Ngư dân "khát" vốn
(Baonghean) - Đóng tàu mới có công suất lớn để vươn khơi đang là ước mơ của ngư dân và cũng là chủ trương mà Nhà nước khuyến khích trong thời gian qua. Nhưng do thiếu vốn nên ngư dân đang mong mỏi từng ngày được nhận sự hỗ trợ tích cực, thiết thực hơn từ những chính sách cho vay vốn của Nhà nước để họ yên tâm bám biển, nâng cao đời sống và góp phần làm chủ vùng biển của Tổ quốc.
(Baonghean) - Đóng tàu mới có công suất lớn để vươn khơi đang là ước mơ của ngư dân và cũng là chủ trương mà Nhà nước khuyến khích trong thời gian qua. Nhưng do thiếu vốn nên ngư dân đang mong mỏi từng ngày được nhận sự hỗ trợ tích cực, thiết thực hơn từ những chính sách cho vay vốn của Nhà nước để họ yên tâm bám biển, nâng cao đời sống và góp phần làm chủ vùng biển của Tổ quốc.
Nhu cầu lớn
Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Ngư dân có khát vọng đóng tàu to, công suất lớn để vươn khơi xa, bám biển dài ngày, cải thiện cuộc sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng “đói” vốn. Ngư trường gần bờ hiện đã cạn kiệt nguồn lợi, muốn làm ăn lớn thì phải vươn khơi. Muốn vươn khơi phải có tàu lớn, công suất máy từ 600 CV trở lên và phải mất từ 4 - 5 tỷ đồng; cải hoán thì cần ít nhất 200 triệu đồng tùy trọng lượng, công suất máy... Anh Hoàng hiện có chiếc tàu có công suất 270 CV, đi biển được 2 - 3 ngày phải quay về vì máy nhỏ, nhiên liệu ít nên không thể tiến ra xa. Bình thường, mỗi chuyến đi biển của anh được khoảng 5 tấn cá, có chuyến được thì khoảng 10 tấn. Nhưng giá xăng dầu cao, chi phí lớn cộng với phần lớn cá tạp có giá trị thấp nên thu nhập của anh không được là bao. Nhiều lần anh nung nấu ý định đóng tàu mới để có điều kiện vươn khơi và chuyển đổi nghề nhưng nghĩ đến số tiền 4 - 5 tỷ bạc khiến anh nhụt chí.
Ngư dân đang cần vốn để đóng tàu mới vươn khơi, phát triển kinh tế và tham gia làm chủ vùng biển của Tổ quốc. |
Sát cảng cá Lạch Quèn, chiếc tàu có công suất 800 CV của ông Hồ Sửu (xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu) và 9 bạn thuyền hùn nhau đang được khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến, đến tháng 7 năm nay, ông sẽ hạ thủy và tiến hành chuyến ra khơi đầu tiên. Nhưng điều ông lo lắng là nguồn vốn chưa biết xoay sở thế nào đây khi ngân hàng vẫn chưa duyệt cho ông và các bạn tàu được vay vốn. Ông cho biết, để đóng được con tàu này thì cần ít nhất là 5,5 tỷ đồng để đầu tư vỏ tàu, máy móc, ngư lưới cụ. Tàu có 10 người chung nhau thì mỗi người đóng 550 triệu đồng nhưng đến nay chỉ mới được hơn 2 tỷ đồng. Thỉnh thoảng có người đóng thêm vài chục triệu rồi cứ đóng dần dần. Ông cũng đã làm hồ sơ, thế chấp bìa đỏ để vay Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Quỳnh Lưu 2 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được duyệt.
Phải khẳng định rằng, nhu cầu về vốn của ngư dân hiện nay đang rất lớn. Trong tổng số tàu thuyền của tỉnh hơn 4.000 chiếc thì chỉ có khoảng hơn 1.100 chiếc có công suất trên 90 CV và khoảng 260 chiếc trên 400 CV. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có đến hơn 95% tàu cá đóng bằng tàu gỗ, sử dụng động cơ cũ, thiếu thiết bị bảo quản đảm bảo chất lượng hải sản cho chế biến và xuất khẩu. Do vậy, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lên tới 25 - 30%. Mặc dù có sự phát triển nhanh về nghề khai thác thủy sản, nhưng việc có tới 2/3 số lượng tàu khai thác hải sản trên toàn tỉnh có công suất nhỏ đang đặt ra nhiều vấn đề. Đó là áp lực đối với vùng lộng (biển gần bờ) trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Một trong những nguyên nhân chính là do ngư dân đang thiếu vốn để đầu tư ban đầu nhằm đóng mới và trang bị đầy đủ các ngư lưới cụ cần thiết phục vụ ra khơi, bám biển dài ngày. Nhưng muốn đóng tàu có công suất lớn thì phải có vốn nhưng ngặt nỗi, không dễ tiếp cận với các nguồn vốn vay của ngân hàng. Ông Đàm Phi An, ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết: Ngư dân luôn muốn đóng tàu lớn để tiến ra khơi, đến những ngư trường mới để khai thác. Nhưng nguồn vốn ngân hàng cho vay quá ít, thủ tục phức tạp. Ngư dân nghèo, tài sản thế chấp chỉ là nhà cửa đất đai giá trị thấp, lại chỉ được ngân hàng cho vay khoảng 30% giá trị. Tiếp cận ngân hàng khó, nhiều ngư dân đã chọn cách tạm ứng của “đầu nậu”, vay “nóng” để có tàu, có nhiên liệu đi biển hay cải hoán, đóng mới. Mặc dù ai cũng biết hệ lụy đi kèm sự lựa chọn trên là lãi đẻ lãi, “đầu nậu” ép giá thu mua sản phẩm...
“Giải khát” cho ngư dân
Ông Hồ Công Đàm, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Quỳnh Lưu cho biết: Mặc dù rủi ro nghề biển luôn tiềm ẩn, nhưng càng ngày thì tỷ lệ rủi ro càng giảm, do ngư dân đầu tư thuyền to, máy lớn cộng với việc dự báo thời tiết kịp thời nên ngân hàng vẫn mạnh dạn cho ngư dân vay vốn. Đối với những gia đình có tài sản nhiều thì cho vay 200 triệu đồng, còn bình thường thì cho vay từ 100 - 150 triệu đồng/hộ. Đến hết năm 2013, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng là 815 tỷ đồng, trong đó 50% là cho ngư dân vay đóng tàu mới. Riêng 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay tăng thêm 86 tỷ đồng (chiếm 10%).
Tuy nhiên, ông Đàm cũng khẳng định rằng, nhu cầu vay vốn của ngư dân đang còn rất lớn nhưng ngân hàng không đáp ứng đủ vì phải căn cứ vào nguồn vốn huy động và chỉ tiêu trên giao. “Hiện nay, ngư dân vay dưới 50 triệu không phải có tài sản đảm bảo. Còn nếu vay nhiều hơn thì phải đảm bảo các điều kiện: Tài sản thế chấp, khả năng tài chính, nhu cầu vốn vay và tính khả thi của dự án. Cán bộ tín dụng ngân hàng sẽ cân đối các điều kiện trên để xác định lượng vốn cho từng cá nhân cụ thể. Ngư dân chủ yếu vay nguồn vốn trung hạn, trong khi đó nguồn vốn vay trung hạn đã được quy định hạn ngạch cụ thể so với tổng dư nợ của chi nhánh, chúng tôi không được phép cho vay vượt quá tỷ lệ.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều ngân hàng chưa mạnh dạn cho ngư dân vay vốn là hiện nay nhiều tàu thuyền chưa được mua bảo hiểm và nhiều ngư dân không mặn mà với việc mua bảo hiểm thuyền viên. Trong khi đó, các ngân hàng cần phải cân đối nguồn vốn huy động để cho ngư dân vay lại. Nếu ngư dân có bảo hiểm, ngân hàng cũng yên tâm hơn khi cho vay. Tuy nhiên, ở huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai rất ít ngư dân mua các loại bảo hiểm liên quan. Ông Hoàng Văn Xuân, ngư dân xã Quỳnh Nghĩa cho biết, khi Nhà nước còn có cơ chế hỗ trợ tiền mua bảo hiểm thì người dân hăng hái nhưng khi chương trình đó hết thì người dân không còn mặn mà nữa. Hơn nữa, người đi biển thay đổi thường xuyên, nay làm mai nghỉ, dù được tuyên truyền, vận động nhưng không thấy ai mua cả. Điều ông Xuân nói cũng chính là suy nghĩ của rất nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh ta.
