Nghĩa Đàn giảm diện tích cam và cà phê

13/09/2012 15:48

(Baonghean.vn) - Cà phê và cam là hai loại cây công nghiệp chủ lực đã từng khẳng định hiệu quả trên đất Nghĩa Đàn trong nhều thập kỷ qua. Song những năm gần đây vì nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích trồng cam và cà phê của huyện Nghĩa Đàn giảm mạnh.

Năm 2008, khi bắt đầu chia tách Thị xã Thái Hoà, huyện Nghĩa Đàn vẫn còn 535 ha diện tích trồng cà phê và 1.004 ha cam. Nhưng đến thời điểm cuối năm 2011, theo số liệu của Chi cục thống kê huyện Nghĩa Đàn, tổng diện tích trồng cam, quýt của toàn huyện chỉ còn 401 ha, và tổng diện tích trồng cà phê 167 ha.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, cho biết: Những thập kỷ trước, cam, cà phê, mía là những cây công nghiệp chủ lực trên vùng đất Nghĩa Đàn. Hàng chục năm qua, cam, cà phê Nghĩa Đàn phát triển mạnh, tiêu thụ khắp thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Diện tích cam, cà phê chủ yếu được trồng ở các nông trường: Tây Hiếu 2, Tây Hiếu 3, Cờ Đỏ, Công ty TNHH một thành viên 1/5 Nghệ An, Công ty rau quả 19/5. Ngoài ra, còn một số diện tích được người dân trồng ở các xã. Thế nhưng, những năm gần đây diện tích cam, cà phê giảm nhiều so với trước. Nguyên nhân do sâu bệnh phức tạp, bệnh trên cây cam không có thuốc chữa dứt điểm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến bất lợi đối với cây trồng, hạn hán, thiếu nước tưới, nhất là vào thời điểm ra hoa, kết trái, cam và cà phê đều cần nước tưới thì hay gặp hạn, có những năm quả cà phê khô từng chùm trên cành.



Để trồng cam có hiệu quả, yêu cầu vốn đầu tư và kỹ thuật cao.

Anh Trần Quốc Hồng (xóm Sơn Đông, xã Nghĩa Sơn) chia sẻ: đất Nghĩa Sơn có truyền thống trồng cam, ở thập kỷ trước cây cam phát triển mạnh, nhiều hộ trồng cam có thu nhập cao. Gia đình tôi bắt đầu trồng 1 ha cam từ năm 1994, cây cam phát triển tốt, cho thu nhập cao nên đến năm 2003 nhà tôi mở rộng diện tích trồng cam thêm 1 ha nữa. Song hiệu quả không cao như thời gian đầu, mặc dù gia đình có sự đầu tư chăm sóc cao hơn trước. Có thể do gen bị mai một. Đến nay gia đình tôi đã bàn giao 1 ha cho Công ty CP thực phẩm sữa TH. Hiện chỉ còn 1 ha, nhưng hiệu quả không cao do chất lượng giống không đạt yêu cầu. Nếu đầu tư nhiều dễ bị lỗ. Hiện chúng tôi đang trồng xen bí xanh, bí đao để tăng thu nhập.

Chị Hồ Thị Huyền (xóm Tân Thịnh, xã Nghĩa Hiếu) cho hay: gia đình tôi trồng hơn 2 ha cam từ năm 1994, nhận đất của Nông trường Tây Hiếu 2 giao khoán cho công nhân thuê. Diện tích thuộc vùng đất đồi, xa nguồn nước, gặp khó khăn trong việc tưới và chăm sóc nên hiệu quả không cao, bình quân hàng năm trừ chi phí còn lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó những hộ trồng cam trên đất bãi cho hiệu quả cao, lãi từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.

Đối với cây cà phê, khoảng giai đoạn từ năm 2001- 2005, nhờ được đầu tư vốn vay AFD của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam nên diện tích trồng cà phê tăng. Nhưng trong thời kỳ này giá cà phê trên thị trường thế giới giảm mạnh cùng với thời tiết hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến sự đầu tư chăm sóc và sinh trưởng phát triển. Mặt khác khi đưa cây cà phê vào trồng tại các xã vùng sâu, chưa có kỹ thuật sản xuất cây công nghiệp dài ngày nên bị thất bại. Hiện tại giá cà phê đã có lợi hơn cho người sản xuất, nhưng phần lớn nông dân thiếu khả năng đầu tư vốn chăm sóc và tưới (hầu hết phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên), mà cây cà phê rất cần tưới ổn định vào giai đoạn ra hoa tháng 3 – 4 hàng năm, vì vậy đưa cây cà phê vào trồng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Đậu Thượng Hùng - Phó giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên 1/5 Nghệ An, chia sẻ: Đơn vị chúng tôi trước đây là một nông trường chuyên trồng các loại cây chủ lực gồm cao su, cà phê, cam. Qua nhiều năm phát triển, hiện nay chỉ còn cây cao su là cây chủ lực. Khoảng 10 năm trước, riêng diện tích trồng cà phê của công ty chúng tôi có 500 ha, cam 150 ha, toàn bộ diện tích này được giao khoán cho công nhân trồng, chăm sóc, công ty bao tiêu sản phẩm. Nhưng đến nay diện tích cam xoá sạch, cây cà phê cũng chỉ còn khoảng 20 ha đã trồng xen cao su. Nguyên nhân giảm mạnh diện tích trồng hai loại cây trên do thị trường tiêu thụ không ổn định; sâu bệnh nhiều. Cây cam (nổi tiếng một thời cam Phủ Quỳ), nay diện tích trồng cam của công ty hết chu kỳ khai thác 25 – 30 năm, bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Nguồn sâu bệnh luôn tiềm ẩn phát triển trên cây cà phê, cây cam làm v­ườn cây xuống dốc nhanh, chất lư­ợng sản phẩm thấp, kinh doanh không hiệu quả. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện quy trình thâm canh chư­a đư­ợc chú trọng. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa nông sản bấp bênh ảnh hư­ởng đến đầu t­ư kinh doanh lâu dài của người sản xuất. Do đó người dân đã chuyển đổi sang trồng cao su và một số cây trồng khác hiệu quả hơn. Những diện tích trồng cam, cà phê không hiệu quả, Công ty đã bàn giao đất cho Công ty CP thực phẩm sữa TH.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: những diện tích bàn giao cho Công ty CP thực phẩm sữa TH, chủ yếu là đất quy hoạch trồng cam, cà phê ở các nông trường, công ty, đến nay không hiệu quả. Những hộ thuộc diện thu hồi đất sẽ được phối hợp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm. Và các hộ nhận khoán ở nông trường nay bị thu hồi đất, ngoài những người đến tuổi nghỉ hưu, phần lớn số còn lại được ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với năng lực tại các cơ sở của Công ty CP thực phẩm sữa TH...


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Nghĩa Đàn giảm diện tích cam và cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO