Ngư dân kỳ vọng sự đổi mới của nghiệp đoàn nghề cá

Diệp Thanh 19/09/2022 16:19

(Baonghean.vn) - Sau hội nghị tập huấn đầu tiên của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An dành cho 4 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở, cán bộ công đoàn và bà con ngư dân có thêm niềm tin vào những chuyển mình, đổi mới trong thời gian tới của nghiệp đoàn nghề cá toàn tỉnh.

Niềm tin của những công nhân làm nghề cá

Trong chương trình tập huấn về tổ chức và hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, các đại biểu tham dự được nghe chuyên đề về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới vùng biển; Luật Thủy sản và các văn bản quản lý Nhà nước về khai thác thủy, hải sản và những nội dung cơ bản về Công đoàn Việt Nam. Sau phần tập huấn, phần thảo luận cuối chương trình đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất cho những người tham dự.

Toàn cảnh buổi tập huấn hoạt động của Liên đoàn Lao động tỉnh cho 4 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở. Ảnh: Diệp Thanh

Là người phát biểu cuối cùng tại chương trình, khi đồng hồ đã điểm 12h trưa, anh Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu không giấu nổi xúc động: “Mọi người biết đấy, dân biển chúng tôi dân trí còn thấp, nhiều người chưa tốt nghiệp nổi cấp 1, cả đời lại làm công việc lênh đênh, cô độc trên sóng nước, nhiều rủi ro, ít được giao lưu. Dù mang trong mình niềm tự hào với nhiệm vụ giữ gìn biển, đảo quê hương, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy mình nhỏ bé, cần học hỏi thêm rất nhiều. Bởi vậy, sự kiện tập huấn này vô cùng ý nghĩa đối với chúng tôi, cho chúng tôi cơ hội được ngồi với nhau, nâng tầm hiểu biết của mình. Sau phần giới thiệu về tổ chức công đoàn, tôi càng hiểu hơn, tự hào hơn về tổ chức mình tham gia, chỉ mong sao những chương trình này sẽ được tổ chức thường xuyên, giúp tiếng nói người lao động trên biển hòa nhập chung được với tiếng nói các đoàn viên, lao động khác…”.

Ảnh: Diệp Thanh

Với 112 đoàn viên, Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Ngọc đang có một sự khởi đầu thuận lợi khi vừa thành lập vào cuối tháng 8 vừa qua đã may mắn được tham gia tập huấn bài bản từ công đoàn cấp trên trong chương trình này. Không chỉ kiến thức, chương trình tập huấn còn đem đến cho những đoàn viên, ngư dân tham gia nhiều cảm nhận khác. “Ở sự kiện này, nhiều người trong chúng tôi lần đầu tiên trong đời có cơ hội được trực tiếp dâng hương ở Quảng trường Hồ Chí Minh, được đứng dưới chân Tượng đài Bác mà báo công trong màu áo của tổ chức công đoàn. Không chỉ thế, chúng tôi còn được đối đãi như khách quý, được bố trí chỗ ăn, nghỉ chu đáo, được giao lưu, gặp gỡ những người bạn mới. Không thể diễn tả được niềm vui và vinh dự này” - anh Dũng thổ lộ.

Cùng cảm nhận, anh Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích (Diễn Châu) khẳng định: “Những năm gần đây, cùng với nhiều hoạt động chăm lo từ công đoàn cấp trên cơ sở và các cơ quan, đoàn thể, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo, đồng hành với bà con ngư dân. Từ đó, 6 chi hội và 21 tổ hội của nghiệp đoàn chúng tôi đã có sự gắn bó, đoàn kết và tin tưởng vào tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập năm 2013 đến nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi được tham gia một chương trình thiết thực, ý nghĩa do Công đoàn tỉnh tổ chức, dành riêng cho đối tượng ngư dân như vậy”./.

Niềm vinh dự của những ngư dân khi được đến báo công với Bác tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Tùng

Trở về sau sự kiện, anh Liên cho biết, Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích đã họp Ban Chấp hành nghiệp đoàn, thông báo về sự quan tâm và những đổi mới trong thời gian tới, triển khai những nội dung quan trọng để tiến tới kiện toàn bộ máy, hoàn thiện quy chế hoạt động theo Quyết định số 2728/QĐ-TL của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Vũ Ngọc Chắt – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, một trong những đại biểu lớn tuổi nhất tham gia sự kiện tập huấn, bộc bạch: “Dù làm nghề đã nhiều năm, thường xuyên khai thác ở nhiều vùng biển xa như Hoàng Sa, nhưng bản thân chúng tôi vẫn còn mơ hồ rất nhiều kiến thức liên quan đến mình. Tại một chương trình như thế này, chúng tôi không chỉ cùng lúc tích lũy được rất nhiều kiến thức quý báu từ các giảng viên mà còn được giải đáp thắc mắc và hướng dẫn tận tình. Chỉ mong sao chương trình sẽ được tổ chức thường xuyên, mở rộng thêm các đối tượng, để trong tương lai sẽ có một lực lượng đoàn viên ngư dân đủ bản lĩnh, tri thức để tự tin bảo vệ biển, đảo quê hương”.

Kỳ vọng đổi thay

Cảnh tượng thường thấy trong những sự kiện họp hành của bà con ngư dân thường là những nhóm người đi muộn, về sớm, nói chuyện riêng, làm việc riêng… vô cùng lộn xộn. Và để xây dựng một chương trình tập huấn với sự tham gia 100% số lượng, 100% sự tập trung của các đại biểu thuộc đối tượng này là không hề đơn giản.

Ảnh: Diệp Thanh

“Để các đại biểu tham gia đầy đủ, chúng tôi phải tổ chức sự kiện trong một ngày Rằm sáng trăng, khi bà con không ra khơi, liên hệ với cơ sở từ rất sớm, tìm hiểu nhu cầu tập huấn của bà con, bố trí cán bộ đưa đón, liên hệ khách mời là lãnh đạo sở và tìm giảng viên phù hợp. Để gắn kết giữa các đơn vị, chúng tôi còn tạo điều kiện để bà con gặp mặt, giao lưu với nhau trước, trong và sau sự kiện. Thông qua sự kiện, tôi tin rằng, đoàn viên, ngư dân sẽ có những thay đổi tích cực cả về kiến thức, tác phong…, sẽ tìm thấy những giá trị lớn ngoài những kiến thức giảng viên truyền đạt”, bà Phan Thị Trang - Trưởng ban Tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 4 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc (Diễn Châu); Quỳnh Long, Sơn Hải (Quỳnh Lưu), với tổng số 2.635 đoàn viên.

Quả thật, trăn trở của những cán bộ công đoàn cấp tỉnh đã đem đến cho những người tham dự một chương trình nhiều lợi ích. Anh Nguyễn Văn Dũng nói: “Diễn Châu chúng tôi thường khai thác giã kéo - một kiểu khai thác tận diệt thủy sản, không thân thiện với môi trường. Tham dự sự kiện này, được ngồi giao lưu với ngư dân vùng khác, giao lưu, học hỏi những loại hình khai thác khác như chụp, xăm vây, câu mực... sẽ giúp chúng tôi thuận tiện hơn trong chuyển đổi mô hình khai thác. Chúng tôi cũng đã xin số điện thoại của nhau để sau này tiện hỗ trợ, trao đổi công việc. Trở về sau chương trình thành viên nào cũng vui, cũng khoe với bà con ngư dân khác về chương trình, vui lắm!”. Anh Dũng cũng tin tưởng, qua cầu nối tổ chức công đoàn, bà con ngư dân sẽ có thêm cộng đồng để gắn bó, đoàn kết với nhau, hỗ trợ nhau khi ra khơi cũng như khi trên bờ. Tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh để đánh đuổi những phần tử ngoại xâm, phản động.

Các đại biểu vẫn chăm chú, nghiêm túc lắng nghe những nội dung cơ bản về tổ chức Công đoàn. Ảnh: Diệp Thanh

Anh Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích chia sẻ thêm, hình thức tổ chức tập trung của sự kiện giúp bà con tiếp thu kiến thức một cách tối đa. Anh nói: “Bình thường, tại địa phương, việc tuyên truyền, tập huấn thường diễn ra lộn xộn, bà con vừa làm vừa nghe, câu được câu mất. Nhưng khi tổ chức như thế này, ai cũng sẽ tập trung tối đa, hiểu và nhớ được rất nhiều. Vài ngày sau khi trở về từ sự kiện, tôi đã thử đố mọi người một số kiến thức liên quan, mọi người đều nhớ hết. Sự chuyên nghiệp, hiệu quả và kiến thức từ chương trình tập huấn là tiền đề cho những đổi mới, tạo hứng khởi cho những cán bộ công đoàn, bà con ngư dân như chúng tôi”.

Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho 4 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở. Ảnh: Thanh Tùng

Đồng thời, từ sự kiện này, nhiều ngư dân đã bày tỏ mong muốn trong tương lai, công đoàn cấp tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá cơ sở, tổ chức thêm những lớp tập huấn về sơ cứu, cấp cứu trong quá trình khai thác trên biển, kiến thức pháp luật liên quan và triển khai nhiều nội dung hỗ trợ, thăm hỏi cho bà con.

Mới nhất

x
Ngư dân kỳ vọng sự đổi mới của nghiệp đoàn nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO