Người đàn bà viết nhật ký chờ chồng
(Baonghean) - Chiến tranh đi qua đã lâu, nhiều đêm bà thao thức. đợi Các con ngủ say, bà ngồi viết nhật ký cho chồng. Nước mắt trông đợi và thương nhớ chảy dài trên má, ướt đẫm ngực áo. Hơn mấy chục năm qua, nhờ những trang nhật ký, bà đã vượt qua bao mất mát, đau thương...
(Baonghean) - Chiến tranh đi qua đã lâu, nhiều đêm bà thao thức. đợi Các con ngủ say, bà ngồi viết nhật ký cho chồng. Nước mắt trông đợi và thương nhớ chảy dài trên má, ướt đẫm ngực áo. Hơn mấy chục năm qua, nhờ những trang nhật ký, bà đã vượt qua bao mất mát, đau thương...
Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, TP. Vinh, thời gian như ngưng đọng lại, và người phụ nữ ấy - dược sĩ Hà Thị Tính (74 tuổi), vẫn chưa nguôi với những ký ức của một thời đã qua.
Bà Tính vẫn giữ thói quen viết nhật ký hàng ngày
Niềm vui "ngắn chẳng tày gang"
Dược sĩ Hà Thị Tính sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Bố và 2 anh trai đều là cán bộ tiền khởi nghĩa, bị địch giết vì đi theo cách mạng. Noi gương cha và anh, 16 tuổi bà xung phong tham gia đi dân công hoả tuyến. Năm 18 tuổi, Hà Thị Tính trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Chủ tịch xã Xuân An. Rồi gặp anh Trần Văn Minh (quê Nghệ An) ngày đó còn là cậu học sinh 18 tuổi, tình nguyện lên đường đi bộ đội. Tình yêu đến nhẹ nhàng nhưng bền chặt. Một đám cưới giản dị được tổ chức trong niềm hân hoan của gia đình, làng xóm. Cô dâu hưởng niềm hạnh phúc làm vợ được tuần lễ thì tiễn chồng ra chiến trường.
Bà Tính kể lại, chưa bao giờ bà được ở bên cạnh chồng trọn vẹn 1 tuần lễ. Ông Minh đi biền biệt, nhưng hễ dừng chân ở đâu, có thời gian là lại viết thư về cho vợ. Trong thư, ông Minh kể về những vùng đất mình đi qua, về đời sống của người lính, động viên vợ: "Em yêu thương của anh! Đằng đẵng 2 năm trời mà anh và em không nhận được lá thư nào, lòng anh như lửa đốt, trong hoàn cảnh cả nước đang chiến tranh… chúng ta đành phải tạm gác lại những giờ phút đầm ấm ấy để đưa nhiệm vụ của Tổ quốc, Đảng, nhân dân ta lên trên, tiêu diệt Mỹ - giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khi ấy gia đình ta lại đoàn viên sum họp một nhà... Anh rất tin ở em và mong em làm bằng được mọi điều như những người phụ nữ ba đảm đảng khác. Anh cũng xin hứa với em và các con trong mọi hoàn cảnh, công tác cũng như lập trường luôn hoàn thành tốt để xứng đáng là người chồng của em, người bố của các con...". (Trích thư ông Minh gửi vợ, ngày 10/6/1962).
Bà Tính nâng niu xem những lá thư của chồng là báu vật của riêng mình, nơi quê nhà thấp thỏm lo âu, chờ đợi, người vợ trẻ chỉ biết trải lòng mình lên trang viết: "Anh Minh! Trong bom rơi, đạn nổ ở chiến trường, những lúc có thể, anh lại tranh thủ cố gắng viết thư về cho vợ, cho con. Bao giờ cũng vậy, thư nào anh viết cũng động viên em cố gắng vượt qua mọi khó khăn vất vả để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ..." (Trích nhật ký)
Từ ngày lên đường nhập ngũ, ông Minh chỉ kịp về thăm nhà 2 lần vào năm 1961 và 1964. Năm 1964, trước khi được điều động chuyển sang công tác "đặc biệt" tại Thái Lan, ông được cấp trên cho phép về thăm vợ con, lần về thăm nhà mà bà không ngờ rằng, đó là lần cuối cùng mình còn được nhìn thấy mặt chồng.
Một ngày cuối Thu năm 1967, bà Tính nhận báo tử của chồng, bàng hoàng đau đớn đến tê dại: "Tôi không thể tin nổi, tôi vẫn cố nghĩ là anh ấy vẫn còn sống, biết đâu anh Minh đi tuyến Thái Lan, thời đó Đảng ta đang còn giữ bí mật nên phải có giấy báo tử sống để anh hoạt động thì sao? Từ đó, tôi không nhớ đã có bao nhiêu đêm mình ngồi viết nhật ký chờ chồng", bà kể lại. Bà cứ chờ đợi ông trở về với niềm tin như thế cho đến năm 1984, tình cờ gặp lại người đồng đội cũ của chồng. Người đàn ông ấy đã nắm lấy tay bà, khóc: "Anh Minh đi thật rồi, chị cố gắng thay anh ấy dạy dỗ các cháu". Lúc đó, bà mới tin là chồng đã đi thật. "Anh ạ! Sao anh lại rời mẹ con em vào chiều Đông lạnh giá. Chiều Đông miền trung du buồn da diết, làm em càng rối cả ruột gan, anh đi rồi căn nhà càng trở nên quá rộng. Mẹ con em ép sát vào tường. Con bảo, giường bên ngoài dành cho bố; em lại nao lòng nghĩ đến anh". (Trích nhật ký).
Hơn 40 năm viết nhật ký chờ chồng
Dù biết chồng đã đi thật rồi, bà vẫn giữ thói quen viết nhật ký cho chồng. Biết bao cuốn nhật ký viết dày đặc, những trang viết đã hoen ố bởi nước mắt và năm tháng qua đi. Viết là cách để bà giãi bày với lòng mình, giúp bà vượt qua bao giông bão cuộc đời…
Những dòng nhật ký ố màu thời gian
Bà với ông Minh có với nhau 3 người con, 2 con gái đầu và cậu con trai út. Năm 1967, vừa nhận giấy báo tử của chồng không lâu thì trong một trận bom kinh hoàng, con trai 4 tuổi Trần Hồng Sơn bị sức ép của hơi bom bị thương rất nặng rồi bại liệt. Người mẹ ấy đã gồng mình gánh vác mọi công việc, chăm con trai thương tật và nuôi 2 con gái học hành (lúc này, Dược sĩ Tính chuyển về công tác tại Trạm kiểm định chất lượng dược phẩm thuộc Sở Y tế Nghệ - Tĩnh). Những năm tháng bao cấp, rau hết gạo cạn, ban ngày đi làm, ban đêm về bóc lạc, đan áo thuê bà tưởng chừng gục ngã. Bà tìm đọc những lá thư chồng gửi về năm xưa, nhìn lại nét chữ của anh, lẩm nhẩm lời anh dặn dò. Những lá thư đã nhàu nhĩ, nát bươm vì thời gian, vì thương nhớ.
Rồi vặn nhỏ ngọn đèn dầu, giở từng trang sổ, bà viết cho chồng. Bà kể lại ngày hôm nay đã xảy ra chuyện gì, bà nói với chồng những vất vả, thiếu thốn, bà chia sẻ sự khôn lớn của từng đứa con. Những đêm dài lặng lẽ viết rồi khóc, nhưng bà luôn có cảm giác ông sẽ nghe được những điều bà nói, những gì bà còn trăn trở, ông vẫn ở quanh quẩn đâu đây, biết 4 mẹ con đang sống như thế nào, và giúp bà vượt qua những khó khăn đang gặp phải. Làm việc bà cũng "hỏi ý kiến" hoặc "báo cáo" với ông. Bà vẫn nghe đâu đó tiếng ông nhắc nhở, và hứa với chồng sẽ cố gắng nuôi con. Rồi đến lúc 2 con gái lớn đi học xa, dựng vợ gả chồng, những đêm giao thừa chỉ mỗi mình bà với đứa con trai tật nguyền trong căn nhà quạnh quẽ: "Anh đã từng nói với em: Trong chiến đấu, trước mắt anh là nhân dân và kẻ thù. Như vậy, cuộc đời anh, anh trọn vẹn với nhân dân," (Trích nhật ký).
Những cuốn nhật ký có trang được dán kín lại, đó là những điều riêng tư mà bà chỉ muốn nói với chồng, không thể chia sẻ cho ai. Có những thời gian bà viết liên tục, nhưng có những khi ngắt quãng cả tháng trời, đó là những lần công việc quá vất vả và bà còn phải lo chạy chữa thuốc thang cho con trai.
Đứa con trai út là nỗi niềm đau đáu của bà. "Mỗi lần cho con ăn, em lại khóc. Em còn sống, em thay anh chăm sóc Sơn, em chết đi, ai chăm sóc con?... Đã hơn 30 năm rồi, nhưng có những đêm em không thể nào chợp mắt được"? (Trích nhật ký). Nhưng đến ngày 2/1/2009, anh Sơn đã lặng lẽ ra đi ở tuổi 45. Cuộc đời người đàn bà khắc khoải chờ chồng, khóc chồng giờ đây thêm một lần đau đớn đầu bạc tiễn tóc xanh.
Bà Tính vẫn sống vì con và để tìm đưa hài cốt chồng về quê hương. Ngày đi, đặt chân lên bản làng ven sông Mê Kông ở Thái Lan, linh cảm rằng chồng mình nằm đâu đây, thắp mấy nén nhang, ngửa mặt lên trời bà thầm cầu khấn: "Anh ơi! Anh sống khôn, chết thiêng thì phù hộ để em được gặp anh"! Và điều kỳ diệu đã đến, đồng đội cũ của ông Minh là người phát hiện ra mộ đầu tiên. Mộ ông nằm cô đơn, xung quanh là cỏ mọc um tùm. Sau hơn tiếng đồng hồ đào bới, những vệt xương trắng lộ ra dưới vồng đất đen kịt. Khoảnh khắc đó bà, Tính chỉ biết lao xuống ôm nắm xương chồng òa khóc. Nước mắt của mừng vui sau suốt mấy chục năm trời, ước mong tìm di cốt chồng giờ đã thành sự thật!
Buổi sáng ngày hôm đó bầu trời nặng như chì, mưa xuống lây rây nặng hạt. Hài cốt cùng với lọ bọc tên tuổi của chồng được gói vào ba lô theo bà cùng cháu ngoại và đồng đội trở về quê hương...
Hồ Lài