Ngư dân Nghệ An nợ nần chồng chất vì 'tàu 67'

Xuân Hoàng 10/04/2023 08:48

(Baonghean.vn) - Qua 5 năm đưa tàu vào khai thác hải sản xa bờ đối với đội tàu mang tên 67 của ngư dân Nghệ An cho thấy, bên cạnh một số tàu làm ăn hiệu quả, trả nợ đúng hạn thì phần lớn hoạt động kém hiệu quả, nợ nần chồng chất, phía ngân hàng thì ôm khoản nợ xấu khó đòi.

Nhiều khó khăn, bất cập

Khi chúng tôi có mặt tại khu vực cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu), thấy một loạt tàu to, máy lớn đậu san sát. Theo bà con ngư dân cho biết, trong số đó phần lớn là tàu 67 nằm bờ lâu nay.

Những con tàu mang tên 67 của Nghệ An được đóng bằng vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Hồ Đình Việt ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu), chủ tàu 67 biển kiểm soát NA 97777 TS cho biết, tàu cá của anh có công suất máy 818 CV, đánh bắt bằng nghề lưới vây, được đầu tư đóng mới với số vốn 8,9 tỷ đồng, trong đó vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Quỳnh Lưu 6,5 tỷ đồng theo chương trình của Nghị định 67. Sau vài năm đầu hoạt động khai thác hải sản, anh Việt đã trả nợ được 1,7 tỷ đồng cho ngân hàng.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, vì nhiều nguyên nhân, con tàu 67 của anh Việt hoạt động hiệu quả thấp dần, càng đi biển càng thua lỗ. Từ năm 2020 đến nay tàu nằm bờ liên tục, không có tiền để trả nợ ngân hàng.

Tàu cá NA 97777 TS của ngư dân Hồ Đình Việt ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu hoạt động không hiệu quả, không có tiền trả ngân hàng. Ảnh: Xuân Hoàng

“Có thời điểm tôi thuê người đi biển, mong vớt vát ít tiền để trả nợ, nhưng chuyến nào cũng thua lỗ, nhất là khi giá xăng dầu lên cao, buộc tàu phải nằm bờ một thời gian dài. Tôi cũng rất muốn trả nợ đúng hạn, nhưng do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, chi phí cao, tàu ra khơi bị lỗ nên rất khó khăn, giờ chưa biết tính sao. Hiện phía ngân hàng đã khởi kiện ra tòa án. Mong muốn của tôi là sớm thanh lý được con tàu để giảm khoản nợ lớn đeo bám lâu nay, vì tàu neo đậu lâu ngày sẽ bị xuống cấp, giảm giá trị”, anh Việt chia sẻ.

Hiện nay trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai có nhiều ngư dân đang trong tình cảnh như anh Việt. Điển hình như các chủ tàu Hồ Sỹ Lộc, Nguyễn Thái Sơn, Đậu Đình Kham (thị xã Hoàng Mai) mỗi người dư nợ từ 8 - 9 tỷ đồng; đặc biệt ngư dân Ngô Trí Đông ở huyện Diễn Châu nợ hơn 19 tỷ đồng… Đó quả là số nợ khổng lồ đối với bà con ngư dân.

Ông Phan Đình Thông – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Lưu cho hay: Trong số 22 chủ tàu 67 vay vốn của chi nhánh đến nay có 1 chủ tàu đã tất toán; còn lại 21 chủ tàu, thì có tới hơn một nửa là nợ xấu. Do vậy, nếu ngư dân không trả nợ, ngân hàng buộc phải khởi kiện ra tòa để thu hồi vốn.

“Trách nhiệm của khách hàng là phải tìm nguồn để trả nợ theo cam kết. Trường hợp ngân hàng đã đôn đốc mà khách hàng vẫn không trả nợ thì bắt buộc phía ngân hàng phải khởi kiện để thu hồi nợ. Khi đã khởi kiện thì phía khách hàng cần hợp tác với ngân hàng và tòa án để sớm thanh lý tàu, nhằm hạn chế tình trạng tàu thuyền xuống cấp, giảm giá trị”

Ông Phan Đình Thông - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Nghệ An, tính đến tháng 3/2023, trong số 104 tàu 67 thì số tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết là 4 tàu (chiếm 3,85%), dư nợ 28,677 tỷ đồng. Số tàu chuyển thành nợ xấu có 63 tàu (chiếm 60,57%) với tổng nợ xấu là 415,258 tỷ đồng, chiếm 74,32% tổng số dư nợ vay theo Nghị định 67.

