Nghị quyết về thuốc và vật tư y tế: Vừa áp dụng, vừa chờ hướng dẫn
(Baonghean.vn) - Nghị quyết 30/NQ-CP bước đầu tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế… Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều bất cập.
Ngày 4/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện trong việc thanh toán chi phí bảo hiểm y tế, mua thuốc, vật tư...
Gỡ khó cho các bệnh viện
Nghị quyết số 30/NQ-CP cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp (thiết bị diện đặt, mượn). Chính phủ cho phép hợp đồng ký trước ngày 5/11/2022 thực hiện theo thời hạn của hợp đồng; hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 sẽ thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật mới, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng đã quy định như trên thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.
Nghị quyết số 30 cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp. Ảnh: Internet |
Trước khi Nghị quyết 30/NQ-CP ra đời, thì đây chính là điểm rất vướng do yêu cầu không thanh toán bảo hiểm cho dịch vụ thực hiện trên thiết bị hợp đồng ký sau 5/11/2022, do hiện nay bệnh viện chưa có thiết bị mới và chưa có nguồn tài chính đầu tư mua sắm mới.
Nghị quyết số 30/NQ-CP cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Cụ thể, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao hội đồng khoa học của đơn vị xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị, từ đó lấy báo giá và xác định giá gói thầu.
Căn cứ để xác định bao gồm: Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp. Sau thông báo chào giá công khai, tối thiểu là 10 ngày, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu…Trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Chủ đầu tư được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có 1 nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.
Đây cũng là quy định để gỡ vướng, do quy định cũ yêu cầu "3 báo giá" trong mua sắm, sửa chữa, trong khi nhiều thiết bị y tế chỉ có 1-2 đại diện nhà cung cấp tại Việt Nam, do đó, bệnh viện không mua được thiết bị, thiết bị hỏng cũng không sửa được.
Nghị quyết số 30/NQ-CP cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ, nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa khi sử dụng.
Được biết, trước đây do vướng mắc về nhận thiết bị cho tặng, nhiều bệnh viện không thể nhận được tài trợ là kính hiển vi phẫu thuật, thiết bị phẫu thuật, điều trị trị giá nhiều chục tỷ đồng.
Nghị quyết số 30/NQ-CP giao rõ Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế (phải hoàn thành vào quý 2/2023).
Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp; nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng… (hoàn thành vào quý 3/2023).
Rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Hoàn thành trong quý 2/năm 2023).Nhiều vướng mắc và vẫn phải chờ
Ngay sau khi có Nghị quyết 30/NQ-CP, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai tới các sở y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế. Tiếp đó, Sở Y tế Nghệ An cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai tới các cơ sở y tế trong tỉnh. Mục đích các hội nghị là quán triệt nội dung nghị quyết, để tránh tình trạng mỗi cơ sở y tế hiểu, vận dụng quy định mới theo cách khác nhau.
Để có thể mua sắm “thoải mái” các cơ sở y tế vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Ảnh: Internet |
Trong các hội nghị này, các sở y tế, đơn vị y tế đều cho rằng: Nghị quyết 30/NQ-CP bước đầu tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều bất cập.
Thứ nhất, những hướng dẫn trong Nghị quyết 30/NQ-CP mới chỉ mang tính tạm thời, trước mắt. Những chính sách thí điểm trong nghị quyết thì có thể "rút hạ" bất cứ lúc nào, và không tạo nền pháp lý đủ vững để các bệnh viện an tâm thực hiện. Và thực tế hiện nay khi nghị quyết không đáp ứng điều kiện về pháp lý thì bệnh viện rất sợ làm, sau đó bị truy trách nhiệm. Đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không phải vấn đề chuyên môn y tế. Giải pháp "gốc rễ" lâu dài là cần sửa luật, từ đó sẽ ra các nghị định, thông tư. Trong trường hợp sửa luật thì cần nhất là Luật Đấu thầu, chí ít phải có một chương quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế.
Thứ hai, với quy định mới sẽ không cần phải có đủ 3 báo giá trong quy trình đấu thầu hóa chất, thiết bị, nhưng khi không có giá tham chiếu thì các doanh nghiệp độc quyền có thể sẽ đẩy giá hóa chất, thiết bị lên cao. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp báo giá có sát với giá nhập từ nước ngoài hay không thì cơ sở y tế khó nhận biết. Vậy nên, Bộ Tài chính cần giám sát kỹ lưỡng về giá của các doanh nghiệp nhằm bảo vệ những người làm công tác mua sắm đấu thầu.
Thứ ba, điều thiếu nhất trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị hiện nay là góc độ pháp lý. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, cần triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành Y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra…
Thứ tư, Nghị quyết chưa giải quyết được vướng mắc cho các cơ sở y tế tuyến huyện. Bởi hồ sơ mời thầu yêu cầu đơn vị trúng thầu vật tư, hoá chất có cung cấp trang thiết bị để sử dụng. Tuy nhiên, do các bệnh viện tuyến huyện đặc thù ít bệnh nhân, nhu cầu xét nghiệm, sử dụng dịch vụ ít, đơn vị trúng thầu lo ngại máy hoạt động không đúng công suất, hiệu suất kinh doanh kém, gây khó khăn trong đấu thầu. Như vậy, công tác đấu thầu ở tuyến huyện vẫn rất khó khăn.
Với những vướng mắc, bất cập này, rõ ràng để có thể mua sắm “thoải mái” các cơ sở y tế vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, việc Nghị quyết đã giao cho Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương (hoàn thành trong quý III năm 2023) thì vẫn là tình cảnh “nước xa chưa cứu được lửa gần” đối với việc thiếu thuốc hiện nay.
Trong hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP, Bộ Y tế cũng cho biết những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước, Bộ Y tế sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến của đơn vị, cơ sở y tế về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc... Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các phòng, ban của sở tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ.
Dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Trong thời gian chờ Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP, các cơ sở y tế phải thật sự trách nhiệm, chủ động lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế không thuộc danh mục mua sắm tập trung phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh năm 2023; không để thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế và người dân phải đi mua thuốc ngoài. Các đơn vị nghiên cứu kỹ, nắm chắc, quán triệt rõ nội dung Nghị quyết; triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Sở Y tế đã thành lập 10 nhóm hỗ trợ, các đơn vị cần liên tục kết nối và báo cáo các vướng mắc để có sự chỉ đạo kịp thời./.