Nghiên cứu khoa học - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
(Baonghean) - Với niềm đam mê, tâm huyết, các nhà nghiên cứu, người lao động trên địa bàn tỉnh đã tạo nên những công trình không chỉ có giá trị khoa học mà còn có tính ứng dụng thực tiễn cao, mang lại hiệu quả rõ rệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đam mê và dấn thân
Vượt qua những khó khăn, với tình yêu với khoa học, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cá nhân và tập thể bằng đam mê đã dấn thân, tìm tòi nghiên cứu để mang lại những công trình có hiệu quả thực tiễn cao.
Nhà nghiên cứu Sầm Văn Bình - một người con của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳ Hợp là một trong số đó. Dân tộc Thái là dân tộc thiểu số có tiếng nói và chữ viết sớm, từ thế kỷ XI. Chữ Thái hệ Lai Tay, còn gọi là chữ Thái Quỳ Châu. Kho tàng các tài liệu viết bằng chữ Thái đang chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa lịch sử quý báu. Thế nhưng, hàng trăm năm nay do ít được sử dụng nên chữ Thái Lai Tay có nguy cơ bị thất truyền, trở thành một “tử ngữ”.
Nhà nghiên cứu Sầm Văn Bình (thứ hai trái sang) - tác giả công trình bảo tồn chữ Thái hệ Lai Tay trao đổi với đồng nghiệp. Ảnh NVCC |
Đau đáu với ngôn ngữ của dân tộc, ông đã dành nhiều năm cất công điền dã trong dân gian để gặp những người còn biết, còn nhớ chữ Thái để sưu tầm chữ Thái hệ Lai Tay. Sau những tháng ngày gian nan, vất vả, chắp nối các dữ liệu thu thập được, ông Sầm Văn Bình đã biên soạn và hoàn thiện bộ tài liệu dạy học chữ Thái hệ Lai Tay, bao gồm 5 loại tài liệu: Giáo trình; sách Từ vựng; sách Tham khảo; sách Bài tập; sách Ngữ pháp.
Bộ tài liệu được biên soạn một cách công phu, khoa học đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định về tính khoa học và sư phạm, sau đó được NXB Đại học Vinh xuất bản chính thức. Người đàn ông đam mê văn hóa dân tộc Thái này còn tự mày mò thiết kế font chữ Thái và bộ gõ để đưa chữ Thái Lai Tay vào sử dụng trên máy vi tính.
Giá trị của công trình khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai Tay” của nhóm tác giả: Sầm Văn Bình, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp và Vũ Chí Cường, Trường Đại học Vinh còn nằm ở tính lan tỏa của nó trong cộng đồng các đồng bào dân tộc Thái.
Từ năm 2011 đến nay, thông qua đề tài, nhiều người ở các huyện:Quỳ Hợp, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Tân Kỳ đã được học viết, chữ Thái hệ Lai Tay thành thạo. Từ những “sứ giả” này đã có nhiều đồng bào Thái có thể đọc, viết được ngôn ngữ của mình.
Trong phần thuyết trình về đề tài, ông Sầm Văn Bình chia sẻ: “Công trình góp phần quan trọng phục hồi, bảo tồn và phát huy một giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái ở Nghệ An; đưa chữ Thái Lai Tay từ chỗ có nguy cơ là “tử ngữ” trở thành một sinh ngữ. Đặc biệt, những kết quả nghiên cứu và ứng dụng trên đây là cơ sở hết sức quan trọng để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận chữ Thái hệ Lai Tay là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An”.
Cùng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cống hiến cho cộng đồng Phó Giáo sư, Tiến sỹ y học Cao Trường Sinh và các cộng sự ở Trường Đại học Y khoa Vinh đã thực hiện công trình: Nghiên cứu đề xuất và triển khai một số giải pháp phòng và điều trị bệnh tự kỷ trẻ em dưới 6 tuổi ở Nghệ An.
PGS.TS Cao Trường Sinh chia sẻ: Hiện nay, bệnh tự kỷ ở trẻ em có xu hướng gia tăng, là mối quan tâm của các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội. Xuất phát từ tình thương, sự sẻ chia với các cháu và các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ, tôi muốn làm điều gì đó để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội thông qua nghiên cứu điều trị bệnh tự kỷ”.
Với tâm huyết đó, PGS.TS Cao Trường Sinh cùng cộng sự đã tiến hành đề tài này. Thông qua điều tra, khám sàng lọc cho 14.000 trẻ dưới 6 tuổi tại 7 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu đã xác định tỷ lệ tự kỷ và các yếu tố nguy cơ; qua đó đề xuất các nhóm giải pháp phát hiện, dự phòng và điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được mô hình điều trị cho trẻ tự kỷ, đặc biệt đề tài đã xác định được một số yếu tố về nguy cơ của tự kỷ gồm: về sản khoa, thời gian chơi với con của bố mẹ, thời gian xem tivi. Thông qua đề tài cũng đã đào tạo được hơn 400 giáo viên mầm non cho 7 địa phương, 150 sinh viên khoa Mầm non Trường Đại học Vinh, 185 sinh viên bác sỹ đa khoa, 70 cán bộ y tế 19 huyện, thành, thị; qua đó, tạo nên mạng lưới phát hiện và điều trị bệnh tự kỷ.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình điều trị tự kỷ bằng phương pháp giáo dục hành vi kết hợp các trò chơi trị liệu ở Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An và đã điều trị được cho nhiều trẻ em bị bệnh tự kỷ nặng, nhẹ trở về thang điểm bình thường trẻ có thể đi học.
Tôn vinh những nhà nghiên cứu, nhà khoa học
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghệ An là giải thưởng lớn nhất của tỉnh trong lĩnh vực này. Sau nhiều năm phát động và tổ chức, ngày càng được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đội ngũ tri thức, các tầng lớp lao động tỉnh Nghệ An quan tâm hưởng ứng.
Năm nay, lần đầu tiên Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Nghệ An được xét cho 3 năm (2015 -2017) với tổng số 109 công trình được gửi về ban tổ chức. Các công trình nghiên cứu có độ đồng đều, đa dạng hơn trên các lĩnh vực gồm: Y tế, Công nghiệp, Nông nghiệp, Công nghệ Thông tin, Tiểu thủ công nghiệp, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên.
Trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, công trình: Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai Tay của nhóm tác giải Sầm Văn Bình (xã Châu Quang, Quỳ Hợp) và Vũ Chí Cường (Trường Đại học Vinh) đạt giải Đặc biệt.
Trong lĩnh vực Nông nghiệp có công trình: Chọn tạo và nhân giống quyết PQ1 của tác giả Võ Thị Tuyết và các cộng sự ở Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả và cây nông nghiệp Phủ Quỳ. Trong lĩnh vực công nghiệp có công trình: Nghiên cứu chế tạo dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động của tác giả Hồ Xuân Vinh, Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế có nhiều công trình dự giải đã chứng minh hiệu quả rất lớn trong khám và chữa bệnh như: Điều trị bệnh ung thư thực quản theo phương pháp phẫu thuật cắt thực quản nội soi kèm tạo hình thực quản bằng ống dạ dày ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An; Ứng dụng công nghệ robot trong sinh thiết khối u phổi tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hay công trình: Nghiên cứu đề xuất và triển khai một số giải pháp phòng và điều trị bệnh tự kỷ trẻ em dưới 6 tuổi ở Nghệ An... Đây là những công trình được trao giải Nhất.
Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành cho biết: Năm nay, số lượng các giải thưởng đạt giải cao nhiều hơn các năm trước. Đặc biệt, lực lượng những người nghiên cứu trẻ hóa về độ tuổi và tham gia rất nhiều. Đây là tín hiệu phấn khởi trong phong trào nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh. Các công trình dự giải phải đáp ứng được các điều kiện là được áp dụng ít nhất 1 năm trong thực tiễn mang lại hiệu quả. Xét đặc thù giải quy mô cấp tỉnh và tình hình cụ thể ở Nghệ An, Hội đồng chấm giải rất coi trọng các tiêu chí theo thứ tự: ứng dụng thực tiễn, hiệu quả, tính khoa học.
Nghệ An có nhiều nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, nhưng nguồn lực to lớn nhất, quý báu nhất chính là con người. Giải thưởng Sáng tạo KH&CN là một trong những giải pháp quan trọng để khai thác, phát huy trí thông minh, tinh thần sáng tạo của con người xứ Nghệ; qua đó thúc đẩy các hoạt động KH&CN phát triển, đóng góp ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông qua đề nghị của Hội đồng xét thưởng cấp tỉnh, UBND tỉnh đã khen thưởng Bằng khen và Cúp Bông sen Sáng tạo KH&CN, tiền thưởng cho tác giả của 43 công trình đạt giải Sáng tạo KH&CN tỉnh Nghệ An năm 2017 gồm: 1 giải Đặc biệt, 9 giải Nhất, 6 giải Nhì, 13 giải Ba và 14 giải Khuyến khích.
Nhật Lệ
TIN LIÊN QUAN |
---|