Trong tổng số 63 tàu thuộc nhóm nợ xấu, có 30 tàu do không trả được nợ vay cũng như vi phạm các quy định tại hợp đồng tín dụng đã bị các ngân hàng khởi kiện hoặc cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thu hồi vốn cho ngân hàng. Trong đó có 10 tàu đã đấu giá thành công. Tuy nhiên, việc đấu giá cũng khó khăn và bị giảm giá mạnh, có những tàu giảm tới 80% so với giá đóng mới, khiến chủ tàu thiệt đơn, thiệt kép.

Băn khoăn bảo hiểm

Một vấn đề khiến nhiều chủ tàu 67 bức xúc, thất vọng nữa là, sau khi mua bảo hiểm để ra khơi hoạt động, không may tàu gặp rủi ro, nhưng phía công ty bảo hiểm lại gây khó dễ, khiến chủ tàu phải kiện ra tòa án.

Ngư dân Phạm Văn Công ở thôn Thành Công, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, chủ con tàu 67 biển kiểm soát NA 97768 TS cho hay, do cuối năm 2019, Công ty Bảo hiểm JPICO dừng bán bảo hiểm cho tàu cá 67, nên đầu năm 2022 ông chuyển sang mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm BSH (Công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội). Đến tháng 6/2022, đang trong quá trình đánh bắt ở vùng biển xa thì tàu 67 của ông Công không may gặp nạn, bị chìm, ông Công và các thuyền viên thoát chết nhờ có tàu bạn đến cứu hộ kịp thời.

Ngư dân cho biết, nguyên nhân hàng chục tàu 67 hoạt động không hiệu quả một phần do ngư trường ngày càng khó khăn. Ảnh: Xuân Hoàng

Vụ tàu ông Công bị chìm đã được cơ quan chức năng điều tra, xác nhận rõ ràng. Thế nhưng khi làm hồ sơ đề nghị bảo hiểm bồi thường thì phía công ty bảo hiểm vẫn từ chối với nhiều lý do (mà ông Công cho là phía công ty bảo hiểm “cố tình gây khó dễ”). Không còn cách nào khác, ông Công phải nhờ tới luật sư và kiện ra tòa án.

“Trình độ của bà con ngư dân như chúng tôi có hạn, nên phải nhờ đến luật sư hỗ trợ. Trường hợp khi ra tòa vẫn không được chấp nhận, thì chúng tôi coi như mất không con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng và ôm nợ ngân hàng hơn 5 tỷ đồng”, ông Phạm Văn Công lo lắng bày tỏ.

Đại diện Công ty Bảo hiểm BSH Chi nhánh Nghệ An cho biết, trường hợp chủ tàu 67 - ông Phạm Văn Công, phía công ty đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị bồi thường và công ty đã có văn bản trả lời nêu những lý do không được bồi thường; đó là: Tàu cá 67 của ông Công bị chìm là do nước vào buồng máy nhiều thông qua các vết nứt/rách trên các mạch gỗ hai bên mạn tàu và đáy tàu có từ trước đó. Khi gặp thời tiết xấu, sóng biển đánh mạnh, làm cho các vết nứt/rách này lớn hơn, khiến nước vào nhanh hơn. Tàu không được bố trí đầy đủ chức danh và không đủ định biên thuyền viên an toàn tối thiểu theo quy định...

Không những Bảo hiểm BSH, mà trước đó nhiều tàu cá 67 của ngư dân sau khi mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm JPICO cũng đã phải kiện ra tòa án. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến thời điểm tháng 3/2023, có 12 tàu đóng mới theo Nghị định số 67 gặp phải rủi ro (cháy, chìm) trong quá trình tham gia khai thác thủy sản. Trong đó, 8 tàu đã được Công ty Bảo hiểm JPICO bồi thường, 4 tàu còn lại (dư nợ 27,548 tỷ đồng) đang chờ cơ quan bảo hiểm xem xét xử lý bồi thường khi đủ điều kiện theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lê – Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Chi nhánh Nghệ An cho biết, những năm qua, công ty đã giải quyết cho nhiều chủ tàu 67 bị rủi ro theo đúng quy định. Nguyên nhân 4 tàu bị cháy, chìm chưa được bồi thường là do chưa đủ cơ sở pháp lý để bồi thường.

“Các trường hợp bị từ chối bồi thường, công ty căn cứ theo kết quả điều tra, xác minh của đơn vị giám định độc lập, chứ công ty không tự ý đưa lý do từ chối bồi thường mà không có cơ sở. Sau khi ra tòa, chúng tôi sẽ theo phán quyết của tòa án để thực hiện”

Ông Nguyễn Văn Lê - Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Chi nhánh Nghệ An

Quan điểm ngân hàng

Đem vấn đề chủ tàu 67 mang nợ ngân hàng lên trao đổi với ngành ngân hàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Nghệ An cho rằng, quan điểm chỉ đạo xử lý thống nhất của NHNN Chi nhánh Nghệ An trong suốt những năm qua đó là: Đối với nhóm ngư dân gặp khó khăn do các nguyên nhân khách quan trong quá trình khai thác, đánh bắt như do thiên tai, dịch bệnh… nhưng có thiện chí trả nợ, ngành ngân hàng mà trực tiếp là các ngân hàng cho vay sẽ tạo mọi điều kiện trong khả năng để hỗ trợ ngư dân khắc phục khó khăn, tạo nguồn thu để trả nợ.

Ngư dân bốc dỡ hải sản sau đánh bắt tại cảng cá Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát, phân loại các chủ tàu, qua đó có các giải pháp hỗ trợ, xử lý thích hợp. Đối với các trường hợp chủ tàu cố tình chây ì không trả nợ, NHNN Chi nhánh Nghệ An chỉ đạo các ngân hàng phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật như khởi kiện ra tòa án, xử lý tài sản đảm bảo…

Một thực tế là, việc khởi kiện các trường hợp chây ì trả nợ tàu 67 gặp không ít khó khăn do quá trình khởi kiện kéo dài, việc thi hành án cũng như bán đấu giá tàu mất rất nhiều thời gian, công sức. Chưa kể, nếu tàu cá nằm bờ quá lâu sẽ giảm giá trị rất nhiều, đồng thời phát sinh nhiều chi phí bảo quản, bảo dưỡng, ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi nợ của các ngân hàng.

Về nguyên nhân số tàu đóng mới theo Nghị định 67 làm ăn không hiệu quả, trả nợ không đúng tiến độ, theo nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ cuối năm 2019 đến nay nguồn lợi thủy sản suy giảm đáng kể, các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao ngày càng suy giảm. Bên cạnh đó, thiếu nguồn lao động nghề biển và giá xăng dầu tăng cao; các tàu cá đã tham gia hoạt động khai thác từ 7 - 8 năm, vỏ tàu (đặc biệt các tàu vỏ thép), máy tàu, trang thiết bị… xuống cấp, hư hỏng cần phải sửa chữa, bảo dưỡng cần chi phí lớn.

Ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, các ngân hàng thương mại cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 cần xem xét thay đổi cách thức tính tiền trả nợ cho ngư dân trong giai đoạn khó khăn. Đối với việc khởi kiện ra tòa án, cần xem xét một cách thận trọng nguyên nhân nợ đọng (nhất là đối với các chủ tàu đang gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan), cũng như tạo điều kiện để tàu 67 ra khơi tạo thu nhập và nguồn trả nợ cho chủ tàu.

Thực hiện chính sách đóng tàu theo Nghị định 67/CP, trên địa bàn Nghệ An đã triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ phát triển thủy sản đóng mới 104 tàu cá, với tổng số tiền đã giải ngân là gần 856 tỷ đồng. Trong đó, 9 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ composit và 90 tàu vỏ gỗ, với tổng công suất máy chính theo thiết kế là 83.832 CV.

Mới nhất
x
Ngư dân Nghệ An nợ nần chồng chất vì 'tàu 67'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO