân lao động hơn, luôn là nỗi niềm đau đáu.


Trần Hải

Mới nhất
x
Nghệ sỹ Đình Đắc - Trăn trở với dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO