Ngư dân Nghệ An bám biển thu về hơn 2 nghìn tỷ đồng
Dù khó khăn, nhưng ngư dân Nghệ An vẫn tích cực bám biển, đánh bắt được gần 107 nghìn tấn hải sản, trị giá hơn 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bám biển
Ngư dân vùng ven biển thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu đang neo ở mức cao, nguồn lợi hải sản cạn kiệt, thiếu lao động nghề biển… nhưng từ đầu năm đến nay vẫn tích cực bám biển. Có những con tàu công suất lớn, đánh bắt dài ngày trên biển mang về đầy khoang hải sản.
Các cảng cá trên địa bàn tỉnh vì thế mỗi dịp tàu thuyền về đều nhộn nhịp cảnh vận chuyển, mua bán hải sản giữa ngư dân với thương lái. Những chuyến xe ô tô vận tải chở đầy hải sản lần lượt rời cảng cá, đến các kho cấp đông, hoặc cơ sở chế biến hải sản, làng nghề…
Tàu của anh Phan Văn Tài ở khối Hồng Hải, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) trong những tháng đầu năm nay đã có nhiều chuyến biển khai thác được hàng tấn hải sản có giá trị, thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Hải cho hay, tàu của anh thường đi 7 - 9 ngày/chuyến, do có kinh nghiệm trong nghề khai thác hải sản, nên hầu hết chuyến biển nào cũng có lãi. Có những chuyến đánh bắt được 4 - 5 tấn cá, sau khi trừ chi phí, anh em thuyền viên mỗi người được chia 5 - 6 triệu đồng.
Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu là nơi neo đậu của hàng trăm tàu thuyền công suất lớn sau mỗi chuyến biển. Tàu to, máy lớn, ngư dân đánh bắt bằng các nghề lưới vây, lưới chụp ở vùng biển khơi, nên hải sản thường có giá trị kinh tế cao: cá hố, mực, bạc má, nục, cá cơm… Có những con tàu mang về hàng tạ mực được phơi nắng khô ngay trên mạn tàu, trị giá hàng trăm nghìn đồng/kg.
Theo các chủ tàu, mực sau khi đánh bắt được, chọn những con to để phơi nắng, sau khi khô được xếp vào thùng. Mực được phơi ngoài biển là ngon nhất, nên có giá trị kinh tế cao, chuyến biển nào may mắn phơi khô được trên 1 tạ mực đã có gần 100 triệu đồng, chưa kể các loại hải sản khác.
Theo Ban Quản lý Cảng cá Lạch Quèn cho biết, trừ những chuyến biển không may gặp gió mùa, hay thời tiết bất lợi, tàu thuyền phải quay về bờ sớm, nên sản lượng đánh bắt thấp, còn lại những chuyến suôn sẻ, tàu nào cũng mang về ít nhất 3 - 4 tấn hải sản các loại, có những tàu may mắn đánh bắt được mẻ lưới trên 10 tấn cá, thu về hàng trăm triệu đồng chỉ trong 5 ngày. Tuy nhiên, chi phí của mỗi chuyến biển cũng cao: Nhiên liệu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm…. và trả tiền lao động.
Cảng cá Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu hầu hết trưa nào cũng nhộn nhịp tàu thuyền, người, xe ra, vào mua cá, đặc biệt là vận chuyển những khay mực, tôm tít, ghẹ… tươi rói từ thuyền lên bờ để bán cho được giá. Anh Trần Đức Giang - ngư dân xã Diễn Ngọc phấn khởi cho biết: Mùa nào thứ đó, thuyền khai thác vùng biển cách bờ khoảng 25 hải lý, thời gian đánh bắt chỉ trong một đêm, dù sản lượng không nhiều, nhưng được cái tươi ngon, không bảo quản đá lạnh, nên được thị trường ưa chuộng, nhất là vào mùa du lịch.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Hiện xã Diễn Ngọc có hơn 252 tàu thuyền lớn, nhỏ, chủ yếu khai thác các loại hải sản gần bờ, sản phẩm phần lớn cá cơm, mực, tôm, cua, ghẹ... Bình quân mỗi ngày đạt trên dưới 100 tấn hải sản các loại, trong đó một phần thương lái bán tươi tại các chợ nông thôn, riêng vào mùa đánh bắt cá cơm, được các tư thương đến tận cảng cá mua về lò hấp và phơi làm cá khô, hoặc chế biến nước mắm.
Dọc bờ biển của huyện Diễn Châu, hàng ngày ngư dân các xã: Diễn Thành, Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Hải… ngoài đánh bắt bằng tàu thuyền, còn sử dụng bè mảng đánh bắt cá trích, sứa, moi… thu về hàng chục tấn/ngày. Dù sản lượng không cao lắm, nhưng các loại hải sản này tươi sống, được thị trường tiêu thụ mạnh để chế biến ra các món ăn ngon phục vụ mùa du lịch.
Đánh bắt gần 107 nghìn tấn hải sản
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trong điều kiện giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao, nguồn lợi thủy sản suy giảm, tình trạng thiếu lao động đi biển tại các địa phương… nhưng bà con ngư dân trên địa bàn Nghệ An tích cực bám biển.
Theo số liệu của Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư cho biết, 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản đạt gần 107 nghìn tấn/kế hoạch 188.000 tấn, đạt 56,9% so với kế hoạch năm, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị kinh tế hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 36.479 tấn/kế hoạch 70.000 tấn, đạt 52,11% so với kế hoạch năm, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi ngọt hơn 30 nghìn tấn; nuôi mặn, lợ 6.317 tấn.
Nghệ An hiện có 3.624 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký, có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên là 2.727 chiếc. Tổng số lao động khai thác hải sản toàn tỉnh hơn 11 nghìn người. Trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 7.460 người, vùng lộng là 1.904 người, vùng bờ là 1.729 người. Ngư dân Nghệ An đánh bắt hải chủ yếu bằng các nghề: Lưới chụp, lưới kéo, lưới vây, pha xúc, câu…
Công tác hậu cần nghề cá tại các địa phương vùng ven biển luôn đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Theo đó, toàn tỉnh có 88 cơ sở cung ứng nhiên liệu phục vụ trực tiếp cho các tàu cá với tổng công suất cung cấp tối đa 40.497 lít/giờ; 111 cơ sở sản xuất đá lạnh lớn nhỏ, có tổng công suất thiết kế tối đa 1.221 tấn/ngày; 48 cơ sở ngư lưới cụ; 42 cơ sở dịch vụ máy thủy; 172 cơ sở kho đông lạnh tổng thể tích khoảng 16.430 m3, sức chứa tối đa 15.000 tấn. Có 266 cơ sở chế biến hải sản nhỏ lẻ, 03 cơ sở được đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, 05 đơn vị chế biến nước mắm truyền thống, 10 làng nghề tham gia thu mua sản phẩm để chế biến nước mắm, làm mắm các loại, hấp phơi khô.../.
Theo số liệu của Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư Nghệ An