Người CCB rộng tấm lòng
(Baonghean) - Ở bản người Thái, xóm Thái Quang, xã Châu Thái, Quỳ Hợp, nhiều gia đình xem CCB Lương Xuân Quỳ là tấm gương làm kinh tế giỏi, cũng là một ân nhân.
Năm 1994, rời quân ngũ trở về địa phương, trước cảnh gia đình, làng quê còn nghèo khó, ông Quỳ bắt tay vào làm kinh tế gia đình. Từ số tiền gia đình tích cóp từ trước, ông làm đơn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 100 triệu đồng và nhận lại 10 ha đất của Tổng đội TNXP III để làm kinh tế trang trại. Khi biết ông có ý định làm kinh tế, người thân khuyên ông tuổi đã cao đừng nên lam lũ nữa, số tiền lương đó cũng đủ cho hai ông bà sống thoải mái rồi. Thế nhưng, ý ông đã quyết. Với số vốn đó ông thuê người cải tạo đất đồi, thành lập trang trại, đào ao thả cá, mua trâu, bò và trồng rừng. Ông Quỳ chăm sóc vườn cây
Ban đầu, ông trồng xen canh cây hoa màu vừa giải quyết lương thực vừa làm thức ăn cho cá và gia súc. Do chưa có kinh nghiệm, năm đầu, trong đợt rét đậm, đàn trâu do thả rông chết mất 6 con, ao cá thì chết gần một nửa. Cựu chiến binh Lương Xuân Quỳ không nản chí, tiếp tục vay mượn bạn bè mua thêm một số gia súc và đầu tư làm chuồng nuôi nhốt, trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò, những đợt giá rét, 5 năm sau, ông đã trả hết số tiền vay ngân hàng và bạn bè. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 70 triệu đồng, số tài sản lên tới gần một tỷ đồng với đàn gia súc gần 30 con, 8 ha rừng chủ yếu keo tai tượng bắt đầu cho thu hoạch, và 1 ao thả cá diện tích hơn 1 ha cùng đàn gia cầm hàng nghìn con.
Ông Quỳ còn sẵn lòng giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Sau khi mô hình kinh tế trang trại của gia đình đi vào phát triển, ông đã cho một số hộ trong xóm vay vốn không lấy lãi, và hướng dẫn cho họ về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại của gia đình, ông Vi Văn Lượng kể: “Ngày trước, nhà tôi nghèo lắm. Con thì đông, không có việc làm, cuộc sống chủ yếu phát nương, làm rẫy và vào rừng lấy củi bán. Nhờ ông Quỳ cho gia đình mượn 3 con trâu để cày kéo và hướng dẫn cách trồng rừng, chăn nuôi đến nay gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và có số vốn kha khá”. Gia đình ông Lương Văn Hoạch cũng rất khó khăn. Vợ thì đau ốm liên miên, các con tuổi ăn tuổi lớn mà không có việc làm. Thấy vậy, ông Quỳ đã đến nhà bàn với gia đình nuôi gia cầm. Ông trực tiếp cho vay 10 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng trại, mua con giống. Đến nay, gia đình ông Lương Văn Hoạch đã hoàn trả số vốn, phát triển đàn gà lên gần 200 con. Còn rất nhiều gia đình nữa ở xóm Thái Quang được ông Quỳ giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình khó khăn phát triển kinh tế, ông Lương Xuân Quỳ còn tích cực đóng góp vào các quỹ phúc lợi của địa phương. Năm 2010, xóm Thái Quang đón nhận danh hiệu Làng văn hóa, ông đã cho xóm vay một số tiền và hỗ trợ 1 triệu đồng xây cổng làng, ông còn là Ủy viên BCH Hội CCB xã, Phó Chủ tịch Hội NCT xã Châu Thái, là đảng viên có nhiều đề xuất, tham mưu cho chi ủy, chi bộ xóm Thái Quang trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Khi hỏi động cơ nào để có được quyết tâm và việc làm như vậy, ông cười hiền: “Tôi chỉ làm theo lời Bác dạy!”.
Phùng Ngọc Thăng