Nghi Lâm (Nghi Lộc):Nỗ lực làm giao thông nội đồng
(Baonghean) - Chúng tôi về xã Nghi Lâm, một điểm sáng về giao thông nông thôn của huyện Nghi Lộc. Cùng với xe của Chủ tịch xã Nguyễn Xuân Tý lướt êm nhẹ trên khắp các tuyến đường xứ đồng, đến tuyến đường xương cá vừa mới đắp, Chủ tịch xã giới thiệu đây là tuyến mới hoàn thành trong mùa làm giao thông năm nay.
Qua lời giới thiệu của ông Tý, chúng tôi hình dung được phần nào mạng lưới giao thông của xã. Từ năm 2012 trở về trước, Nghi Lâm tập trung giải quyết mạng lưới các trục giao thông chính trong xã, các trục liên xóm, liên thôn. Đến nay, mạng lưới giao thông trong xã đã khép kín với tổng chiều dài xấp xỉ 40km, trong đó gần nửa là đường nhựa, phần còn lại đường bê tông các cấp. Xã đang mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thêm khoảng 1.500 tấn xi măng để hoàn thiện hệ thống giao thông xóm.
Cán bộ xã nghi Lâm (Nghi Lộc) kiểm tra tuyến đường mới thi công. |
Sau khi hệ thống giao thông trong xã cơ bản hoàn thành, Nghi Lâm tiếp tục làm giao thông nội đồng. Thuận lợi của xã khi tiến hành chủ trương này là nhờ thực hiện Chỉ thị 08 của tỉnh về dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kết hợp với xây dựng nông thôn mới mà xã được chọn làm điểm. Để thực hiện chủ trương làm giao thông nội đồng: Đảng ủy xã họp ra nghị quyết giao cho chính quyền, các đoàn thể tổ chức vận động, xóm trực tiếp thực hiện. Do nguồn ngân sách hạn hẹp, xã chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để kích cầu, còn lại toàn bộ kinh phí thực hiện làm giao thông nội đồng do người dân đóng góp. Xã đứng ra làm công tác quy hoạch, phóng tuyến… đường qua xóm nào thì xóm đó chịu trách nhiệm từ khâu vận động hiến đất, giải phóng mặt bằng đến khâu giám sát nghiệm thu, tất cả do xóm phụ trách. Mạng lưới giao thông nội đồng được quy hoạch theo các cấp: đường liên xóm, liên thôn rộng 8 mét, trục chính trong vùng 6 mét và cuối cùng là hệ thống đường xương cá đến từng chân ruộng rộng 4 mét, kèm bên đường là hệ thống mương kẹp.
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, năm 2012, 7/12 xóm của xã được chọn làm thí điểm. Chỉ trong một thời gian ngắn 40 km đường đã được đào đắp, với hơn 72.000m3. Sau khi hệ thống giao thông thủy lợi hoàn thành các xóm tiến hành bốc thăm chia lại ruộng đất. Hệ thống giao thông hoàn thành, điều kiện canh tác thuận lợi nên người dân an tâm đầu tư vào sản xuất. Có những hộ đầu tư 30 - 40 triệu đồng thuê máy móc san lấp, chỉnh trang lại đồng ruộng. Kết quả vụ đông xuân năm 2013 tại 7 xóm đã làm giao thông thủy lợi hoàn chỉnh, năng suất cây trồng, vật nuôi vượt hơn hẳn so với vùng khác. Đây là tiền đề để xã tiếp tục triển khai làm giao thông nội đồng của 12 xóm còn lại.
Năm 2013, xã quyết định ra quân đồng loạt. Khi tiến hành vận động, lúc đầu một số xóm như xóm 17, 15 khó khăn, lãnh đạo xã trực tiếp xuống họp dân, phân tích để nhân dân hiểu và tạo sự đồng thuận nhất trí cao. Để bảo đảm dân chủ, từng xóm thành lập ban chỉ đạo xây dựng giao thông do bí thư hoặc xóm trưởng làm trưởng ban, các đoàn thể làm thành viên. Ngoài việc tổ chức vận động, ban chỉ đạo còn giám sát, nghiệm thu công trình. Để công trình bền vững, phục vụ lâu dài, bà con yêu cầu ban chỉ đạo ngoài việc giám sát chặt chẽ việc thi công, các hạng mục cần đầu tư, người dân sẵn sàng tăng mức đóng góp. Hình thức thi công cũng hoàn toàn do bà con lựa chọn.
Về Nghi Lâm hôm nay chứng kiến cảnh làm giao thông nội đồng như một công trường, trên khắp các xứ đồng, hàng chục máy xúc đang hoạt động hết công suất. Ở những vị trí máy móc không vào được, lực lượng thanh niên các xóm tổ chức đào đắp thủ công. Mùa làm giao thông năm nay, khối lượng đào đắp của 12 xóm dự kiến đạt 120.000m3 với tổng chiều dài hàng chục km. Xóm 2 là xóm có khối lượng đào đắp lớn nhất, hơn 22.000m3.
Để phục vụ chiến dịch làm giao thông thủy lợi, ngoài số diện tích hơn 51 ha đất công của xã được lấy để làm đường, người dân trong xã còn tự nguyện đóng góp hơn 10.500m2 đất vườn, 900m3 bờ bao, hơn 100m2 nhà ở, chuồng trại. Đây là những đóng góp to lớn của nhân dân để phục vụ chỉnh trang đồng ruộng. Bởi hơn ai hết người nông dân biết rằng hạ tầng giao thông sẽ giúp họ dễ dàng đưa cơ giới vào cải tạo đồng ruộng, nâng cao năng suất cây trồng, giảm sức lao động.
Anh Tuấn