Ngòi bút nhà cách mạng

04/05/2012 18:08

(Baonghean) - Những nhà trí thức cách mạng, bên cạnh hoạt động thực tiễn thì những bài báo mang tính bút chiến của họ là vũ khí sắc bén, làm tiền đề cho việc đánh đổ chế độ thực dân. Phan Đăng Lưu (1902-1941) là một nhà cách mạng tiêu biểu như thế.

Sinh trưởng trong một gia đình nho giáo có điều kiện kinh tế, lên 5 tuổi, Phan Đăng Lưu theo cha (tên khai sinh là Phan Đăng Dư, còn gọi là cụ Phán, một nhà nho học rộng nhưng không đi thi, ở nhà làm thầy thuốc) giúp những nghĩa binh trong phong trào yêu nước do cụ Nghè Ôn (Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn) khởi nghĩa vũ trang ở quê hương. Một lần, Phan Đăng Lưu hỏi cha:


-Tại sao họ hiền lành vậy mà đi làm giặc hở cha?


Cụ Phan trả lời:


- Họ bị dồn vào bước đường cùng con ạ!


Từ đó, Phan Đăng Lưu sớm bộc lộ tình thần yêu nước, thương dân. Lớn lên, cảnh chướng tai gai mắt và nỗi thông khổ của người dân càng làm ông đau đớn.


Năm 1013 (mới 11 tuổi), Phan Đăng Lưu vào Vinh trọ học. Một lần, tên Tổng đốc Nghệ An tổ chức tiệc mừng thăng chức, nhìn cảnh ngựa xe tấp nập, lễ vật xếp hàng, Phan Đăng Lưu đã viết một đôi câu đối dán ở cổng thành Vinh:


"Tổ quốc diệt vong, sung sướng đó linh đình yến tiệc


Đồng bào nô lệ, vẻ vang thay, nhộn nhịp xướng ca".


Quê hương ông ở làng Đông (xã Tràng Thành, nay là Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng không khác hơn ở tỉnh lỵ. Bài thơ ông viết (bí mật dán ở các tụ điểm trong làng) đã lan truyền rất nhanh trong dân chúng và chính quyền thực dân.


"Sông Dinh núi Gám cảnh thần tiên

Bị bọn cường hào đến đảo điên

Ăn uống sình nang quân đít đỏ

Gánh gồng trể cổ bạn dân đen

Mất phần tri hộ trương gân nạt

Hỏng miếng hoa cà lộn tiết lên

Sâu mọt lũ kia chưa quét sạch

Xóm làng khôn hưởng cảnh bình yên".


Tốt nghiệp sơ học Vinh, Phan Đăng Lưu vào Huế học Trường Quốc Tử giám. Học được 3 năm, ông nộp đơn thi Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang với ý thức: Học nông nghiệp sẽ giúp ích cho quê hương vì nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu.


Tốt nghiệp loại ưu (là một trong năm người dẫn đầu), Phan Đăng Lưu đem tri thức vào nghiên cứu thực hành tại Sở Nông nghiệp Bắc Kỳ. Ở đây, ông luôn bị chính quyền khống chế vì tư tưởng yêu nước thương dân.


Làm việc với chính quyền thực dân nhưng ông vẫn bí mật liên lạc với phong trào cách mạng, tham gia hội Phục Việt, ông thường xuyên nghiên cứu tìm hiểu lý luận cách mạng. Sau những năm bí mật và cả công khai chống Pháp, ngày 30/6/1927, ông bị thải hồi vì "vô kỷ luật".


Gia nhập Đảng Tân Việt, Phan Đăng Lưu đã dịch các tác phẩm lý luận như: xã hội học luận, lịch sử các học thuyết kinh tế là những tác phẩm tiền đề của triết học Mác - Lê nin.


Tháng 9/1929, Phan Đăng Lưu bị bắt trên đường đi Trung Quốc liên lạc với tổ chức Việt Nam cách mạng đồng chí hội. Bị địch bắt đi đày ở Buôn Ma Thuột, Phan Đăng Lưu thường xuyên bí mật và công khai viết bài cho các báo để vạch trần tội ác của chính quyền thực dân đối với tù nhân chính trị. Với những bút danh: Dân Nguyện, BCH, QB..., ngòi bút cách mạng Phan Đăng Lưu đã đi sâu mổ xẻ vào nơi đen tối, ung nhọt nhất của chế độ thực dân.


Không chỉ viết báo, ông còn đi sâu vào đời sống quần chúng để tìm hiểu và vận động họ đứng về chính nghĩa. Sang thời kỳ mặt trận dân chủ, Phan Đăng Lưu ra tù và hoạt động công khai. Đây là thời kỳ mà ngọn bút Phan Đăng Lưu sung sức nhất, những bài báo đậm tính chiến đấu của Phan Đăng Lưu như một luồng gió mát thổi vào không khí ngột ngạt của chính quyền thực dân, đặc biệt là ở Huế, nơi mà ông cùng đồng chí của mình có điều kiện đấu tranh trực diện với triều đình tay sai. Những tác phẩm mạng đậm tính bút chiến của ông chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: đấu tranh dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, vạch trần bộ mặt của bè lũ tay sai và đòi tự do ngôn luận. Tất cả đều cùng một mục đích vì lợi ích của nhân dân.


Bây giờ đọc lại các tác phẩm của ông, người ta không khỏi thán phục bởi cái tâm và cái tài của một nhân cách lớn, là văn chính luận thì chặt chẽ, thuyết phục. Là tiểu phẩm văn học thì thâm thúy sâu xa như soi tỏ ruột gan của những tên quan lại bán nước. Là báo chí phản ánh hiện thực thì như đập vào mắt người đọc một thực tế không thể chối cãi được.


Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: Bước sang địa hạt lý luận, "Phan Đăng Lưu là nhà cách mạng trí thức uyên bác:


Phan Đăng Lưu đi xa chúng ta đã hơn nửa thế kỷ ở mảnh đất phương Nam (Sài Gòn - Gia Định). Ngày nay, đi trên con đường mang tên ông ở Thành phố Hồ Chí Minh, hẳn có một em học sinh nào đó đang mơ ước trở thành nhà báo, nhìn con đường in dòng chữ Phan Đăng Lưu đẹp ánh nắng hè, trong tâm trí học trò, trái tim hồng của nhà cách mạng hẳn còn lay động ở đâu đây.


Phan Xuân Hậu

Mới nhất

x
Ngòi bút nhà cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO