Nghi Thiết (Nghi Lộc): Nuôi cá lồng trên biển

06/09/2011 09:42

(Baonghean) - Ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có những ngư dân vốn dạn dày sóng gió đang làm cuộc "phiêu lưu" bỏ hàng chục triệu đồng nuôi cá hồng Mỹ, cá vược, bằng hình thức nuôi lồng ven biển. Họ đang ví von, đây là nghề "đem tiền gửi đáy biển".

Ông Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết, cho biết: Từ mô hình nuôi thí điểm cá lồng trên biển của Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy, tại cửa biển Lạch Lò (năm 2009), từ năm 2010 đến nay, 6 hộ ngư dân ở xã Nghi Thiết đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng ven biển. Và cũng vào khoảng thời gian này năm ngoái, hàng chục hộ dân xóm Rồng đến lạch Lò để xem anh Nguyễn Văn Thái, người đầu tiên nuôi cá lồng bè trên biển thu về gần 70 triệu đồng trong vòng 8 tháng. "Trăm nghe không bằng một thấy", sang vụ thả năm 2011, trong xã đã có thêm 5 hộ huy động vốn tham gia nuôi cá lồng, tổng cộng toàn xã hiện nay có 11 lồng/6 bè. Nghề nuôi cá lồng trên biển phải tỉ mỉ, cần có kinh nghiệm và vốn lớn (khoảng 65 triệu đồng tiền đầu tư lồng và con giống, chưa kể thức ăn cho cá hàng ngày). Khó khăn nhất vẫn là những ngày mưa to, gió bão, nước trong lồng không đảm bảo độ mặn ảnh hưởng đến sức khoẻ của cá. Thêm vào đó là những rủi ro, bất trắc khi lưới lồng bị rách, cá thất thoát ra ngoài, lo chống chọi với bệnh rận, lở mình của cá... Bây giờ là thời điểm bước vào thu hoạch cá lồng trúng mùa, trúng giá; cá hồng Mỹ hiện có giá 100.000 đồng/kg, cá vược 120.000 đồng/kg, mỗi lồng cá cho doanh thu trên 50 triệu đồng.


Lồng bè nuôi cá hồng mỹ, cá vược của bà con xã Nghi Thiết (Nghi Lộc).

Theo xuồng của anh Nguyễn Văn Thái, chúng tôi đến tham quan khu vực nuôi cá lồng bè của ngư dân xã Nghi Thiết. Cả vùng mặt nước dài hơn 2 km chạy qua xóm Rồng đã phủ kín lồng nuôi cá, người ít đặt 1 lồng/bè, người nhiều đặt 3 lồng/bè. Anh Thái phấn khởi cho hay: "Tháng 1/2010, vợ chồng tôi đã mạnh dạn vay vốn, nhờ bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật, tiến hành nuôi thử 1 lồng cả 2 loại cá, với số lượng 3.000 con. Đến tháng 8/2010 thu về bình quân mỗi con 1 kg, giá bán tại lồng là 100.000 đồng/kg; tỷ lệ cá sống đến cuối vụ dù chỉ đạt khoảng 60%, nhưng trừ chi phí vẫn thu lãi được khoảng 70 triệu đồng. Đầu năm 2011 gia đình tôi tiếp tục nuôi tăng lên 2 lồng, mỗi lồng thả một loại cá với mật độ 3.000 con /lồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, ngay từ giữa tháng 8 chúng tôi đã bắt đầu thu hoạch tỉa; bình quân 1kg/con, với mức giá thị trường hiện nay là 120.000 đồng/kg gia đình tôi đã có 4,8 - 5 tấn cá, cầm chắc 150 - 200 triệu đồng tiền lãi ròng... Cá giống chúng tôi đặt mua tại 2 cơ sở sản xuất giống tại Nha Trang và Quảng Ninh; giá con giống phụ thuộc vào từng kích cỡ, bình quân 5.000 đồng/con (loại 1 phân). Muốn đảm bảo tỷ lệ cá sống đạt trên 80%, người nuôi phải phân cỡ cá theo nhóm, nuôi riêng từng lồng để tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé; chú ý kiểm tra thường xuyên 2 loại dịch bệnh, đó là bệnh đốm lưng và bệnh nấm thường xuất hiện ở miệng, vây và đuôi của cá. Khi cho cá ăn, nếu phát hiện thấy cá mắc bệnh thì phải pha thuốc tím (tỷ lệ 25% ) vào thùng lớn rồi lần lượt vớt cá lên cho tắm vào dung dịch trong vòng 10 - 15 phút. Nuôi cá lồng không đơn giản chỉ là "bống bống bang bang"- vì phải quan sát con nước và đặc tính cá để cho ăn vào thời gian phù hợp, phải luôn giữ vệ sinh lồng, kiểm tra chăm sóc và cách ly kịp thời khi cá nhiễm bệnh...

Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, Đồn phó Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò- người được giao nhiệm vụ triển khai mô hình thí điểm nuôi cá lồng ven biển: Vùng ven biển Cửa Lò có độ sâu vừa phải, độ mặn cần thiết và nguồn nước trong, nên rất phù hợp để nuôi cá lồng. Nuôi cá lồng theo phương pháp công nghiệp trong môi trường tự nhiên tại các cửa lạch biển không khó, chỉ cần thả giống sớm để cho thu hoạch trước khi mùa mưa bão. Thức ăn chính của cá lồng là cá tạp đông lạnh, cá vụn được cắt, băm nhỏ tùy theo độ tuổi của cá. Tuy nhiên, cần chú ý lưu tốc dòng chảy và sóng biển để đảm bảo đủ lượng ô xy, cho cá ăn đúng giờ, điều độ và mỗi vụ thay lưới 3 lần theo độ lớn của cá là những yếu tố đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển tốt. Lồng nuôi phải luôn sạch thoáng, nếu bị các vi sinh vật bám kín lồng sẽ giảm sự trao đổi nước khiến cá bị "sốc" do thiếu ô xy; bè phải được làm vững chắc, neo giằng cẩn thận để chống chịu với sóng gió bão.

Nghề nuôi cá lồng tại xã Nghi Thiết là một nghề mới, hiện còn mang tính chất tự phát nhưng nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò - Bến Thủy và Trung tâm Nuôi trồng thủy sản miền Trung nên nghề này đang mở ra cơ hội phát triển cho một vùng biển còn nghèo khó.


Ngọc Anh

Mới nhất
x
Nghi Thiết (Nghi Lộc): Nuôi cá lồng trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO