"Ngọn đuốc sống" đã ngừng cháy!
(Baonghean) - Ngày 19/8, đoạn băng do Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố đăng tải hình ảnh các phiến quân đã chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley, đã làm rúng động dư luận cả nước Mỹ và thế giới. Ngày 21/8, Bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder xác nhận thông tin trên đoạn băng đã được kiểm chứng và cho biết Mỹ quyết tâm tìm ra kẻ sát hại Foley. Cái chết của một nhà báo chiến trường vô tội tiếp tục nhân lên sự bàng hoàng, phẫn nộ đối với tội ác man rợ của tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay.
(Baonghean) - Ngày 19/8, đoạn băng do Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố đăng tải hình ảnh các phiến quân đã chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley, đã làm rúng động dư luận cả nước Mỹ và thế giới. Ngày 21/8, Bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder xác nhận thông tin trên đoạn băng đã được kiểm chứng và cho biết Mỹ quyết tâm tìm ra kẻ sát hại Foley. Cái chết của một nhà báo chiến trường vô tội tiếp tục nhân lên sự bàng hoàng, phẫn nộ đối với tội ác man rợ của tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay.
Một người giàu lý tưởng
James Foley, tên gọi thân mật là Jim, sinh ngày 18/10/1973, là con trai cả trong một gia đình có 5 người con tại Rochester, New Hampshire - một tiểu bang thuộc vùng New England ở phía Đông - Bắc của Hoa Kỳ. Xuất thân là một thầy giáo, Foley từng làm thầy giáo dạy kỹ năng đọc và viết cho các tù nhân đã bị kết án tại Nhà tù Hạt Cook ở Chicago. Sau khi tốt nghiệp Trường báo chí danh tiếng Medill thuộc đại học Northwestern University, năm 2008 Foley chuyển sang làm báo chuyên nghiệp với một quan điểm rõ ràng: Foley không xem báo chí đơn thuần là một nghề nghiệp kiếm sống, mà anh xem đó là nơi có thể dấn thân để thực hiện khát vọng bảo vệ công lý, phơi bày các sự thật đáng ghê sợ. Vì thế mà bất cứ bạn bè, đồng nghiệp, cộng sự nào từng công tác với Foley cũng lấy làm tự hào và phải nể trọng, coi anh là một người dũng cảm, nghĩa hiệp và có lý tưởng xã hội rất tiến bộ .
Nhà báo James Foley. Ảnh: AP |
Năm 2008, Foley bắt đầu có mặt tại những chiến địa nguy hiểm, sẵn sàng dấn thân, có mặt tại những “thùng thuốc súng”, những “nghĩa địa chiến tranh” tàn khốc của thế giới. Đó là Iraq, Afghanistan và nhiều khu vực đang xung đột khác. Foley là người đã “vào hang hùm” để phơi bày những tội ác man rợ của các phiến quân Hồi giáo đối với dân thường. Những thước phim, mẩu tin, hình ảnh, bài viết của Foley đã vạch trần tội ác khủng bố, vô nhân đạo của các tay súng cực đoan. Với tư cách là một nhà báo tự do (freelancer), James Foley cộng tác cho một số tờ báo, hãng tin lớn như AFP, GlobalPost… Khi bị bắt, Foley đang làm việc cho tờ GlobalPost Boston. Bên cạnh đó, Foley thường chia sẻ các bài viết của anh trên trang blog “A world of troubles” (Một thế giới đầy rắc rối). Câu nói ám ảnh Foley và thường được anh trích dẫn khi trình bày các ý nghĩ của mình là câu nói nổi tiếng của tướng Carl von Clausewitz: “Chiến tranh là do con người gây ra”. Năm 2012, khi trả lời BBC, Foley đã khẳng định hành động dấn thân của mình: “Tôi đến đó để mô tả về những đau thương do cuộc xung đột gây ra và những câu chuyện chưa được kể. Ở đó có bạo lực khủng khiếp, nhưng cũng có những điều ý nghĩa về cuộc sống và đó là cảm hứng của tôi”.
Hai năm bị bắt cóc và nỗ lực giải cứu bất thành
Chính vì sự dấn thân dũng cảm, ngoan cường, thái độ dấn thân đi tìm sự thật một cách quyết liệt của Foley khiến anh trở thành “mối nguy hiểm cần được quan tâm” của các lực lượng cực đoan. Trước khi bị lực lượng IS bắt cóc ở Syria, năm 2011 Foley đã từng bị bắt cóc cùng với nhiếp ảnh gia Anton Hammerl, và hai nhà báo khác ở Libya. Sau đó, chia sẻ với sinh viên một trường đại học báo chí, Foley thừa nhận để trở thành phóng viên chiến trường là phải biết tự bảo vệ mình, bởi đó là nơi mà người ta chỉ có thể sống sót bằng may mắn. Điều thôi thúc các phóng viên không thể dừng bước chính là trách nhiệm tái hiện lại số phận của người dân thường trong các cuộc chiến tranh.
Ngày 22/11/2012, Foley được nhìn thấy lần cuối cùng ở Aleppo - Tây Bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đã bị bắt cóc tại một cơ sở Internet khi đang truyền các dữ liệu liên quan đến hiện thực khốc liệt tại các vùng giao tranh. Ngay sau đó người ta đã không thể biết được vị trí nơi Foley bị giam cầm cũng như thủ phạm gây ra vụ bắt cóc, bởi tại thời điểm đó, tổ chức Phiến quân Nhà nước Hồi giáo vẫn chưa hình thành.
Sau khi có Foley làm con tin, kẻ bắt cóc đã đưa ra một khoản tiền chuộc khổng lồ là 100 triệu Euro (132,5 triệu USD) để đổi lấy tự do cho anh. Điều này khác hẳn với các khoản tiền chuộc mà kẻ bắt cóc đưa ra với các con tin trước đó, thường là 2 đến 4 triệu Euro. Vì vậy, người ta đã cho rằng số tiền mà kẻ bắt cóc đưa ra là không đáng tin cậy. Tuy nhiên, kẻ bắt cóc cũng chỉ đưa ra yêu cầu vậy thôi, còn không hề có thiện chí để tổ chức một cuộc đàm phán, thương lượng, cho đến khi tổ chức cuộc hành quyết.
Được biết, gia đình Foley đã có những nỗ lực nhằm xác định liệu Foley còn sống hay không. Trước 3 câu hỏi gia đình Foley đưa ra rất cụ thể và mang tính cá nhân mà chỉ Foley mới biết câu trả lời, gia đình Foley đã nhận được câu trả lời chính xác và qua đó họ biết Foley vẫn còn sống. Lần cuối cùng đồng nghiệp và gia đình nhận được thông tin về Foley từ phía kẻ bắt cóc vào ngày 13/8. Nhóm bắt cóc đưa ra các đòi hỏi mang tính thông điệp về chính trị và một số mang tính chất tài chính. Tuy nhiên, đưa ra chỉ để mà đưa ra. Bởi trước những lời kêu gọi khẩn thiết và đề nghị gia hạn từ gia đình Foley, những kẻ bắt cóc vẫn không có phản hồi.
Hồi tháng 7 vừa qua, giới chức Mỹ đã quyết định thực hiện một chiến dịch giải cứu ở Syria nhưng bất thành. Một nhóm lực lượng tinh nhuệ đã tổ chức tập kích để giải cứu con tin tại tòa nhà mục tiêu xác định nhưng họ đã không thấy dấu vết của bất cứ ai. Trước đó, đầu năm nay Tổng thống Barack Obama đã cử Các lực lượng Chiến dịch Đặc biệt tới Syria nhằm thực hiện những nỗ lực giải cứu một số người Mỹ bị phiến quân IS bắt cóc, trong đó có James Foley, nhưng cũng không cho kết quả khả quan. Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn viên Lầu năm góc cho biết, chiến dịch này không thành công bởi các con tin không bị giam giữ tại địa điểm mà đặc nhiệm Mỹ được phái tới. Sau cuộc săn lùng quốc tế chớp nhoáng được tiến hành, hiện có nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng, một chiến binh người Anh đã chặt đầu James Foley. Các nguồn tin cho hay tên này là 1 tín đồ sinh ra ở London, thường được gọi là John. Đó là thông tin mới nhất có được cho đến thời điểm này.
IS - Tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất, mam rợ nhất!
Tổ chức Phiến quan Nhà nước Hồi giáo (IS), trước đó là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS), được thành lập vào tháng 4/2013, bắt nguồn từ nhóm al-Qaeda tại Iraq (AQI), nhưng hiện nay, giới phân tích và dư luận đều cho rằng đây là tổ chức nguy hiểm nhất, sự hung bạo và phi nhân tính còn đáng sợ gấp nhiều lần so với al-Qaeda. Mặc dù IS đã bị al-Qaeda chối bỏ, nhưng trở thành một trong những nhóm thánh chiến chủ chốt chiến đấu chống lại các lực lượng chính phủ tại Syria và Iraq. Tuy mới hình thành nhưng tổ chức này đã có các cuộc tấn công, tàn sát kinh hoàng và khét tiếng về sự cai trị tàn bạo. Hiện kẻ đứng đầu của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi, sinh năm 1971 tại Samarra, phía Bắc Baghdad, tham gia lực lượng nổi dậy, vốn bùng phát tại Iraq không lâu sau khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại Iraq năm 2003. Vào năm 2010, Baghdadi trở thành lãnh đạo của al-Qaeda tại Iraq, một trong những nhóm sau đó tham gia IS. Ước tính đã có khoảng 80% các tay súng phương Tây tại Syria đã tham gia IS. Hiện tại, IS đang trong cơn “khát máu” để cuồng vọng tiến tới việc thành lập một vương quốc Hồi giáo, vốn bao gồm các khu vực tại Syria và Iraq. Vào tháng 3/2013, IS đã giành quyền kiểm soát Thành phố Raqq - thủ phủ tỉnh đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy. Vào tháng 1/2014, IS lợi dụng căng thẳng đang gia tăng giữa phe thiểu số dòng Sunni tại Iraq và Chính phủ do phe Shiite đứng đầu để giành quyền kiểm soát Thành phố Fallujah của người Sunni tại tỉnh Anbar, phía Tây Iraq. Kể từ đó, IS đã chiếm các khu vực rộng lớn ở miền Bắc Iraq, chiếm Thành phố Mosul hồi tháng 6. Các giao tranh để tranh giành quyền kiểm soát đã khiến ít nhất 1,2 triệu người Iraq phải rời nhỏ nhà cửa. Chỉ trong tháng 7, IS đã mở rộng đáng kể khi tuyển khoảng 6.300 tay súng mới, chủ yếu tại tỉnh Raqqa, miền Bắc Iraq. Cùng với đó, việc thành phố thứ 2 của Iraq rơi vào tay IS đã gây ra một mối đe dọa đối với toàn khu vực. Nó cũng có thể khiến IS trở thành nhóm phiến quân nhiều tiền nhất thế giới.
Mỹ sẽ không chùn tay
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ cho biết về việc nước này sẽ quyết tâm tìm ra kẻ đã sát hại nhà báo James Foley (ngày 21/8), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã “bày tỏ sự ghê tởm” và tuyên bố sẽ làm tất cả những gì cần làm để bảo vệ công dân của mình. Ông Obama cực lực lên án vụ giết hại và mô tả IS như một khối u đang đe dọa toàn bộ khu vực và nhấn mạnh: “Toàn thế giới kinh hoàng trước vụ giết hại tàn bạo nhà báo James Foley của nhóm khủng bố IS. James Foley là một nhà báo, một người con, một người anh và một người bạn. James Foley bị bắt làm con tin cách đây gần 2 năm ở Syria, khi ông đang can đảm đưa tin vào thời điểm xảy ra cuộc xung đột tại đó. Vụ giết hại nhà báo là một hành động động bạo lực gây sốc đối với những người có lương tâm trên toàn thế giới”.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Obama, Lầu Năm Góc cho biết, máy bay Mỹ đã tiến hành 14 cuộc không kích trong vùng lân cận đập nước lớn nhất tại Mosul của Iraq, phá hủy hoặc làm hư hại các thiết bị quân sự của phiến quân IS.
Theo dự báo của dư luận, vụ sát hại James Foley sẽ tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nước Mỹ cũng đang đứng trước vô số những áp lực. Liệu những bước leo thang mới trong cuộc chiến này có đưa nước Mỹ vào một cuộc sa lầy mới và sẽ phải cái giá đắt hơn? Câu hỏi này đang đặt chính quyền Obama đứng trước những lựa chọn vô cùng khó khăn.
Chí Linh Sơn
• “Jim (tên gọi thân mật của James Foley) không bao giờ chịu ngồi yên, thụ động, anh ấy không chịu được bất cứ điều gì làm chậm bước chân của mình. Anh ấy luôn phấn đấu để tiến lên phía trước, tiếp cận với những gì đang diễn ra và để hiểu hơn về những người anh ấy khai thác thông tin. Khi chúng tôi bị bắt ở Tripoli, anh ấy thực sự là người đã tiếp thêm sức mạnh và hy vọng để chúng tôi có thể vượt qua”. (Lời của Clare Morgana Gillis, một trong những nhà báo bị bắt và giam giữ với Foley ở Libya) • “Foley là một đồng nghiệp hào hiệp và được nhiều người quý mến trong công việc. Anh ấy cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm chứng nhân cho những sự kiện bạo lực và nguy hiểm bậc nhất của thập kỷ này. Anh ấy đã bị mắc kẹt lại trong câu chuyện của mình. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự ra đi này của anh”. (Sheera Frenkel, phóng viên phụ trách mảng Trung Đông của BuzzFeed, phát biểu trên tạp chí Newsweek,): • “Khi người ta hỏi Jim tại sao lại đến những nơi nguy hiểm như vậy, Jim đã hỏi lại rằng, tại sao lính cứu hỏa lại lao vào biển lửa để cứu người?… Đó là công việc”. (Ông John, cha của James Foley) |