Người bồi đắp tình yêu lịch sử
(Baonghean) - Cô giáo Nguyễn Thị Hảo (Trường THPT Đô Lương II) luôn xem dạy môn Lịch sử chính là cách đưa con người tìm về với cội nguồn để sống trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước trong hiện tại và tương lai. Để hoàn thành sứ mệnh đó, cô đã không ngừng học hỏi kiến thức, sưu tầm tư liệu, giúp các thế hệ học trò thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hảo. |
Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh năm 2000, cô giáo Nguyễn Thị Hảo về giảng dạy ở Anh Sơn, sau chuyển về Trường THPT Đô Lương II từ năm 2005. Dù công tác bất kỳ nơi nào, cô luôn xác định nếu muốn học sinh yêu thích môn Lịch sử giáo viên cần gieo vào các em sự hào hứng, đam mê và cần gắn các mốc lịch sử dân tộc với các sự kiện của quê hương. Với ý nghĩa đó, cô luôn tìm tòi học hỏi từ những nhà sử học trên địa bàn, để hiểu thêm các di chỉ, các dấu tích lịch sử trên mảnh đất Đô Lương nơi từng xuất hiện người Việt cổ xưa. Cùng đó, cô tăng cường sưu tầm những tài liệu về đất và người “xứ Lường” để trau dồi thêm vốn kiến thức và làm giàu thêm tư liệu về địa phương và đưa những chất liệu đó vào những tiết dạy của mình.
Chính những tìm tòi, liên hệ lịch sử đó, nên trong mỗi giờ lên lớp cô Hảo luôn mang đến cho học sinh nhiều kiến thức lịch sử lý thú, bổ ích. Vì vậy, trong khi nhiều nơi có hiện tượng học sinh quay lưng với bộ môn Lịch sử, thì ở Trường THPT Đô Lương II có tỷ lệ học sinh yêu và chọn Lịch sử để dự thi vào các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp đứng tốp đầu của huyện. Năm học qua, trường có 3 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, tỷ lệ đậu đại học vào các trường có chuyên ngành Lịch sử đạt 80% thí sinh nhà trường đi dự thi.
Gần 10 năm qua, cô Nguyễn Thị Hảo đảm nhận giáo viên chủ nhiệm. Đây cũng là “cơ hội” để cô có nhiều thời gian gần với các học sinh để nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó điều chỉnh bài dạy cho phù hợp. Mỗi khi có khó khăn trong cuộc sống cũng như trong học tập, học sinh đều tìm đến cô để tâm sự, chia sẻ và nhờ cô “gỡ rối”. Những thời gian rỗi, cô còn giúp học sinh học tốt các môn học khác. Khi nhận thấy em nào yếu môn gì, cô nhờ giáo viên bộ môn đó kèm cặp rồi theo dõi cho đến khi tiến bộ. Còn với học sinh khá, giỏi, cô tìm cách khuyến khích các em phát triển năng khiếu thuận lợi, từ đó đạt được kết quả cao nhất. Nhờ thế mà mỗi lớp cô Hảo chủ nhiệm luôn có tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, đỗ đại học cao và không có em nào trượt tốt nghiệp.
Học trò cũ Hoàng Tiến Phước giờ đã thành đạt nhưng luôn ghi nhớ sự dìu dắt, giúp đỡ như người thân của cô Hảo. Những ngày tháng đi học, do nhà nghèo nên Phước không có chế độ bồi dưỡng ăn uống đầy đủ như các bạn, vì thế trong suốt thời gian ôn thi đại học, cô thường đến nhà động viên, lúc thì vài dây sữa, khi thì cân hoa quả để em có thêm sức khỏe học tập, vươn lên. Còn nữa là các học trò Lê Thị Tân Mùi, Nguyễn Thị Linh Chi, Lê Đức Hào... giờ cũng đã thành đạt ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng các em luôn có chung những tình cảm trân trọng, quý mến, biết ơn đối với cô giáo Hảo.
Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm, Tổ trưởng tổ chuyên môn, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm giúp dạy và học tốt môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Hảo còn là tấm gương về nhân cách nhà giáo, tận tụy trong sự nghiệp trồng người và hòa đồng, mẫu mực trong cuộc sống thường ngày.
Thanh Nga