Người dân còn chủ quan với bệnh chồi cỏ hại mía

26/03/2012 18:18

(Baonghean) - Chồi cỏ hại mía là loại bệnh rất nguy hiểm. Phương án phòng, trừ bệnh chủ yếu hiện nay là tiêu hủy nguồn bệnh và trồng lại bằng giống sạch bệnh nhưng vẫn chưa được các địa phương chấp hành nghiêm túc. PV Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An xung quanh vấn đề này.

(Baonghean) - Chồi cỏ hại mía là loại bệnh rất nguy hiểm. Phương án phòng, trừ bệnh chủ yếu hiện nay là tiêu hủy nguồn bệnh và trồng lại bằng giống sạch bệnh nhưng vẫn chưa được các địa phương chấp hành nghiêm túc. PV Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An xung quanh vấn đề này.


PV: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình bệnh chồi cỏ mía đối với vùng mía nguyên liệu của tỉnh?


Ông Nguyễn Văn Lập: Theo số liệu tổng hợp được từ các công ty mía đường và các huyện, đến tháng 12/2011, toàn tỉnh có 8.258 ha mía bị bệnh, trong đó nhiễm nặng và trung bình là gần 4.500 ha, đặc biệt bệnh đã lây lan sang vùng nguyên liệu ở huyện Anh Sơn, tốc độ lây lan ngày càng nhanh. Thiệt hại thấy rõ trước mắt là người trồng mía bị giảm thu nhập, các nhà máy mía đường thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, nhưng nguy hiểm hơn, về lâu dài, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng mía nguyên liệu của tỉnh. Điều đáng ngại, đây là loại dịch bệnh mới, nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được môi giới truyền bệnh. Viện BVTV thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã triển khai một đề tài nghiên cứu về bệnh chồi cỏ mía ở Nghệ An. Qua quá trình nghiên cứu đã xác định nguyên nhân gây bệnh chồi cỏ mía là do Phytoplasma. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra được môi giới truyền bệnh là loại côn trùng nào.


PV: Và trong điều kiện như vậy, để giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra, ngành Nông nghiệp có biện pháp gì không, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Lập: Trước tình hình như vậy, Sở NN & PTNT đã phối hợp với các nhà khoa học, các công ty mía đường và các địa phương xây dựng Phương án phòng trừ bệnh chồi cỏ hại mía, xin ý kiến của Cục BVTV và Viện BVTV, sau đó ban hành và triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Phương án này nêu rõ: Ngoài các biện pháp tổ chức thu hoạch sớm diện tích mía bị bệnh, trồng lại mía bằng giống sạch bệnh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng và sản xuất giống mía sạch bệnh, thì một biện pháp hết sức quan trọng trong thời điểm hiện tại là tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh. Đây được coi là giải pháp quan trọng để hạn chế nguồn bệnh phát sinh lây lan ra diện rộng. Theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, việc xử lý cây bệnh phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là lúc mía đang ở giai đoạn cây con và phải xong trước 30/4/2012 để tiến hành chăm sóc mía.


PV: Xin ông cho biết tình hình xử lý của các địa phương?


Ông Nguyễn Văn Lập:Điều đáng lo ngại là khuyến cáo của chúng tôi hiện không được người dân và các địa phương thực hiện nghiêm túc. Thậm chí, ở những diện tích đã nhiễm nặng và nhiễm ở mức độ trung bình, các địa phương vẫn chưa tiêu hủy hết, còn những vùng bị nhẹ, tình trạng đó lại càng phổ biến. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho hầu hết những diện tích bị nhiễm nhẹ đều tái nhiễm. Hiện đã là cuối tháng 3, sắp hết thời điểm tiêu hủy, tốt nhất theo khuyến cáo, nhưng có thể nói việc thực hiện tiêu hủy nguồn bệnh chồi cỏ ở các địa phương đều đang rất chậm. Đến ngày 1/3/2012, theo tổng hợp của Chi cục BVTV, các địa phương xử lý cày phá và tiêu hủy cây bệnh được trên 2.807 ha, thì đến ngày 9/3, con số đó chỉ tăng thêm được 30 ha, bằng 2.837 ha. Nếu tình trạng chậm chạp, chủ quan trong tiêu hủy bệnh chồi cỏ mía không được khắc phục, vào thời điểm tháng 5, tháng 6, những diện tích hiện đang nhiễm nhẹ sẽ trở thành nhiễm nặng, và năm sau lại phải hủy, thiệt hại sẽ càng nặng nề hơn.


PV: Một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu hủy tiến hành chậm vì người dân cho rằng, tiêu hủy nhưng vẫn không diệt được hết mầm bệnh. Vậy để đảm bảo cho việc tiêu hủy bệnh chồi cỏ có hiệu quả, ngành Nông nghiệp có những khuyến cáo gì, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Lập: Công tác tiêu hủy bệnh chồi cỏ phải nhất thiết tuân thủ đúng theo các biện pháp kỹ thuật mà ngành Nông nghiệp đã đưa ra. Cụ thể: Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nặng và trung bình (từ 20% khóm mía bị bệnh trở lên) thì vào đầu vụ ép cần thu hoạch trước hết những diện tích này, thu hoạch đến đâu dùng máy cày phá gốc đến đó, cày hai lần và hướng cày lần sau vuông góc với lần trước. Trong khi cày làm đất bón từ 600-1.000 kg vôi bột để xử lý đồng ruộng. Sau khi cày rũ sạch gốc mía, phát quang bờ bụi quanh ruộng, thu gom toàn bộ gốc mía cùng tàn dư khác trên đồng, tập trung lại để chôn lấp hoặc đốt, không để sót mía mọc tái sinh. Với những diện tích bị bệnh ở mức nhẹ thì dùng cuốc, xẻng đào lật gốc, rũ sạch đất những gốc mía bị bệnh, đồng thời thu gom đốt như trên, không cho mía bị bệnh mọc tái sinh. Những nơi có điều kiện thì có thể dùng thuốc trừ cỏ phun diệt khóm mía bị bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ BVTV.


PV: Xin cảm ơn ông!


Xử lý bệnh chồi cỏ mía xong trước 30/4

Cuộc họp bàn công tác xử lý bệnh chồi cỏ mía được Sở NN&PTNT tổ chức ngày 23/3 tại huyện Quỳ Hợp.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/3/2012, các địa phương đã xử lý trên 3.800 ha diện tích mía nhiễm bệnh, trong đó bằng biện pháp cày phá hơn 3.500 ha, đào bỏ hơn 274 ha. Như vậy toàn tỉnh vẫn còn tới gần 6.000 ha mía bị nhiễm bệnh chồi cỏ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn...

Bên cạnh giải pháp trồng mới bằng giống mía sạch bệnh, xây dựng mô hình ứng dụng quản lý bệnh chồi cỏ hại mía, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương có diện tích mía bị nhiễm bệnh chồi cỏ cần phải tập trung rà soát lại toàn bộ diện tích bị nhiễm để có hình thức xử lý phù hợp. Đối với diện tích bị nhiễm nặng thì kiên quyết cày phá toàn bộ, diện tích bị nhiễm nhẹ thì đào xử lý hết những khóm mía bị bệnh, hoặc dùng thuốc trừ cỏ có hoạt chất Glyphosat phun tiêu huỷ.

Các công ty mía đường phải khẩn trương thu hoạch hết toàn bộ diện tích mía bị nhiễm bệnh, tiến hành xử lý triệt để và trồng lại theo đúng nông lịch, bảo đảm đủ giống sạch bệnh cho nhân dân trồng lại, thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ nông dân xử lý bệnh. Trên cơ sở thực tế, Chi cục Bảo vệ thực vật tham mưu để công bố dịch bệnh làm cơ sở huy động lực lượng chống dịch. Các đơn vị khác như Trung tâm Khuyến nông, các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp tập huấn, tuyên truyền để hướng dẫn nhân dân xử lý bệnh chồi cỏ hiệu quả. Công tác xử lý bệnh chồi cỏ phải được kết thúc trước 30/4/2012.


Phú Hương (thực hiện)

Mới nhất
x
Người dân còn chủ quan với bệnh chồi cỏ hại mía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO