Nghỉ hè, hãy 'bứt' con cái thoát khỏi điện thoại, tivi!

Thành Chung 05/06/2019 19:40

(Baonghean.vn) - Vào dịp nghỉ hè, nhiều gia đình đang áp dụng biện pháp cầm chân con ở nhà bằng điện thoại, ipad, ti vi. Hại mắt, đau đầu, vẹo cột sống, thậm chí là trầm cảm nếu các em quá nghiện các thiết bị trên. Vậy nên bằng nhiều cách hãy bứt các con ra khỏi điện thoại, tivi.

Tình trạng trẻ nghiện game, nghiện điện thoại đang gia tăng. Ảnh: Internet
Tình trạng trẻ nghiện game, nghiện điện thoại đang gia tăng. Ảnh: Internet

Báo động trẻ nghiện game, điện thoại

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, hiện có một số bệnh nhân nghiện game, nghiện điện thoại đang được điều trị tích cực. Hầu hết những bệnh nhân này là nam và đang ở độ tuổi vị thành niên.

Cháu T.M.H (13 tuổi, thành phố Vinh) là một bệnh nhân như thế. Nghiện game, thời điểm H nhập viện, sức khỏe rất kém: Mắt khô, đỏ lừ; không ăn không ngủ, suy nhược cơ thể; thường bị đau đầu và có những rối loạn tâm lý nhất định khi ít giao tiếp, bức xúc và bực dọc vô cớ...

Cháu T.M.H đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm Thần Nghệ An. Ảnh Thành Chung
Cháu T.M.H đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

"Lúc đầu bố mẹ thấy con cứ phờ phạc sụt cân, học hành chểnh mảng đi mà không biết tại sao. Có lần thấy cháu mặc đồ thể dục, đi từ ngoài về nhà khi mới 5 giờ 30 sáng mới hỏi thì cháu nói là đi tập thể dục. Rồi một hôm, bố sang phòng con nửa đêm mà không thấy con đâu nên mới sinh nghi. Thế rồi qua theo dõi mới biết con thường canh bố mẹ ngủ, lẻn ra ngoài chơi game ở quán, gần sáng mới về. Bố mẹ cấm đoán nhiều nhưng con vẫn tìm cách chơi game... mới rồi thấy con bất bình thường nên đưa vào viện”.

Chị N.T.M.H (mẹ của H)

Cũng điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, H.V.T (16 tuổi, huyện Hưng Nguyên) lại có biểu hiện khác. T luôn co rúm, hoảng hốt, sợ sệt khi mọi người lại gần. Các bác sĩ cho biết: H.V.T nghiện phim sex trên điện thoại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc cho hay: Còn có những trẻ ít tuổi hơn đã từng đến điều trị tại bệnh viện. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng tính cách của nhân vật trong game nên có hành vi cử chỉ không bình thường như hò hét, đấm đá, nói năng bằng từ ngữ trong game. Thậm chỉ có trẻ thử sức bằng những động tác hết sức nguy hiểm và cho rằng bản thân là “anh hùng” có thể “hồi sinh”.

Khá nhiều trẻ nghiện game, nghiện điện thoại đang cần điều trị tích cực. Ảnh: Thành Chung
Khá nhiều trẻ nghiện game, nghiện điện thoại đang cần điều trị tích cực. Ảnh: Thành Chung

Theo bác sĩ Châu, số lượng trẻ bị tâm thần do game, do nghiện điện thoại đến bệnh viện khám, điều trị mỗi năm khoảng vài chục em. Tuy nhiên, những con số này chưa phản ánh hết thực tế khi vẫn còn nhiều gia đình giấu bệnh của con hoặc chuyển lên khám, điều trị ở tuyến trên.

Việc điều trị những trẻ bị nghiện game, nghiện điện thoại là rất khó, bởi ngoài rối loạn hành vi thì còn thói quen. Khi điều trị cần phải kết hợp cả thuốc, liệu pháp hành vi nhận thức, tâm lý. Điều quan trọng nữa là sự quan tâm phối hợp của các bậc phụ huynh và nghị lực của các cháu.

Nên để các cháu tập luyện thể thao

Dưới góc nhìn y học, việc con trẻ nghiện game, sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội quá nhiều gây ra rất nhiều những vấn đề sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Nhiều tổn thương rất khó hồi phục, ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Những tổn thương bao gồm: Tổn thương vĩnh viễn hoặc khó điều trị các bệnh lý liên quan đến mắt, bao gồm mắt nháy, ngứa và đỏ, khó tập trung vào một vật gì đó, mắt mỏi hoặc mờ; đau cổ, thoái hóa cột sống cổ, hội chứng co cứng cơ cột sống cổ, tăng tỷ lệ gù, vẹo cột sống; tổn thương khớp ngón cái; tăng nguy cơ nhiễm bệnh do cơ thể suy nhược và lây nhiễm vi rút trên điện thoại và máy tính; bức xạ điện thoại di động có thể làm giảm số lượng tinh trùng làm vô sinh ở nam giới; rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài, trầm cảm...

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cảnh báo: Vào hè nhiều gia đình đang mượn điện thoại, ti vi để giữ con. Ảnh Thành Chung
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cảnh báo: Vào dịp nghỉ hè nhiều gia đình đang mượn điện thoại, ti vi để giữ con. Ảnh: Thành Chung

Bây giờ đang là thời điểm nghỉ hè, nhiều gia đình đang tạo nên một thói quen nguy hiểm cho con đó là “nhờ” điện thoại, ipad, ti vi để dỗ, giữ con hàng ngày mà không hề biết rằng trẻ có thể gặp phải những nguy hiểm trên môi trường mạng khi game, video chứa đựng yếu tố bạo lực và tình dục tràn lan.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã và đang “khắc phục” bằng cách mượn các lớp học thêm để “trông con hộ” dẫu biết là không hiệu quả. Điều quan trọng là các cha mẹ phải tìm cách để cho con tham gia vào các hoạt động hè do đoàn thanh niên tổ chức, tham gia vào các lớp kỹ năng do các đơn vị tổ chức, tham gia học kỳ quân đội hay các khóa tu mùa hè... Và hiệu quả nhất chính là tham gia luyện tập các môn thể dục, thể thao tạo nên một đam mê mới cho các cháu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Châu

Rèn luyện thể thao sẽ giúp các em nhỏ phát triển thể chất, tinh thần đầy đủ hơn. Ảnh: Sỹ Hiếu

Mới nhất

x
Nghỉ hè, hãy 'bứt' con cái thoát khỏi điện thoại, tivi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO