Người dân xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) vừa khắc phục hậu quả lũ ống, vừa thấp thỏm trước nguy cơ đất, đá tiếp tục sạt lở
(Baonghean.vn) - Đến chiều 2/10, sau khi huy động người dân các bản san gạt đất, đá, trên các tuyến đường bị chia cắt, sạt lở ở xã Bảo Thắng đã tạm thời có thể cho phép xe máy lưu thông. Tuy nhiên, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn vì vẫn còn hiện tượng đất, đá tiếp tục sạt lở.
Ngày 2/10, ông Moong Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn) cho biết, sau khi xảy ra lũ ống vào trưa 1/10, cán bộ UBND xã cùng các lực lượng, người dân các bản đã dồn sức để san, gạt, dọn bùn, đất và mở đường tránh để người dân tạm thời đi lại.
“Cơn lũ ống bất ngờ xảy ra cuốn theo bao nhiêu tấn bùn, đất đã làm cắt đứt hẳn các con đường mà nó cuốn qua, cụ thể là đường đi từ bản Cha Ka 1 vào trung tâm xã. Ngoài ra, mưa nhiều ngày trước cũng đã làm sạt lở, hư hỏng nhiều cả về đường sá và nhà cửa của người dân” - ông Lợi cho biết.
Sau khi huy động sức dân, con đường tránh được mở vòng lên sườn núi ở bản Cha Ka 1, chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe máy và vị trí cách trung tâm bản Cha Ka 1 khoảng 500m. Ở một số đoạn người dân phải xuống đẩy xe vì quá hẹp và dốc. Tuy nhiên, xã Bảo Thắng cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa lại qua con đường tạm này, vì hiện nay đất, đá đã ngấm nước, ẩm ướt và có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
Sau khi làm đường tạm, UBND xã đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm đi lại ở khu vực xảy ra lũ ống. Đối với một số tuyến đường bị hư hỏng, ngập lụt trong đợt mưa vừa qua, người dân và lực lượng chức năng cũng đã tạm thời khơi thông phục vụ việc đi lại trong nội xã.
Còn tuyến đường nối từ Quốc lộ 7 đến trung tâm xã Bảo Thắng, hiện nay UBND huyện đang huy động máy móc, cùng với người dân và chính quyền các xã dọc tuyến, gồm Hữu Lập, Bảo Nam, Bảo Thắng tạm thời nạo vét đất, đá sạt lở. Đồng thời, mở đường tránh tạm thời ở đỉnh đồi, núi, dọc theo con đường chính tại đoạn đường đã bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn ở bản Xiêng Thù, từ xã Chiêu Lưu đi xã Bảo Thắng.
“Từ xã Chiêu Lưu đến xã Bảo Thắng hiện vẫn còn 13 điểm sạt lở, với khối lượng đất, đá khổng lồ nằm trên mặt đường, hiện chưa thể đào, san, gạt được. Hiện nay, xã Bảo Thắng vẫn còn 3 địa điểm cán bộ xã chưa thể tiếp cận, người dân chưa thể đi ra trung tâm bản. Đó là một số địa điểm ở các bản: Thà Lạng, Cha Ka 1, Ca Da phải đi vòng qua bản Chằm Puông, xã Lượng Minh và xã Chiêu Lưu mới có thể vào, và đang phải chờ thông đường mới có thể vào bản Thà Lạng. Hiện đang chờ máy múc của UBND huyện huy động khắc phục. Còn đường nối các bản của xã Bảo Thắng, hiện chúng tôi chỉ dám huy động người dân san, gạt tạm thời, vì càng đào đắp, càng san, gạt thì đất, đá trên cao càng sụt xuống, rất nguy hiểm” - Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng cho biết.
Theo người dân địa phương, ngoài thiệt hại về đường sá do mưa ngập, lũ ống gây ra, ở bản Thà Lạng có 1 hộ dân bị nứt ngang nền nhà phải di dời khẩn cấp. Đó là nhà của Trưởng bản Thà Lạng Xeo Văn Ninh. Khi phát hiện vết nứt lớn chạy dọc nền nhà, chính quyền và người dân đã huy động lực lượng di dời các thành viên trong gia đình này đi ở tạm nhà họ hàng trong bản; di dời một số đồ đạc đi gửi ở các nhà khác. Thời điểm xảy ra nứt nền nhà, anh Xeo Văn Ninh đang đi tập huấn lớp quân sự ở Hà Nội, vợ cũng đi vắng, may mắn nhờ người dân và chính quyền giúp đỡ.
Cũng theo người dân địa phương, cơn lũ ống diễn ra trưa 1/10 đổ về từ trên đầu nguồn của con khe nhỏ chảy qua bản Cha Ka 1. Theo quan sát của người dân, trước đó, trên đầu nguồn khe đã có hiện tượng đất, đá sạt lở xuống lòng khe, tạo thành vách ngăn chắn lòng khe, sau đó, mưa khiến nước trên núi chảy xuống, ngấm dần vào lớp đất, đá đó. Đến trưa 2/10, tuy không có mưa nhưng trên nguồn khe vẫn âm ỉ “hố bùn đá” được tạo ra trước đó bị vỡ, dẫn đến lũ bùn đất.
Bà Vi Thị Đắm - Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thắng cho biết, hiện nay, người dân đi lại rất khó khăn. Xã cũng khuyến cáo người dân khi có việc thật cần thiết mới đi lại. Và hiện ở xã Bảo Thắng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất, đá, nhất là vị trí các cây cột điện bị sạt lở đất ở chân cột. Còn đường vào các khu sản xuất vốn đã khó khăn, nay thêm phần gian nan, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, chăn nuôi của bà con.