Nghiên cứu và ứng dụng: Cần khắc phục những bất cập
Nếu thống kê về đề tài khoa học, các chương trình, các dự án sản xuất thử đã được các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) triển khai trong nhiều thập kỷ qua, thì sẽ thu được một khối lượng rất lớn. Nhiều công trình đã được các hội đồng khoa học đánh giá là xuất sắc; nhiều giấy khen, bằng khen và cả những tấm huân chương chứng tỏ sự đóng góp của khoa học cho đất nước là không thể bàn cãi. Nhưng tại sao hoạt động KH&CN vẫn bị đánh giá là chưa thực sự hiệu quả? Từ thực tiễn sản xuất một số cây trồng vốn được coi là mũi nhọn trong nông sản hàng hóa xuất khẩu của vùng Phủ Quỳ, có thể nhận ra những bất cập trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN ở tỉnh ta.Khoảng cách từ đề tài đến thực tiễn
(Baonghean) - Nếu thống kê về đề tài khoa học, các chương trình, các dự án sản xuất thử đã được các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) triển khai trong nhiều thập kỷ qua, thì sẽ thu được một khối lượng rất lớn. Nhiều công trình đã được các hội đồng khoa học đánh giá là xuất sắc; nhiều giấy khen, bằng khen và cả những tấm huân chương chứng tỏ sự đóng góp của khoa học cho đất nước là không thể bàn cãi. Nhưng tại sao hoạt động KH&CN vẫn bị đánh giá là chưa thực sự hiệu quả? Từ thực tiễn sản xuất một số cây trồng vốn được coi là mũi nhọn trong nông sản hàng hóa xuất khẩu của vùng Phủ Quỳ, có thể nhận ra những bất cập trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN ở tỉnh ta.
Khoảng cách từ đề tài đến thực tiễn
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, tại Phủ Quỳ, nhiều kết quả của đề tài về cây cam đã được ghi nhận ở các hội nghị tổng kết khoa học như tuyển chọn cây đầu dòng các giống cam phổ biến trong sản xuất. Kết quả nghiên cứu về các tổ hợp gốc ghép và mắt ghép cam quýt trên một số loại đất trồng cam, một số giống cam nhập nội được khảo nghiệm trên một số vùng sinh thái, trong đó có giống Valencia. Một số giống gốc ghép như quýt Cleopatre, trấp Thái Bình đã được đề xuất làm gốc ghép nhưng phổ biến trong sản xuất vẫn là cây bưởi chua ít được chọn tuyển, trong khi đó bưởi chua là loại dễ mẫn cảm với bệnh Greening.
Các biện pháp canh tác như chống xói mòn trên đất dốc, cây che phủ họ đậu, chế độ tưới, phân bón… đều đã có những đánh giá tốt nhưng tiếc thay đã không ứng dụng vào sản xuất. Nếu nhìn rộng ra ngoài Phủ Quỳ, có thể thấy cây cam Xã Đoài đã có nhiều nghiên cứu, nhiều dự án về phục tráng giống, những cây đầu giống được chọn tuyển và công bố nhưng để vùng cam vua này của Nghệ An thực sự vực dậy như thương hiệu nổi tiếng vốn có từ lâu đời vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Mô hình cam cho năng suất cao ở Phủ Quỳ.
Với cây cao su, từ kết quả nghiên cứu nhập nội và lai tạo giống của Viện Cao su, nhiều giống đã được đề nghị khu vực hóa ở các tỉnh Bắc Trung bộ, trong đó có một số giống đã được khảo nghiệm từ năm 1993 tại Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả, cây công nghiệp Phủ Quỳ thành công như RIM 712, LH82/122… Nhưng trong sản xuất, nhiều người trồng cao su ngay tại Phủ Quỳ lại mua giống trôi nổi không có xuất xứ hoặc vào tận các tỉnh phía Nam, có những giống chưa qua khảo nghiệm.
Giống cà phê chè Catimor vốn là một con lai giữa Hybrid de Timor với Catura, trong đó, Hybrid de Timor là con lai tự nhiên chỉ có đặc tính chống bệnh rỉ sắt được tìm thấy ở Indonesia, Catimor được nhập và phát triển ở nhiều vùng sinh thái trên khắp đất nước ta trong gần 30 năm nay đã chứng tỏ là một giống thích ứng rộng, năng suất cao nhưng dù sao vẫn là độc vị, chưa kể với cây cà phê này thường bị sâu borer phá hoại.
Kết quả theo dõi trong tập đoàn và so sánh giống cà phê chè của Trung tâm Giống cây ăn quả Phủ Quỳ, một số giống đã được kết luận là vượt trội về năng suất so với Catimor, ổn định từ 2,2-2,6 tấn nhân/ha, hạt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có khả năng chống bệnh rỉ sắt, chống sâu đục thân và chịu hạn tốt (theo PGS,TS Phạm Văn Chương, Viện trưởng, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ - Kỷ yếu 5 năm xây dựng và phát triển Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ 2006-2011). Đây là tiền đề và là cơ hội để vùng chuyên canh cà phê Phủ Quỳ sớm xây dựng một cơ cấu giống đa dạng, phát huy thế mạnh vốn có cho ngành cà phê, tiếc rằng chưa mấy ai quan tâm.
Cần khắc phục sự bất cập
Nếp làm khoa học của ta từ lâu đã được hành chính hóa, cán bộ khoa học chỉ là người làm công ăn lương đủ năm lên bậc, đủ bằng lên lương như một công chức hành chính thực thụ. Với sản xuất, các nông trường, các công ty nông nghiệp luôn có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp hàng ngày với sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo yêu cầu của nhà quản lý không chỉ về các vấn đề kỹ thuật mà còn lo cả thị trường tiêu thụ sản phẩm, cũng là hoạt động khép kín trong doanh nghiệp.
Nhiều năm trở lại đây, việc sản xuất cây giống sạch bệnh cam, quýt bằng phương pháp chọn cây đầu dòng, làm gốc ghép, xây dựng nhà lưới… không phải là mới trong các doanh nghiệp nông nghiệp mà trước đây chỉ dành cho các cơ quan khoa học, tương tự như cách làm khoa học của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An (đã được Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Nghệ An năm 2009 và 2012). Có thể nói hơn ai hết, doanh nghiệp tự biết mình phải giải bài toán nào về KH&CN cho sản xuất, kinh doanh của mình.
Về mặt ngân sách, tổ chức KH&CN được Nhà nước bao cấp, không chịu sự chi phối, gắn kết nào với các doanh nghiệp, ngược lại các doanh nghiệp cũng không thể đòi hỏi tổ chức KH&CN về những vấn đề bức xúc của sản xuất, đây chính là độ vênh lớn giữa KH&CN và sản xuất, kinh doanh. Nếu không được giải quyết thì nghiên cứu cũng chỉ để nghiên cứu mà sản xuất thì cứ theo cách cũ.
Với tổ chức KH&CN, việc các kết quả đề tài được ứng dụng không mất tiền đã là khó nói gì đến chuyện thương mại hóa kết quả nghiên cứu dù được cho là hiệu quả. Bởi vậy, nên chăng Nhà nước cần có chủ trương quy định xây dựng quỹ phát triển KH&CN trong các doanh nghiệp để có nguồn kinh phí hợp đồng, đặt hàng với tổ chức KH&CN nhất là với những vấn đề khó nảy sinh trong sản xuất mà bản thân doanh nghiệp không có điều kiện tiến hành như giải quyết bệnh chồi cỏ trên vùng mía nguyên liệu làm thiệt hại hàng nghìn ha mỗi năm, khắc phục dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong một số nông sản xuất khẩu, cơ cấu giống cà phê chè, giống cam, vấn đề nâng cao chất lượng cam quả…
Nếu nhìn xa hơn, thông qua các hợp đồng khoa học, các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tổ chức và cán bộ khoa học lại càng có điều kiện để nâng cao năng lực, kiến thức làm nghiên cứu, tăng khả năng cạnh tranh, tạo dựng thị trường KH&CN. Để tạo sự gắn kết giữa khoa học và sản xuất, nên chăng trong việc đánh giá các kết quả nghiên cứu được tổ chức hằng năm cần có vai trò phản biện của các doanh nghiệp.
Lê Đình Định (Phường Quang Tiến - TX Thái Hòa)