Người dân không chủ quan với sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản

Thành Chung 28/06/2022 11:21

(Baonghean.vn) - Trong thời gian tới, các bệnh mùa Hè như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... trên địa bàn có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Các địa phương, cấp, ngành và mọi người dân cần chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống.

Xuất hiệm thêm 1 trường hợp viêm não Nhật bản

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An: Mới đây, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện thêm 1 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Trẻ mắc bệnh là cháu N.V.Q, 10 tuổi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Tương Dương đã cử đoàn công tác tiến hành điều tra ca mắc viêm não Nhật Bản ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Ảnh: Thành Chung

Ngày 18/6, cháu N.V.Q xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn nên được người nhà gọi y tế bản đến kiểm tra nhiệt độ. Sau đó, cháu được uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ và nên được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Tương Dương vào ngày 19/6. Tiếp đó, cháu N.V.Q lại được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cháu N.V.Q dương tính với viêm não Nhật Bản.

Tiếp nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Tương Dương đã cử đoàn công tác tiến hành điều tra, xử lý. Bác sĩ Bùi Tiến Dũng - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho hay: Trong vòng 1 tháng nay, cháu N.V.Q chỉ ở địa phương với gia đình, không đi đâu xa. Khu vực xung quanh nhà và bản cũng không có ai đi xa về. Bản thân cháu chưa tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản. Trạm Y tế đã nhắc nhở người nhà lịch tiêm viêm não Nhật Bản nhiều lần nhưng gia đình không đưa cháu đi tiêm.

Hiện tại, ngoài cháu N.V.Q, sức khỏe các thành viên trong gia đình nội, ngoại đều bình thường. Qua điều tra, đoàn chưa phát hiện véc-tơ truyền bệnh. Đoàn nhận định, bệnh nhân N.V.Q là trường hợp bệnh nội tại

Được biết, toàn bản Chăm Puông có 208 trẻ dưới 15 tuổi. Bản Chăm Puông và toàn xã Lượng Minh chưa có thêm trường hợp nào nghi mắc bệnh viêm não Nhật Bản… Lượng Minh là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Điều kiện vệ sinh môi trường ở đây không đảm bảo, chỉ có 67% số hộ có nhà vệ sinh.

Qua điều tra, đoàn chưa phát hiện véc-tơ truyền bệnh. Đoàn nhận định, bệnh nhân N.V.Q là trường hợp bệnh nội tại. Ảnh: Thành Chung

Xử lý ca mắc viêm não Nhật Bản mới này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tương Dương tiến hành giám sát véc-tơ, môi trường tại bản; phun hóa chất xử lý môi trường; tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống viêm não Nhật Bản như truyền thông về bệnh; rà soát các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi vắc-xin viêm não Nhật bản để tiến hành tiêm vét.

Trước ca bệnh này, ngày 25/5/2022, Nghệ An cũng đã phát hiện 1 trường hợp dương tính viêm não Nhật Bản tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Bác sĩ Bùi Tiến Dũng nêu rõ: Để ngăn ngừa bệnh, mọi người dân cần chủ động thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ; loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng; ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng, chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình…

Và đặc biệt, mọi người cần thực hiện tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vắc-xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên trong chương trình tiêm chủng mở rộng). Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ 2 một năm.

Không được chủ quan với sốt xuất huyết

Trong mùa Hè này, ngoài 2 ca mắc viêm não Nhật Bản đã nêu và 2 ca mắc bệnh bạch hầu tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh như Covid-19 và dịch sốt xuất huyết.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 55 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 40 ca nội tại và 15 ca ngoại lai. Tính đến ngày 24/6, đã có 24 ca khỏi bệnh, 31 ca đang điều trị tại nhà và cơ sở y tế. Dịch được ghi nhận tại 6 huyện, thị xã; với 6 ổ dịch khác nhau tại 4 xã thuộc 3 huyện, thị xã, trong đó, có 5 ổ dịch đang hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 55 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 40 ca nội tại. Ảnh: Thành Chung

Cụ thể gồm: Ổ dịch tại khối Quang Trung, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai (ghi nhận vào ngày 26/5, với 2 ca mắc, kết thúc vào ngày 9/6); Ổ dịch tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc (ghi nhận ngày 26/5, với 32 ca mắc, đang hoạt động); Ổ dịch tại khối Bắc, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (ghi nhận ngày 18/6, với 1 ca mắc, đang hoạt động); Ổ dịch tại xóm Hoa Thành, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (ghi nhận ngày 18/6, với 3 ca mắc, đang hoạt động); Ổ dịch tại khối Nam, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (ghi nhận ngày 19/6, với 1 ca mắc, đang hoạt động); Ổ dịch tại xóm Yên Quang, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (ghi nhận ngày 19/6, với 1 ca mắc, đang hoạt động).

So sánh dịch sốt xuất huyết những năm gần đây (năm 2016 có 57 ca, năm 2017 có 218 ca, năm 2018 có 52 ca, năm 2019 có 451 ca, năm 2020 có 477 ca, năm 2021 có 13 ca) thì có thể thấy rằng, số ca mắc sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm 2022 chưa phải là cao. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan, bởi thời điểm này mới chỉ bắt đầu mùa dịch. Đỉnh điểm của dịch thường rơi vào các tháng 7, 8, 9, 10 trong năm… Và ở thời điểm này, trong nước đã có ca tử vong do sốt xuất huyết.

Tiến sĩ Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó, chủ yếu là do Aedes aegypti…

Ở các vùng dịch, ý thức phòng, chống dịch sốt xuất huyết của người dân vẫn chưa được tốt. Nhiều người dân vẫn để các vật dụng chứa nước không cần thiết, tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Ảnh: Thành Chung

Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Số lượng di biến động dân cư lớn, ý thức người dân một số nơi chưa cao nên nguy cơ đưa mầm bệnh về là rất cao. Ở tỉnh, hiện có 5 địa phương trọng điểm về sốt xuất huyết Dengue là Diễn Châu, TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên…

Trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.

Tiến sĩ Chu Trọng Trang nêu rõ: Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả trong thời gian tới, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, và các hộ gia đình cần tăng cường triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy; triển khai phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chủ động tại các ổ dịch cũ, các vùng nguy cơ cảnh báo dịch. Các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng, chống cho người dân được biết và thực hiện.

Mới nhất

x
Người dân không chủ quan với sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO