Ngọn bút và đá mài

20/06/2013 22:49

88 năm về trước, Bác Hồ sáng lập ra tờ Thanh Niên đánh dấu sự ra đời của báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong buổi đầu gian khổ ấy, Bác và những người làm báo phải đối mặt với điều kiện gian khổ và sự truy đuổi của kẻ thù. Bao thế hệ nhà báo đã ngã xuống trên chiến trường, trong ngục tù... để góp tiếng nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam.

(Baonghean) - 88 năm về trước, Bác Hồ sáng lập ra tờ Thanh Niên đánh dấu sự ra đời của báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong buổi đầu gian khổ ấy, Bác và những người làm báo phải đối mặt với điều kiện gian khổ và sự truy đuổi của kẻ thù. Bao thế hệ nhà báo đã ngã xuống trên chiến trường, trong ngục tù... để góp tiếng nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam.

Trong thời kỳ mới, câu hỏi đặt ra cho người làm báo là làm sao định hướng, kêu gọi, cổ vũ 80 triệu “người chèo thuyền” cùng góp sức chung tay lái con thuyền đất nước đi theo một hướng trước những dòng chảy lớn đang đổ về cuồn cuộn. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên vô vàn mặt trận: kinh tế, văn hoá, giáo dục, thời sự, chính trị, an ninh - quốc phòng,... với vũ khí là ngòi bút và kẻ thù là những bất cập, khó khăn cần giải quyết, những thói hư tật xấu cần đả kích phê phán để bảo vệ một xã hội lành mạnh. Ngược lại, những gương người tốt, việc tốt được báo chí khen ngợi, tuyên dương để từ đó nhân rộng, cổ vũ nhân dân sống, làm việc và xây dựng quê hương, đất nước.



Phóng viên tác nghiệp tại Khu sản xuất công nghệ cao Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn).
Ảnh: Sỹ Minh

Khi ta cầm trên tay tờ báo này cũng là lúc người phóng viên - người lính trinh sát của đội quân báo chí đang xông pha nơi núi cao, rừng sâu, ở thôn bản nghèo, trong rừng nước ngập mặn, trên một con thuyền nơi mắt bão hay ở Trường Sa biển đảo xa xôi. Để ngày mai, trên trang báo, cuộc sống thực đang đập nhịp nóng hổi. Ta như được sống với bữa cơm nghèo của kẻ khó, như nhìn thấy giọt nước mắt nhớ nhà của cô giáo cắm bản, niềm vui của người nông dân trên cánh đồng trĩu hạt... Có ai hay, để nói lên tiếng nói đanh thép của mình, chiến đấu với cái xấu, cái ác đang chực lấn át cái thiện, cái tốt trong xã hội, người làm báo đã phải khóc, cười với mỗi số phận con người, đã phải vượt lên để chiến thắng cả nỗi sợ hãi, lo toan của chính mình...

Những trang báo hôm nay không in ra từ khuôn đá mà từ những cỗ máy hiện đại, số lượng xuất bản không chỉ còn ở hàng chục, hàng trăm mà hàng vạn, hàng trăm vạn để giữ cho mạch nguồn thông tin khắp mọi miền Tổ quốc không lúc nào gián đoạn. Làm nên điều phi thường ấy chính là những con người rất đỗi bình thường đổ mồ hôi, nước mắt bên ngọn đèn khuya, miệt mài trên từng dòng tin, trang báo. Đôi khi là cả máu và tính mạng để mỗi tờ báo, thước phim đến với ta là công lí, là sự thật. Có bao giờ nước mắt ta rơi khi đọc một tờ báo để thấy phai ra một màu đỏ thắm tựa trái tim hồng?

Người ta nói, nghề báo là nghề nguy hiểm. Làm nghề báo là chấp nhận bước chân vào đội quân cảm tử, đi tiên phong trong công cuộc xây dựng và giữ gìn nền độc lập và phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội nước nhà. “Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”, ghi nhớ và làm theo những lời dạy này của Bác Hồ, chính là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, cũng chính là viên đá mài cho ngọn bút của ta luôn đanh thép và sáng trong.


Hải Triều

Ngọn bút và đá mài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO