Cẩn trọng với bệnh viêm não Nhật Bản
(Baonghean) - Bệnh viêm não đang hoành hành ở các tỉnh, thành phố phía Nam, còn tại Nghệ An từ đầu tháng 6, số ca bị viêm não nhập viện cũng đang gia tăng. Trong đó, đa phần là bệnh nhân đến từ các huyện miền núi…
Tiêm phòng viêm não cho trẻ tại Trạm Y tế phường Hưng Phúc. |
Viêm não, căn bệnh nguy hiểm
Ba ngày trước, cháu Hoàng Phương Anh (26 tháng tuổi, ở bản Cọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương) có các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, có biểu hiện co giật quanh miệng. Gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện huyện, dù đã uống thuốc giảm sốt nhưng bệnh của cháu vẫn không thuyên giảm. Thấy cháu lịm dần, gia đình đã xin chuyển cháu xuống Bệnh viện Sản Nhi và qua kiểm tra các bác sỹ chẩn đoán cháu bị bệnh viêm não. Hiện tại, dù đã được điều trị hơn 1 ngày nhưng bệnh của cháu vẫn có dấu hiệu nguy hiểm, chưa hạ sốt, thỉnh thoảng vẫn còn bị co giật. Một trường hợp khác là cháu Ngân Yến Chi (30 tháng tuổi) ở thôn Na Lảy, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Từ 1 tuần nay, cháu bị sốt cao, toàn thân co giật nhiều lần. Vào viện, cháu gần như mê man, không có phản ứng nên ngoài phải thở bằng ô-xy, bệnh nhân còn phải đặt xông qua dạ dày để gia đình bón cháo hoặc bón sữa. Hiện tại, dù đã chẩn đoán chính xác là Yến Chi bị bệnh viêm não nhưng ngay cả bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi vẫn chưa khẳng định được là bệnh có thể chữa được dứt điểm hay không. Bởi lẽ viêm não là bệnh nguy hiểm, không có thuốc đặc trị và hay để lại di chứng.
Bệnh viêm não hiện đang có rất nhiều thể loại, thế nên có nhiều trường hợp dù đã được tiêm phòng viêm não Nhật Bản hay tiêm viêm màng não mủ nhưng vẫn bị lây bệnh. Như trường hợp của cháu Hoàng Phương Anh, mẹ của cháu - chị Phan Thị Thơm cho biết: Khi cháu được hơn 1 tuổi gia đình đã cho cháu đi tiêm mũi 1 và mũi 2 vắc-xin viêm màng não Nhật Bản nhưng cháu vẫn bị mắc bệnh. Hay tại huyện Yên Thành cũng đã xác định trường hợp của cháu Nguyễn Hồng Phác, sinh tháng 10/2009 ở xóm 1, xã Bảo Thành dù đã tiêm 3 mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản nhưng vẫn bị viêm não. Hiện bệnh của cháu khá nặng nên gia đình đã chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
Viêm não vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên, trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng mùa dịch là vào các tháng mùa hè và đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8. Trẻ em dưới 15 tuổi (nhất là từ 2 – 7 tuổi) là những người có nguy cơ mắc bệnh cao. 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã ghi nhận 325 trường hợp mắc viêm não vi rút tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Riêng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ đầu tháng 7 đến nay có 13 trường hợp nhập viện, tất cả đều trong tình trạng nguy hiểm. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh Trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 10%. Sở dĩ, bệnh hay gặp vào mùa hè vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc, sau đó lây sang cho người. Cũng qua theo dõi gần đây ở Nghệ An, sở dĩ bệnh xuất hiện nhiều ở trẻ em vùng núi, nông thôn, bởi theo tập tục nhiều nơi người dân vẫn có thói quen xây chuồng bò, chuồng lợn gần nơi sinh hoạt của gia đình. Do đó, muỗi sau khi đốt ở gia súc sẽ truyền bệnh sang cho người.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Công tác ở Khoa Lây, Bệnh viện Đa khoa Yên Thành nhiều năm và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện, bác sỹ Nguyễn Thành Linh nói rằng: Trước đây, khi chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có tiêm phòng viêm não Nhật Bản, 1 năm Yên Thành có từ 30 – 40 trường hợp mắc bệnh viêm não. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là do người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, xây chuồng trại chăn nuôi gần nơi ở của gia đình. Trước thực tế này, thời gian qua Trung tâm Y tế dự phòng huyện đã có nhiều văn bản chuyển xuống các xã, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh viêm não, chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2014 đến nay, huyện đã 2 lần triển khai tiêm chủng viêm não Nhật Bản cho trẻ em trên 1 tuổi, lần một cho trẻ tiêm mũi 3 và lần 2 vừa tổ chức trong tháng 7 này dành cho trẻ trên 1 tuổi tiêm mũi 1 và mũi 2. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên hiện tại, hơn 7.000 mũi tiêm đã cơ bản triển khai xong, tỷ lệ trẻ đến tiêm chủng đạt trên 90%. Một số trường hợp chưa tiêm là do trẻ bị ốm, trẻ chuyển nơi cư trú. Đặc biệt, có một số xã thuộc vùng giáo hoặc các xã miền núi trước đây tỷ lệ trẻ tiêm thấp như Hợp Thành, Công Thành, Long Thành, Tây Thành, Quang Thành, Thịnh Thành, nay nhờ được tuyên truyền đầy đủ nên số trẻ đến tiêm đạt trên 95%...
Nói về biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả nhất hiện nay, ông Trần Nguyên Truyền, Phó Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế khẳng định: Gia đình nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Trong đó, mũi 1 và mũi 2 tiêm khi bé được hơn 1 tuổi. Mũi 3 tiêm sau đó 1 năm. Kế đó, cứ 3 đến 4 năm cho bé tiêm thêm 1 mũi phòng cho đến khi bé 15 tuổi. Viêm não có nhiều loại, có thể do virut viêm não Nhật Bản hoặc có thể do các vi rút khác biến chứng như từ ho gà, quai bị, sởi… Vì vậy, không chỉ tiêm phòng viêm não, các gia đình cần phải cho trẻ đi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin khác để phòng trừ bệnh cho trẻ.
Hiện tại, hơn 60.000 liều vắc-xin viêm não Nhật Bản đã được chuyển xuống 21 huyện, thành, thị để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 12- 24 tháng tuổi. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã có công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản và chủ động báo cáo ca bệnh cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để kịp thời phối hợp xử lý theo đúng quy định. Đồng thời, các đơn vị tổ chức tập huấn lại cho các y, bác sỹ về "Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí bệnh viêm não cấp do vi rút ở trẻ em". Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị khu vực cách ly, cơ số thuốc, trang, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân để sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đảm bảo điều trị đúng theo phân tuyến, tránh tình trạng dồn người bệnh lên tuyến trên. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản tại cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau; đẩy mạnh vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, khu chăn nuôi, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
Riêng đối với trẻ, khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mỹ Hà