Ngồi nhiều, ngồi lâu gây vô sinh hiếm muộn?
Nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ rất đa dạng trong đó có cả nguyên nhân từ những rắc rối ở cơ chế sinh sản do việc ngồi nhiều gây ra.
Ngồi nhiều, ngồi lâu hàng ngày, cẩn thận vô sinh hiếm muộn
Chúng ta biết rằng việc ngồi nhiều, ngồi lâu một chỗ do tính chất công việc, thói quen hay sự lười biếng… đều có thể gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc cho sức khỏe.
Trong đó bao gồm cả những ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, làm tăng nguy cơ vô sinh. Những thông tin này đã được đăng tải nhiều trên những trang chuyên Sức khỏe nổi tiếng và uy tín thế giới như Health, Wedmd…
Đối với nam giới, ngồi nhiều, nhất là ngồi trên ghế đệm có thể khiến tăng nhiệt độ ở 'vùng kín', gây nóng tinh hoàn, ảnh hưởng đến bộ máy sản xuất tinh trùng. Khi tinh hoàn nóng hơn mức bình thường, khả năng sinh tinh sẽ giảm đi.
Những người có thói quen ngồi bất động, hai chân khép lại hoặc bắt chéo quá lâu, mặc quần lót quá chật... sẽ càng gây ra những ảnh hưởng xấu đến tinh trùng. Nếu ngồi ở các tư thế trên, trong một giờ, nhiệt độ của tinh hoàn có thể tăng lên 2-3 độ C so với bình thường. Trong khi đó, chỉ cần tăng thêm 1 độ C là khả năng sản xuất tinh trùng đã giảm mất 40%.
Còn đối với nữ giới, ngồi lâu một chỗ, ít vận động cũng không có lợi cho sức khỏe. Khi bạn ngồi trên ghế, cơ thể gấp khúc, hông thắt chặt, xương sống gần như cứng lại khiến cho máu khó lưu thông. Lúc này, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là vùng chậu và vùng chi dưới. Do đó, hệ thống sinh sản của người phụ nữ cũng bị ảnh hưởng theo, nguy cơ vô sinh hiếm muộn là điều khó tránh.
Ngoài ra, đối với cả 2 giới, ngồi lâu, ngồi nhiều còn có thể ảnh hưởng tới chức năng của não, tim mạch, thậm chí tăng nguy cơ đông máu. Thói quen ngồi lâu cũng khiến các enzym đốt cháy chất béo trong cơ thể giảm đáng kể.
Chuyên gia khẳng định ngồi lâu có khả năng gây vô sinh hiếm muộn
BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ rất đa dạng trong đó có cả nguyên nhân từ những rắc rối ở cơ chế sinh sản do việc ngồi nhiều gây ra.
Với nữ giới, vô sinh có thể do dị dạng về đường sinh dục, viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng, suy buồng trứng, buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn... Ở nam giới, tình trạng vô sinh hiếm muộn có thể do tắc ống dẫn tinh, thiểu năng tinh trùng, xuất tinh ngược dòng, viêm tinh hoàn…
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng các chất kích thích (rượu, thuốc lá) với liều lượng cao, thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao, vận động, đi lại nhiều, rồi cả việc ngồi lâu một chỗ, nhất là trên ghế nệm... cũng góp phần làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.
Cũng theo BS Dung, đối tượng hiếm muộn đang có xu hướng trẻ hóa. Một nghiên cứu thực hiện trên toàn quốc mới đây cho thấy có đến 7-10% cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn.
Riêng tại Hà Nội, tỉ lệ này chiếm tới 13% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Nếu như trước đây, các cặp vợ chồng khám hiếm muộn ở độ tuổi trên 30 chiếm tỷ lệ lớn thì nay có tới 50% trường hợp hiếm muộn dưới tuổi 30.