Người cán bộ "miệng nói, tay làm"
(Baonghean) - Ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, người dân bản Na Phày tin tưởng, mến phục nói về ông Lô Thanh Bình, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp kiêm Trưởng bản là người cán bộ “miệng nói tay làm”.
Năm nay 60 tuổi, ông Lô Thanh Bình có thâm niên hơn 15 năm làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Mường Nọc và 6 năm liền đảm nhiệm vai trò Trưởng bản Na Phày. Ông kiệm lời khi nói về bản thân mình, nhưng khi nhắc đến thời tuổi trẻ trong quân ngũ, câu chuyện hào hứng hẳn lên. “Năm 18 tuổi, tôi tình nguyện viết đơn gia nhập quân ngũ. Tiếp đó là đằng đẵng hành quân trên các chiến trường… Hết chiến tranh, tôi trở về làm quân nhân chuyên nghiệp ở Xưởng đại tu ô tô 46 thuộc Quân khu IV. Năm 1984, chuyển ngành về ngành lương thực huyện Quế Phong đến năm 2006 thì về hưu. Tôi vẫn thường đùa với mọi người, là mấy chục năm làm lính Cụ Hồ, rồi thành “lính” lương thực, tức là đi đâu, làm gì, tôi vẫn không quên được chất lính đã chảy trong huyết quản”- ông Lô Thanh Bình chia sẻ.
Ông Lô Thanh Bình kiểm tra nấm rơm. |
Sau khi về hưu, ông được bà con Na Phày bầu làm trưởng bản. Bản Na Phày có 153 hộ, 680 khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Thái, thời điểm bấy giờ, bản có đến 64 hộ nghèo. Ông trăn trở, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ bà con nâng cao chất lượng cuộc sống trên nhiều lĩnh vực, nghĩa là đã cho “xâu cá” thường nhật, nhưng về lâu dài, làm thế nào để bà con nhận ra phải có “cần câu” để tự lực cánh sinh? Thế là, cùng với đảng ủy, chính quyền địa phương, ông tích cực tìm hiểu, nhận các mô hình kinh tế như trồng trọt, chăn nuôi… về để bà con làm và nhân rộng. Ngay như mô hình trồng giống mía sạch bệnh, hướng chuyển đổi đất vườn, đất cưỡng không hiệu quả được xã triển khai, gia đình ông cũng là một trong những hộ đi đầu. Ông nhớ lại thời điểm khi triển khai mô hình, bà con dân bản không ai tin là cây mía đứng vững được trên đồng đất khô cằn, kém dinh dưỡng nơi này. “Khi đi tuyên truyền, vận động, bà con bảo, không làm được, không ai làm theo đâu mà. Tôi nghĩ, nếu tuyên truyền không hiệu quả thì mình phải làm thử, thành công thì bà con sẽ tin theo thôi.”- ông Lô Thanh Bình chia sẻ.
Thời gian và tâm huyết của người cán bộ cơ sở ấy đã làm đổi thay nhận thức của đồng bào bản Na Phày. Trên 1,6 ha đồng đất cưỡng của gia đình ông đã xanh lên cây mía sạch bệnh, cho thu nhập ổn định. Bà con thấy thế, tích cực làm theo, nay, toàn bản có hơn 8 ha chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng mía. Sự lan tỏa của người cán bộ “miệng nói, tay làm” ấy còn thể hiện ở nhiều mô hình kinh tế khác, như mô hình trồng nấm rơm, được xem là nghề phụ, nhưng cho thu nhập chủ lực ở bản Na Phày. Thời điểm phát động bà con trồng nấm rơm, ông Lô Thanh Bình có thêm lợi thế là đã đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Mường Nọc, nên có điều kiện để tiếp cận nhiều với tiến bộ KHKT và các chương trình, dự án. Câu chuyện trồng nấm rơm cũng để lại bao nỗi niềm trong tâm sự của người cán bộ đầy tâm huyết, với bao ngày đêm thức khuya, dậy sớm làm thử để bà con tin theo; những nỗi buồn khi thử nghiệm hàng trăm bầu nấm không thành công bởi sai kỹ thuật; và cả niềm vui nhẹ nhõm khi nấm rơm nở trắng cả căn phòng ươm bầu, bà con tíu tít đến tham quan, học tập…
Ông bảo, trung bình mỗi hộ làm 300 bầu nấm, cho thu hoạch khoảng 1 tạ nấm, cứ thế gối vụ liên tục (một vụ kéo dài từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 năm sau), cho thu nhập mỗi năm khoảng 100 - 150 triệu đồng. Hiện, toàn bản có 18 hộ tham gia mô hình trồng nấm, song song cùng đó, các hộ chăn nuôi bò bản địa, trồng mía sạch bệnh… giúp đời sống kinh tế của bản được nâng lên rõ rệt, số hộ nghèo từ 64 hộ nay chỉ còn 28 hộ. Nhìn ánh mắt say sưa của người cán bộ tận tụy khi nói về chuyện bản, chuyện làng ấy, tôi tin, rồi đây, bản nhỏ của miền sơn cước này sẽ còn nhiều khởi sắc, đi lên…
Bài, ảnh: Phước Anh