Hiện nay, theo các chính sách hỗ trợ chung của tỉnh, để giải quyết khó khăn cho ngư dân, hàng năm đều có chương trình hỗ trợ lãi suất sau đầu tư dành cho những tàu đóng mới trên 90 CV. Theo ông Nguyễn Chí Lương – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Nếu so với giá trị con tàu lên đến 4-5 tỷ đồng, thì số tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư chẳng thấm vào đâu. Vậy nên, việc hỗ trợ chỉ mang tính khuyến khích là chính, tỉnh cũng đang thường xuyên hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp khai thác hải sản từ vùng lộng ra vùng khơi; kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu đánh cá, hỗ trợ máy thông tin tầm xa cho ngư dân...Tuy nhiên, nguồn tiền hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho ngư dân vẫn đang "thiếu trước hụt sau", thậm chí khoản hỗ trợ trong năm 2010 và 2011 cũng vẫn đang thiếu. Sở Nông nghiệp đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu đánh bắt xa khơi nhưng đến nay các cấp vẫn chưa bổ sung kinh phí để đơn vị chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định.
Định hướng đến năm 2015, có tính đến 2020, tỉnh ta chủ trương phát triển đội tàu có công suất trên 300 CV, được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, đảm bảo đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển. Song song với đó là giảm dần số lượng tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, tổng nguồn vốn cần đầu tư 2.790 tỷ đồng, trong đó, vốn giai đoạn 2011-2015 là 1.324 tỷ đồng; giai đoạn 2020 là 1.460 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải pháp về nguồn vốn chưa được nêu ra một cách cụ thể. Trong khi đó, điều ngư dân đang cần nhất chính là nguồn vốn bằng nhiều cơ chế hỗ trợ thông qua các kênh để đầu tư đóng mới tàu thuyền vươn khơi. Nhưng giải pháp này còn chung chung và chưa thấy được tính khả thi cao. Để người dân có thể vươn khơi, làm giàu từ biển, các ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ ngư dân, khai thông vướng mắc về nguồn vốn. Bên cạnh đó, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương thì tỉnh cần chủ động xây dựng chương trình hỗ trợ cho ngư dân. Bởi đầu tư cho ngư dân không chỉ là đầu tư để phát triển kinh tế mà còn để góp sức cùng ngư dân bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Phạm Bằng
Theo Quyết định 09/2012 của UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thời gian 12 tháng đối với hộ ngư dân đóng mới tàu khai thác thủy sản vùng khơi có công suất từ 90 CV trở lên. Từ năm 2010-2013, tỉnh đã hỗ trợ cho 218 phương tiện, tương ứng với số tiền là hơn 11,8 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2014, sẽ có 95 tàu đóng mới được hỗ trợ lãi suất với số tiền tương ứng là hơn 4,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 của UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2013- 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 800 tỷ đồng để thực hiện đề án chuyển đổi nghề từ vùng lộng ra vùng khơi, trong đó kết hợp với chuyển đổi công suất phương tiện. |