Người dân Hoàng Mai gượng dậy sau lũ lịch sử

04/10/2013 17:05

(Baonghean.vn) - Cơn lũ ập đến rồi rút đi nhanh chóng nhưng để lại hậu quả nặng nề, tang thương cho người dân thị xã Hoàng Mai. Bao nhiêu mất mát, đau thương, bao nhiêu tiền của, tài sản đã trôi theo dòng lũ dữ.

Mới phấn khởi, vui mừng vì trở thành dân… thị xã, giờ đây họ lại gắng gượng đứng dậy khắc phục thảm họa thiên tai. Cùng với quyết tâm của chính quyền thị xã, sự quan tâm, động viên của các cơ quan ban ngành trong và ngoài tỉnh, người dân Hoàng Mai đang dần bắt nhịp lại cuộc sống thường ngày…

Những ngày này, đi đến ngõ hẻm nào của các xã, phường trong thị xã Hoàng Mai cũng bê bết bùn đất, có đoạn sình lầy ngập đến đầu gối, phải xuống xe đi bộ. Mưa như trút nước là thế mà mấy hôm nay trời trở chứng nắng chang chang, những lớp bùn chưa kịp cào đi, nay khô quắn lại, bám chặt trên mặt xi măng. Chồng múc nước để dội, vợ cầm chủi quét chà liên hồi, vậy mà từ sáng tới trưa, vợ chồng anh Lê Công Chức (ngụ xóm 5, xã Quỳnh Trang) vẫn chưa kỳ cọ hết bùn đất từ trong nhà ra sân. Nằm bên sông Hoàng Mai, cơn lũ ập đến “bê” bao nhiêu tấn sỏi đá, bùn đất vào nhà. Nhưng có lẽ khổ nhất vẫn là đống lúa mới gặt, ướp lẹp nhẹp, mốc meo không có chỗ để phơi. Mới thoát từ hộ nghèo sang… cận nghèo năm nay, anh chị chưa kịp vui mừng thì lũ lụt lấy đi tất cả.

Bà Trần Thị Minh (khối 8, phường Mai Hùng) bơm nước trong nhà ra.
Bà Trần Thị Minh (khối 8, phường Mai Hùng) bơm nước trong nhà ra.

Người dân xúc cát khơi thông dòng chảy sau lũ.
Người dân xúc cát khơi thông dòng chảy sau lũ.

“So với các hộ trong xóm, nhà tôi mất mát chẳng thấm tháp vào đâu. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, mất con lợn nái, vài ba con vịt, tạ thóc là lớn lắm rồi. Nhưng biết làm sao, tai họa thiên nhiên ai mà lường được, giờ vợ chồng cố gắng làm ăn mà nuôi con cái thôi”- Anh Chức giọng buồn buồn tâm sự.

Nhìn chiếc cầu phao bắc qua sông Hoàng Mai chỉ còn lại cái cọc và mấy tấm ván gỗ, những học sinh ở các xóm 4, 5, 6… của xã Quỳnh Trang buồn thiu. Từ nhiều năm nay, để qua qua trường THPT Hoàng Mai, các em đã đi trên chiếc cầu phao này. “Mặc dù là cầu còn tạm bợ nhưng nó giúp chúng em đến trường nhanh hơn, không phải đi lòng vòng tốn rất nhiều thời gian. Mong sao nhà nước đầu tư xây một chiếc cầu mới vững chắc nơi này đễ chúng em đi học đỡ nguy hiểm, vất vả”- Em Lê Thị Vân – lớp 12B3 trường THPT Hoàng Mai cho hay.

Chiếc cầu phao bắc qua sông Hoàng Mai ở xóm 5, xã Quỳnh Trang đã bị lũ cuốn trôi.
Người dân thẫn thờ khi chiếc cầu phao bắc qua sông Hoàng Mai ở xóm 5, xã Quỳnh Trang đã bị lũ cuốn trôi.

Tranh thủ trời hửng nắng, nhà nào cũng gấp rút đưa hết chăn màn, giường chiếu, thóc gạo ra phơi. Ngoài đường, trong sân kỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ, cái nào cũng bị ướt nhèm nhẹp. Đi vào làng, cảnh tượng bề bộn, hỗn loạn chưa từng. Vừa đổ mớ thóc ẩm mốc ra con hẻm trước nhà để phơi, ông Nguyễn Bá Nghĩa ở khối Thịnh Mỹ, phường Mai Hùng phân trần: “Nước vào bất ngờ nên trong nhà cái gì cũng ướt, bàn ghế, giường tủ hư hỏng cả. Nhà chỉ có từng này thóc để ăn mà mốc meo, phơi xong chắc xay cám cho lợn thôi. Mấy ngày hôm nay cả nhà tôi xúm vào dọn dẹp đến mệt lử người mà vẫn chưa xong”.

Đi từ đầu xóm đến cuối thôn, không khí khắc phục hậu quả lũ lụt mà khẩn trương như thời chiến. Người thì cuốc xẻng, người thì thau chổi hì hục dọn dẹp từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đường. Các cơ quan đoàn thể từ hội thanh niên, hội phụ nữ, cho đến công an, dân quân… đều vào cuộc hết sức hăng say, khí thế. Từ sáng sớm, các cán bộ, nhân viên của ủy ban, Công an phường Quỳnh Dị đã đến đông đủ để quét dọn, lau chùi. Thiếu tá Phạm Ngọc Anh- trưởng công an phường Quỳnh Dị cho hay: “Địa bàn này là vũng trũng nên khi lũ về, nước tràn vào ngập hết văn phòng. Để không bị gián đoạn công việc, anh em ai cũng phải bắt tay vào dọn dẹp. Bùn đất nhiều quá nên làm từ sáng tới giờ mà vẫn chưa xong”. Trực lũ lụt, giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả đã mấy ngày qua nên mắt của đồng chí trưởng công an phường thâm quầng, mỏi ngủ. Nhưng trong tiếng nói và nụ cười, vẫn ánh lên sự mạnh mẽ, trách nhiệm của một người chiến sĩ tận tụy với dân, với nước.

Hết chỉ đạo khắc phục, thống kê hậu quả sau lũ, rồi lại đi kiểm tra rà soát các thiết bị cơ quan, trường học, tiếp đoàn viện trợ, nhà báo… mấy ngày hôm nay, đồng chí bí thư đảng ủy phường Quỳnh Phương- Nguyễn Văn Quang xoay như chong chóng. “Đang trong thời gian nước sôi, lửa bỏng thì mệt cũng phải cố gắng chứ biết sao. Phường Quỳnh Dị là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ trận lũ lụt vừa qua nên công tác khắc phục, cứu trợ cũng hết sức nặng nề, cấp thiết”. Tính đến thời điểm hiện tại, phường Quỳnh Dị mất trắng 60 héc ta tôm, 45 héc ta cá nước ngọt, 7 thuyền bị chìm, hàng trăm héc ta lá, hoa màu bị hư hại, gia cầm bị chết, trôi khoảng 8.000 con. Bên cạnh đó, hai tuyến đê ngăn mặn tại Khu Du lịch Dịch vụ Long Thành và tuyến đê ở khối Tân Đông bị vỡ. Để hỗ trợ phường Quỳnh Dị, từ sáng sớm, hàng ngàn thùng mì tôm, nước uống, hóa chất khử trùng của Hội chữ Thập đỏ tỉnh Nghệ An, các cơ quan ban ngành trong tỉnh đã được chuyển về từng khối phố, hộ gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Bá Nghĩa (phường Mai Hùng) phơi lúa bị ngấm nước lũ.
Gia đình ông Nguyễn Bá Nghĩa (phường Mai Hùng) phơi lúa bị ngấm nước lũ.

Đã gần 12 giờ trưa nhưng không khí làm việc tại trụ sở UBND thị xã Hoàng Mai vẫn rất khẩn trương, ai cũng hối hả, bận bịu. Hết đoàn cứu trợ này đến rồi đoàn cứu trợ kia vào. Từng chuyến xe tải chất đầy mì tôm, nước uống trực chỉ các xã, phường Quỳnh Trang, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Liên… lăn bánh. Đồng chí Lê Sĩ Chiến- phó chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Phòng chống Bão lũ đã mấy ngày mất ăn, mất ngủ lo phòng chống lũ, chuyển hàng hóa cứu trợ đến dân. “Đợt lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và của đối với thị xã Hoàng Mai. Đảng ủy, UBND thị xã cùng với các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh đang ra sức khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Các mặt hàng cứu trợ thiết yếu như mì tôm, nước uống được chuyển xuống các địa phương kịp thời, tuyệt đối không để cho dân đói khát”- Đồng chí Lê Sĩ Chiến cho hay.

Chuyển hàng cứu trợ đến bà con bị lũ lụt kịp thời.
Chuyển hàng cứu trợ đến bà con bị lũ lụt kịp thời.

Trong dịp này, Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã ủng hộ thị xã Hoàng Mai -người anh em mới “ra riêng” 100 triệu đồng, Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam hỗ trợ 950 thùng mì tôm, hỗ trợ gia đình có người bị chết 5 triệu đồng\người, Ngân hàng Công Thương chi nhánh Bắc Nghệ An 500 thùng mì tôm. Theo ông Hoàng Quốc Hoàn – Phó phòng LĐ-TB-XH Hoàng Mai thì tính đến hết ngày 2-10, thị xã Hoàng Mai đã nhận được các loại mặt hàng hỗ trợ từ nhiều cá nhân, tổ chức. Cụ thể về mì tôm có 16.223 thùng; gạo 3 tấn; lương khô, bánh kẹo 9 thùng; hóa chất khử trùng 550 kg; tiền mặt 185 triệu.

Lũ dữ đi qua, thiệt hại về người và của đối với người dân thị xã Hoàng Mai chưa thể nào kể hết. Vì vậy, trong cơn bĩ cực, hoạn nạn này, người dân vùng lũ bắc Nghệ cần sự sẻ chia, giúp đỡ từ các cơ quan đoàn thể, cá nhân, tổ chức ở mọi miền đất nước. Câu tục ngữ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của ông cha ta lúc này trở nên ý nghĩa và đầy tính nhân văn hơn bao giờ hết.

Triều Dương

Mới nhất
x
Người dân Hoàng Mai gượng dậy sau lũ lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO