Nghị lực và tình yêu thương

18/08/2014 18:34

(Baonghean) - Bằng nghị lực, bằng tình yêu thương, những người phụ nữ giáo dân ấy đã vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống để vươn lên trở thành những tấm gương điển hình không những nuôi con khỏe, dạy con ngoan mà còn phát triển kinh tế với những cách làm hiệu quả.

Theo chân chị Đặng Thị Thân – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 20, Nghi Trung (Nghi Lộc), chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi của gia đình chị Võ Thị Nghĩa (sinh năm 1968) – một trong những hội viên vùng giáo tiêu biểu thuộc Giáo xứ Làng Nam.

Chị Nghĩa phấn khởi mời chúng tôi đi tham quan mô hình VAC. Trên mảnh đất 4 ha nằm giáp ranh giữa hai xã Nghi Trung và Nghi Liên là trang trại quy mô với hơn 100 con lợn thịt, 3 nghìn con vịt đẻ, 4 – 5 con lợn nái, 12 con trâu bò cùng hơn 2ha ao cá (mỗi năm thu hoạch 2 lần, mỗi lần từ 4 – 5 tấn cá các loại). Chỉ tính sơ sơ, tổng thu nhập của gia đình chị Nghĩa đã hơn 100 triệu đồng/năm. Nhìn cơ ngơi của chị, ít ai biết rằng, để có ngày hôm nay, chị và chồng (anh Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1962) đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, có những lúc tưởng như mất trắng.

Rót mời khách bát nước chè xanh, chị Nghĩa bộc bạch: năm 1986 hai vợ chồng nên duyên, ở riêng, với 5 sào ruộng khoán, thu nhập bấp bênh, nếu cứ ngồi nhìn vào mấy sào ruộng thì biết bao giờ mới khá lên được. Nhiều đêm trằn trọc suy tính, chị bàn với anh nuôi vịt thả đồng, hồi đó đất đồng mênh mông, ít người chăn thả, nếu chịu khó, vợ chồng cũng đủ ăn. Được sự ủng hộ của chồng, chị Nghĩa quyết định vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mua 100 con vịt giống, chăn thả ở những cánh đồng ven làng. Khi vịt lớn hơn, chị Nghĩa bàn với chồng phải tìm kiếm những cánh đồng xa mới có nhiều thức ăn cho vịt. Lặn lội một thời gian hai vợ chồng mới tìm được cánh đồng ở Nghi Yên phù hợp để chuyển đàn vịt về. Thế là từ đó, chị Nghĩa cùng chồng ăn ngủ với vịt, khi thì Nghi Tiến, Cầu Cấm, khi thì Nghi Liên. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, chị Nghĩa đã trả được vốn vay ngân hàng, mở rộng quy mô đàn vịt. Lúc này, các con cũng đã lớn, nếu bố mẹ cứ suốt ngày đi như thế sẽ không có thời gian để chăm sóc, bảo ban các con học hành. Kiểu gì cũng phải chuyển hướng làm ăn mới để có điều kiện chăm sóc cho các con. Chị bàn với anh nhận khoán mảnh đất hoang hóa giáp ranh ấy để xây dựng mô hình chăn nuôi. Không thể nói hết anh chị đổ biết bao nhiêu sức lực, tiền của vào mảnh đất sình lầy ấy, nào thuê xe về san lấp mặt bằng, đổ hàng trăm xe cát để tạo một lớp đất mới phù hợp với trang trại chăn nuôi, thuê máy cẩu đào 3 ao cá xung quanh, quy hoạch các khu chăn nuôi lợn, vịt, gà, trâu bò phù hợp... Ba năm đầu, thu bù chi, và từ năm thứ 4, gia đình chị Nghĩa đã có lãi. Lúc này cậu con trai đầu đã lập gia đình, ở lại cùng bố mẹ và các em quản lý, xây dựng trang trại của gia đình. Chị bảo đó là điều chị mừng nhất.

Mới đó mà đã 6 năm, vợ chồng chị Nghĩa nhận khoán mảnh đất này. Để có thể đảm bảo thức ăn, con giống cho trang trại, một ngày làm việc của chị Nghĩa bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc vào 11h đêm. Mỗi sáng mai thức dậy, việc đầu tiên của chị Nghĩa là đi gom trứng vịt, tính ra, mỗi buổi sáng chị đã có hơn 1 nghìn quả trứng để nhập cho các nhà hàng, các chợ gần xa.

Chị Nguyễn Thị Hằng chuẩn bị đi bán hàng.
Chị Nguyễn Thị Hằng chuẩn bị đi bán hàng.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1980) giáo dân ở Xuân Khánh, Nghi Xuân, lại có cách làm ăn khác để thoát nghèo, đó là kinh doanh mặt hàng hoa quả. Không thuận lợi như chị Nghĩa “có vợ có chồng”, năm 2010, chồng chị Hằng qua đời sau một vụ tai nạn giao thông trong thời điểm con trai thứ hai mới được 2 tuổi, con trai đầu tròn 10 tuổi. Kể với chúng tôi trong xúc động, chị Hằng cho biết: Trước khi chưa lấy chồng, chị Hằng đã làm nghề này nên khá quen với việc lấy mối ở đâu, nhập như thế nào cho có lời. Sau khi lập gia đình về Nghi Xuân làm dâu, đây là dân biển nên nghề chính là đánh bắt cá. Đi biển bấp bênh, anh bỏ nghề, đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Tích góp được ít vốn, chị bàn với anh mở cửa hàng kinh doanh hoa quả tại chợ Sơn. Nghề này nhìn vậy thôi chứ cũng vất vả lắm.

Phải dậy từ 3h sáng xuống Vinh lấy hàng, từ tối hôm trước, chị Hằng đã chuẩn bị xe cộ, đồ ăn sáng cho hai vợ chồng, gửi con sang nhà bà nội. Ngày mưa, lạnh cũng như ngày nắng, hai vợ chồng đèo nhau đi từ lúc chưa rõ mặt người, về đến nhà đúng 6h sáng, khi đó mới dỡ hàng ra, phân loại, sắp xếp từng loại quả, quả nào đem nhập cho nhà hàng, quả nào đem bán ở chợ. Buôn bán uy tín, làm ăn có lãi, năm 2008 anh chị đã xây được nhà to nhất vùng. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, mùa đông 2010, anh bị tai nạn trên đường từ Vinh về nhà và qua đời ngay sau đó. Vượt qua nỗi đau, chị gắng gượng vực dậy để bắt đầu cuộc sống mới. Được sự giúp đỡ, động viên của hội phụ nữ xã, phụ nữ xóm, anh em, bạn bè, chị Hằng dần dần ổn định và tiếp tục cái nghề buôn hoa quả. Mỗi buổi sáng tinh mơ, khi cả xóm đang say giấc, chị Hằng trở dậy, một mình cùng chiếc xe rong ruổi xuống Vinh để lấy hàng mà không có anh bên cạnh. “Vất vả, cô quạnh, nhiều lúc tủi thân lắm, nhưng nghĩ đến các con lại phải gắng gượng…”, mắt chị ngân ngấn nước. Nhắc đến hai cậu con trai, chị Hằng không giấu nổi niềm vui. Chị khoe: Các con đều chăm ngoan, học giỏi.

Chị Đinh Thị Hạnh – Chủ tịch Hội LHPN Nghi Lộc cho biết: Những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho chị em vùng giáo được các các cấp chính quyền rất quan tâm, đặc biệt là Hội phụ nữ, với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội đã hỗ trợ chị em vay vốn quỹ tín dụng, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, tổ chức tập huấn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Bên cạnh đó, Hội cũng đồng hành cùng chị em giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống như vấn đề nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, “sống tốt đời đẹp đạo”.

Thanh Thủy

Mới nhất
x
Nghị lực và tình yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO