Ngư Hải, bình yên một góc phố
(Baonghean) - Ừ nhỉ, có nên gọi nó là một con đường, hay gọi nó là một lối nhỏ thẳng tắp và xanh mướt yên bình? Một lối nhỏ được kiến tạo dưới hai hàng cây, để cho ai đi qua cũng muốn chậm rãi, vừa đi vừa hít thở mùi hương đang nồng nàn từ hoa, từ thân vỏ xù xì, từ thứ nhựa sống ứa ra sau cơn mưa đang gửi đi trong gió, khi những giọt nắng yếu ớt thận trọng đậu trên những cành lá xôn xao. Tôi vẫn thường khe khẽ cất lên bài hát ấy, và tự hỏi một câu hỏi mơ hồ, lãng đãng: Phải chăng, cái con đường phượng bay ở Huế giống như con phố Ngư Hải này: “Hàng cây lá xanh gần với nhau”?
Có lẽ vậy, cái con đường phượng bay thơ mộng và trầm mặc nào đó đã hiện hữu ở phố Vinh của tôi. Đã có ai giật mình gọi tôi giữa phố “Sao mà lạc về đây?”. Đây đâu phải con đường về nhà tôi, đây cũng chẳng phải là nơi có thể mua sắm hay vui chơi gì? Sao tôi lại “lạc” về đây nhỉ? Mà sao bạn nữa, bạn cũng “lạc” về đây? Có phải, bạn cũng như tôi, đang tìm một cõi trầm tĩnh, tư lự mỗi khi thấy phố xá ngoài kia thật đông, thật chật, thật vội? Có phải bạn cũng như tôi, đang đi mà để hồn vương vấn trên những tán xanh đang ríu rít tiếng chim kia. Nào là xà cừ, bằng lăng, phượng vĩ, keo lá tràm, trứng cá, hoa sữa, cả xoài, sung, lội, bàng, me, bồ kết… nữa. Bao nhiêu là cây, bao nhiêu là hoa. Đếm mãi mà không hết. Cứ vài bước chân là lại có cây, đều đặn vươn xanh, tỏa bóng. Cây cau cảnh, cây xoài đứng thẳng, nghiêm trang bên cây me lòa xòa. Có cô nàng trứng cá mảnh khảnh, nghiêng nghiêng, những cánh tay xanh xao đón mưa. Một anh chàng phượng vĩ chừng như đang luyến nhớ sự nồng nàn mùa hạ, khẽ khàng thả theo gió những bụi lá li ti sắc vàng. Hoa sữa lại khác, thích mùa thu nhất. Có phải như ai đó đã viết: “Bởi hết mình thơm nên xấu đến ngậm ngùi”, nên hoa sữa lúc nào cũng lặng lẽ. Chỉ chờ đêm về mới dám xòe rộng những cánh hoa màu trắng xanh để nói với những mái phố đã bắt đầu rêu phong rằng mình yêu phố, yêu người lắm lắm.
Đường Ngư Hải (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà |
Từ số nhà 72, gióng sang bên kia, có một đôi bạn, dường như thắm thiết lắm một mối cảm tình. Ấy là bằng lăng và lội. Những cành lá trên cao vươn qua đường, chạm vào nhau mà xôn xao trò chuyện: “Sao chúng ta không được đứng cùng nhau một phía nhỉ?” Tầng 3 nhà ai, cây tràm xòa tận cửa sổ. Tràm sợ nhất mùa đông, nên dường như nó muốn than thở với bức tường nhà: “Tôi muốn vào bên trong ấm áp kia biết mấy!”
Mỗi cái cây đứng bên con đường này đang thầm thì kể một câu chuyện về phố, về mái nhà và những con người qua lại mỗi ngày. Chúng mọc rễ trong lòng phố, từng thớ gỗ căng mình đón nguồn nhựa ấm nóng để xanh lên, dâng tặng cho người một bóng mát. Này, người bạn lạc, sao còn đứng mãi đó ngẩn ngơ? Cùng nhau rẽ một quán nào đó nhé? Bánh nếp, bánh gói nổi tiếng ở Đặng Tất nhé? Ngay lối rẽ này thôi, chỗ cây sung mà thân còn đang trĩu trịt quả kia kìa. Muốn ăn chi trên chính con đường này hả? Thế thì bánh khoai nhé? Có một cô bán bánh khoai-bánh nếp tôm đang ngồi một góc dưới bóng cây vông cạnh căn nhà đánh số 21. Cô ấy ngả chiếc đòn gánh xuống, lúi húi đặt cái chảo mỡ trên cái bếp than rừng rực lửa. Thế là vỉa hè bỗng chốc xôn xao. Hay thôi, đi tìm quán nước chè? Đi một dọc quanh phố, nhìn vào tất tật những cửa hiệu. Phố này, toàn những cửa hiệu nhỏ nhắn. Mà cũng lạ thật, không có cái gì đặc trưng, nhưng thứ gì cũng có.Từ cửa hàng kính thuốc Sài Gòn nhấp nháy biển hiệu điện tử đỏ xanh, hiệu nhận giặt khô, là hơi, nhà may, quầy mỹ phẩm, những cửa hàng tạp hóa, tiệm vàng Ngọc Quý, lên đến gần phía trên có một cửa hàng trước đây bán hoa lụa, quán karaoke, đến gần đường Lê Mao phía Ngã Sáu thì có cả cửa hàng bún phở, in phun cỡ lớn, bán bảo hiểm ô tô, xe máy... Thôi thì đủ cả, tất tần tật. Chỉ là không đông đúc, không nhộn nhịp mà thôi.
Thế rồi, vòng chầm chậm đến mấy lần, ngắm cây, ngắm phố để nhìn thấy cái quán nước chè cũ kỹ và nâu xỉn dưới những tán cây xoài, cây lội, bên cạnh căn nhà đánh số 39. Có lẽ, đây là cái quán còn giữ nguyên vẹn nếp cũ, nếp quê giữa thành phố trẻ với nhịp sống mới sôi động từng ngày, giữa vồn vã bán mua của những cung đường tấp nập xung quanh. Dăm ba mét vuông, vách tường tróc lở, mái liếp đã cũ, bộ bàn và hai chiếc ghế dài to, chắc, thủng lỗ chỗ và bóng màu thời gian, trên bàn bày kẹo lạc, kẹo vừng, cu đơ, mấy chai nước ngọt, đĩa chuối tiêu, đĩa ổi, bên trên là một loạt móc treo toòng teng những gói bánh khô, áo mưa tiện lợi và một nải chuối đang ngả vàng. Bà chủ quán, dở nhát chổi quét lá cây rụng xuống vỉa hè, thong thả trở vào, rót cho khách bát nước chè sóng sánh ánh vàng. “Các cô hỏi ai đó? À, về con đường này sao?”. Và câu chuyện, vẫn thong thả như dáng dấp bất cứ cư dân nào của phố Ngư Hải, mà lần lượt trở về: từ xưa tới nay... Tôi về con phố này từ những năm tám mấy. Hai vợ chồng tui cùng người Đô Lương, làm công nhân bưu điện. Dọc đầu con đường này, ngày ấy là dãy cửa hàng ăn, rồi đến công ty may mặc, sau này mới bán lại cho Công ty hàng hải Bắc Trung Bộ một khoảnh đó. Năm 1992-1993, khi hai vợ chồng tui về hưu, tui bày quán nước chè, cũng là khi người ta trồng hai hàng cây dọc đường. Tui nhớ là sau khi Đại hội tỉnh đảng bộ khóa 3, thành phố có quy hoạch lại một loạt đường sá. Người ta định trồng lội trước cửa nhà, tui có nói đổi một số sang trồng xoài...
Nhấp vị chè xanh trong những chiếc bát sứ cũ, có cảm giác như nó có từ thời cái quán nhỏ này của bà chủ Nguyễn Thị Minh mới mở ra. Ông Lê Hồng Khuyên, chồng bà Minh cũng từ nhà ra, góp chuyện. “Thời Pháp, con đường này quy hoạch rộng lắm. Nó chạy suốt qua cả đường Đặng Thái Thân để lên với Nam Đàn. Đây chính là cổng Đệ Nhị của Thị xã Vinh xưa. Cái khu vực này cũng thuộc phía sau Hội trường Ba- rắc. Trước đây, cỏ cây mọc um tùm lắm. Đường Pháp làm ngày xưa là đường đá hộc. Sau này, khi quy hoạch lại, được rải nhựa cấp phối, rồi thu hẹp như bây giờ. Nhưng dẫu có hẹp, thì nó vẫn đẹp nhất bởi hàng cây. Nói không ngoa, chớ đường ni đẹp, sạch, mát nhất thành phố. Mọi gia đình, từ đầu đến cuối đường, hầu như ai cũng biết nhau. Khi vui, buồn, dưới những bóng cây, gọi nhau là có mặt. Mà ai cũng có ý thức, sáng mai ra mà xem, cả khu phố nhiều tiếng chổi quét rác lắm.
Đường lắm cây, nên lắm lá, nhất là mùa thu. Rồi chiều về, đã thành thói quen, lại quét, lại tưới nước. Có lẽ yêu cây, nên cây cũng yêu lại người. Mùa hè, nhiều người không đi lối Trần Phú mô, họ vòng đường này mà đi làm, đi học. Cây rợp tối cả đường. Nếu mà cây không bị chặt, bị đổ sau bão thì ánh nắng đố mà len xuống được mặt đường”. Ông Khuyên vừa nói, vừa ngẫm ngợi, ánh mắt nhìn hút những tán xanh. “Tui mở quán nhỏ này, chỉ để hai vợ chồng già ngắm người, ngắm phố cho khuây, lời lãi chỉ được bó rau mỗi ngày thôi. Không ra mở quán, là thấy buồn, thấy vắng. Cũng có những người cứ thích đến quán tui ngồi. Họ nói, tìm khắp thành phố này, còn cái nét quê nơi đây. Cả mấy chị quét rác ca ngày, ca đêm cũng qua chào ông bà rồi làm bát nước. Bàn ghế ni tui đóng từ ngày mở quán. Tui cũng thạo tay mộc mà. Phố không sầm uất, không có điểm hội tụ lại đâm hợp với người già, dân công chức ở đây. ”
Ông Khuyên hồi tưởng về con đường ngày xưa. |
Ông Khuyên nhất định không nhận tiền chúng tôi trả cho bát nước chè. Ông nói, đến đây uống nước, chuyện trò, là thấy vui rồi. Bà Minh thi thoảng lại ra quét đôi ba cái lá rụng. Ông Khuyên nói: “Bà ấy quen tay rồi. Chổi lúc nào cũng để sẵn dưới gốc xoài. Mỗi cây, mỗi tính, mỗi nết. Đúng là qua đây biết cả bốn mùa…”. Ông nói với chúng tôi hay nói với chính mình, hay nói với hàng cây, với con đường gắn bó với gia đình ông gần 30 năm nay? Những đứa con ông đã lớn lên với những mùa bàng, mùa xoài, mùa hoa sữa ngan ngát nơi đây. Lớn lên với tiếng những quả bồ kết khô va vào nhau xào xạc suốt đêm đông giá. Cái cây bồ kết ấy cũng thật lạ. Mướt xanh là thế trong những ngày nắng nôi, mà rất nhanh, khi đến mùa đông chỉ còn những chùm quả khô đung đưa trong gió bấc.
Buổi chiều dường như cũng qua con phố này đầy chậm rãi. Chúng tôi, cũng thế, yên lặng đi bên nhau bên vỉa hè lát gạch lỗ chỗ xanh và nâu. Không hiểu vì sao, mà con phố này lại khiến con người ta nhớ về thơ nhiều đến vậy? Bạn quay sang hỏi: Này, có phải Nguyễn Bính, cũng đã từng đi trên một con đường như thế này, mà viết: “Tôi đi ngửa mặt trên hè vắng/ Xem những cành cây nó cưới nhau” không nhỉ? Có thể lắm, con đường này là con đường của thơ, của nhạc, hay chí ít nó chính là nỗi nhớ của những người đã một lần qua…
Ngư Hải là tên hiệu của nhà chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân, người xã Nghi Phong, Nghi Lộc (Nghệ An). Năm 1904, ông cùng cụ Phan Bội Châu và một số nhà yêu nước khác lập ra hội Duy Tân, khởi xướng phong trào Đông du. Năm 1908, ông bị giặc Pháp bao vây, biết rằng sẽ khó thoát, ông tự sát sau khi bắn chết tên tay sai Một Độ và hủy hết tài liệu bí mật. Thực dân Pháp cho kéo lê thi thể ông từ huyện Nghi Lộc về TP.Vinh. Khâm phục ý chí kiên cường và đức hy sinh cao cả của Đặng Thái Thân nên nhân dân đã bí mật an táng ông ở TP.Vinh. Về sau, cụ Phan Bội Châu di chuyển hài cốt của ông về chôn cất ở quê vợ tại cánh đồng Bầu Nón, làng Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn). |
Thùy Vinh