Ngư dân kêu trời vì thiếu nơi neo đậu tàu thuyền
(Baonghean.vn) - Mặc dù một số cơ sở đã được nâng cấp, sửa chữa song hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão ở Nghệ An hiện chưa đồng bộ. Vào mùa mưa bão, ngư dân ở nhiều địa phương trong tỉnh gặp khó khăn vì thiếu nơi neo đậu tàu thuyền.
Tàu thuyền chen chúc nhau đậu tại Lạch Quèn khu vực xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu |
Cảng cá Lạch Vạn là nơi tránh trú bão cho hơn 700 tàu thuyền lớn nhỏ của 2 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích (Diễn Châu). Tuy mới được đầu tư nâng cấp bờ kè chiều dài hơn 300 mét, tuy nhiên quy mô đang còn nhỏ, chỉ mới đáp ứng được trên 60% số lượng tàu thuyền.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Do địa điểm neo đậu quá chật chội nên sau bão, thường có khoảng 10-12 chiếc thuyền bị hư hỏng do bị va đập với nhau.
Cơn bão số 3 vừa rồi, có gần 20 tàu thuyền ở Diễn Ngọc phải tránh trú bão ở các tỉnh khác do điểm tránh trú ở cảng Lạch Vạn quá chật chội.
Để giảm tải cho khu vực Lạch Vạn, hiện nay người dân xóm Nam Thịnh đang đề xuất với UBND xã, tự đóng góp kinh phí để kè đá tạm thời khoảng 300 mét dọc bờ. UBND xã đang tiếp tục khảo sát để xây dựng thêm khu neo đậu và hậu cần nghề cá tại xóm Trung Thành với quy mô chiều dài khoảng hơn 40m.
Khu vực Lạch Quèn xã Quỳnh Thuận cảng cá bị bồi lắng, tàu thuyền rất khó vào neo đậu. |
Tương tự, tại bến cá Lạch Thơi, Quỳnh Lưu, do thiếu chỗ neo đậu nên một số ngư dân lại tự tìm các khu đất bằng ở ven lạch để neo đậu. Nhưng đất trống không có gì che chắn bão nên nhiều tàu bè bị xô lệch.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng nông nghiệp Quỳnh Lưu cho biết: Quỳnh Lưu hiện có trên 1.300 tàu thuyền lớn nhỏ, có 2 cảng cá Lạch Quèn và Lạch Thơi được đầu tư chưa đồng bộ. Các cảng cá đều quá chật chội nên chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu khi tránh trú bão. Hiện các khu neo đậu chỉ đảm bảo được koảng 50% so với số lượng tàu thuyền thực có. Một số tàu thuyền lớn phải neo đậu tại các khu tránh trú bão ở ngoại tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ninh …
Ngư dân Diễn Ngọc, Diễn Châu phải sữa chữa lại tàu thuyền do bị va đập sau bão số 3 |
Vì vậy đã có hiện tượng tranh giành chỗ vào cảng để bán cá hoặc trú bão. Về giải pháp tránh trú bão, chỉ bằng cách là chỉ đạo các xã cho tác tàu thuyền neo đậu lớp trước, lớp sau và giữa lòng các lạch. Tránh trú kiểu này cơ bản chỉ được về mặt số lượng, nhưng sau bão thường bị thiệt hại như gió làm hư hỏng thân tàu, vỡ cửa kính, bóng điện.
Ngư dân vùng biển Lạch Cờn (TX. Hoàng Mai) cũng cùng chung một nỗi lo trên, tại đây cũng chỉ mới được nạo vét luồng lạch dang dở, hệ thống hạ tầng nơi neo đậu chưa được đầu tư đồng bộ. Anh Trần Minh Lương (Phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) cho hay: Thường thì thuyền chúng tôi về bán cá cho tư thương xong, nếu có đợt bão lại sang xã Thanh Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) để lánh nạn, vì sang đó bến rộng an toàn hơn. Mỗi lần đi cũng mất từ 150-180 lít dầu, rất tốn kém.
Ở Quỳnh Lập, Quỳnh Phương có khoảng trên 700 tàu cá, tính ra mỗi lần bão đến, có hàng chục tàu lớn phải đi tránh trú bão ở nơi khác.
Nghệ An là địa phương có số lượng phương tiện đánh bắt phát triển khá mạnh, với 80 - 100 phương tiện đóng mới mỗi năm. Số lượng tàu thuyền tăng đồng nghĩa với việc dịch vụ hậu cần, trú tránh bão như thế nào để đáp ứng yêu cầu.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã đưa vào quy hoạch 5 khu trú tránh bão gồm: Lạch Vạn, lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Lò, lạch Cờn và 1 khu neo đậu trú tránh cấp vùng - khu neo đậu Cửa Hội phục vụ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Với 6 khu neo đậu này đã đảm bảo cho trên 3.000 phương tiện. Các khu neo đậu đều đã và đang được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên chưa đồng bộ, còn thiếu các hạng mục. Ví như tại Lạch Thơi (Quỳnh Lưu), mới nạo vét dang dở, hạ tầng cảng cá chưa được đầu tư. |
Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay Lạch Cờn, thị xã Hoàng Mai đang thi công, trị giá công trình trên 60 tỷ đồng. Dự án nâng cấp cảng Cửa Hội trên 100 tỷ đồng, hiện đã đạt trên 45% khối lượng. Dự kiến đến quý 2 năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng được thêm 2 bến cảng sẽ phần nào giúp được các tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn.
Tỉnh Nghệ An đang rất cần được Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn vốn để xây dựng đồng bộ hệ thống cảng cá, để ngư dân yên tâm đầu tư đóng thuyền to máy lớn ra khơi đánh cá.
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN