Người đẹp làng Quỳ
(Baonghean) - Làng Quỳ có con sông Thi ôm lấy nửa phần trên của làng như mái tóc xõa bờ vai cô gái đẹp. Có phải nhờ uống nước dòng sông Thi hay không mà con gái ở đây đa phần là đẹp. Đẹp mặn mà, dìu dịu như bãi ngô non bên dòng sông êm đềm chảy mãi...
Năm mười sáu tuổi, tôi từ thành phố về làng, ở nhà ông ngoại. Cha mẹ tôi bảo về quê có muốn hư cũng khó. Đa phần học sinh ở làng Quỳ một buổi chăn trâu, một buổi tới trường. Ngày đầu về làng, tôi buồn lắm. Đang ngồi bên bờ sông nhìn dòng nước chảy thì nghe tiếng nói:
- Này, hôm qua tao bị một phen hú vía.
- Vì cái gì?
- Anh cầm tay tao rồi hôn tao.
- Rồi sao?
- Tao vùng té chạy về.
- Thế hôm nay không tiễn anh đi à?
- Không, tao ngại lắm. Anh nói sẽ viết thư cho tao.
Tiếng hai cô gái, đúng ra là hai chị gái cỡ tuổi mười chín, hai mươi. Một cô mặc chiếc áo nâu ôm tấm thân mây mẩy đang cúi xuống vục hai xô nước. Trên bờ, ruộng ngô non mơn mởn đong đưa trước gió trông đẹp đến nao lòng.
Chừng vài tháng sau, quen với cuộc sống làng quê, tôi chơi thân với Tú, nhà cách nhà ông ngoại tôi một cái ao làng nước trong vắt. Tú học chung lớp với tôi, Tú hơn tôi môn Văn còn tôi hơn Tú môn Toán. Vì vậy, khi tôi vào học cùng lớp thì Tú chủ động sang nhà ông ngoại tôi làm quen, hỏi bài. Tôi học không giỏi hơn Tú nhưng vì được làm quen với sách tham khảo sớm hơn nên biết giải những bài toán mà Tú chưa biết.
Tôi và Tú thường học bài ở nhà ngoài. Ngôi nhà nền đất lợp mái rạ. Ba gian nhà ngoài là nơi sinh hoạt chung của cả nhà còn hai gian nhà ngang là nơi ngủ nghỉ của mẹ và chị gái Tú. Chị gái Tú là cô gái tôi đã gặp lần đầu bên bờ sông ngày mới về làng. Chị có mái tóc búi gọn, thỉnh thoảng chị xõa tung như một trận mưa rào bất ngờ đổ xuống. Khi đó, anh con trai nào may mắn nhìn thấy cũng thẫn thờ vì vẻ đẹp của chị.
Một lần, tôi và Tú đang học bài ở nhà ngoài thì nghe tiếng khóc thút thít, chúng tôi xuống thì thấy chị gái Tú, chị Thanh, mắt đỏ hoe đang cầm một lá thư, chị nói:
- Hai đứa đọc giúp chị lá thư, rồi chị luộc ngô cùng ăn.
Tôi cầm lá thư, đọc hết 4 trang giấy, chữ viết đặc kín chỉ toàn là thương với nhớ. Cuối thư ký dòng chữ : Nguyễn Tiến Toàn. Đầu thư vẽ khẩu súng cắm trên nòng là một nhành hoa hồng. Bông hoa vẽ cách điệu rất khéo mờ mờ hai chữ T lồng vào nhau.
Tôi và Tú lại lên nhà trên học bài, tôi hỏi Tú :
- Chị Tú không biết chữ à?
- Chị không được đi học. Mẹ tớ nói : con gái học lắm chỉ hay cãi chồng.
- Mẹ tớ cũng học hết cao đẳng mà có hay cãi chồng đâu?
- Tớ không biết, đó là mẹ tớ bảo thế.
Ở làng Quỳ, mẹ tôi là người phụ nữ duy nhất đã học hết phổ thông, vào cao đẳng rồi định cư ở thành phố. Nhiều người con gái ở làng không biết chữ. Hồi bình dân học vụ có một số đi học chữ nhưng lâu ngày không đọc thành quên. Sau này, chính quyền và nhà trường vận đông cho con em là nữ đi học, có nhà vẫn không nghe. Làng Quỳ như một ốc đảo , một bên là con sông Mai và một phía là cánh đồng ngăn cách thêm bởi đầm Thủy Hội rộng mênh mông. Ở đây ít chịu tác động của đời sống bên ngoài.
Anh Toàn cứ viết thư cho chị Thanh đều đều. Mỗi lần như thế, chị Thanh lại nhờ tôi hoặc Tú đọc thư và chúng tôi lại được ăn ngô nếp luộc. Vì thế, mỗi lần anh bưu tá đưa thư về làng, chúng tôi lại mở cờ trong bụng. Vui vì được ăn ngô luộc thì ít mà vui vì tò mò thì nhiều. Nhìn chồng thư có tên chị Thanh là chúng tôi nhận thư rồi ù té về khoe với chị.
Anh Toàn là bộ đội công binh. Anh ở làng Quỳ sáu tháng, bắc cầu phao qua con sông Thi xong rồi đi. Hai tháng anh ở làng, chị vụt lớn như lúa gặp mưa rào. Chị bắt đầu mặc áo con cho lằn ngực kín đáo sau lớp áo, như người ta dấu một trái cây đang vào độ chín.
Ba năm học cấp 3 ở làng, tôi và Tú thay nhau đọc và chép thư cho chị Thanh rồi ra bưu điện gửi thư cho anh Toàn. Những lá thư tình nồng nàn đó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi mãi đến tận bây giờ. Bao nhớ nhung thề hẹn, chuyện làng, chuyện đơn vị làm tôi và Tú cũng yêu đời bộ đội công binh hơn. Đến nỗi, chúng tôi đã hẹn với nhau là sau khi học hết phổ thông thì hai đứa cùng nộp hồ sơ thi vào Trường Sỹ quan công binh để sau này được như anh Toàn.
Một lần, chị Thanh viết thư cho anh Toàn, có đoạn : “Cầu phao anh bắc qua con sông Thi giờ đây đang mùa nước lũ, tụi em mỗi lần qua sông lại nhớ anh, nhớ các anh bộ đội. Bao giờ các anh về để chúng em ra tận cầu đón anh như ngày các anh về làng? ”. Rồi thư anh Toàn gửi về, tôi đọc cho chị Thanh nghe. Có lần, tôi đùa chị đọc sai nội dung làm chị khóc. Lần đó, anh Toàn kể chuyện, đơn vị anh làm cầu phao ở vùng sông nước Nam Bộ, có một cô gái Khơ - me ra sông giặt áo bị dòng nước cuốn đi. May mà anh và đồng đội kịp thời cứu thoát. Tôi lại đọc thêm một đoạn là cô gái cứ nằng nặc đòi theo anh Toàn ra miền bắc để làm vợ. Cứ thế, tôi trải qua tuổi trưởng thành ở làng Quỳ và mối tình của chị Thanh với anh Toàn là một phần cuộc sống của tôi.
Năm học cuối cấp, một lần chị Thanh bảo tôi :
- Ngày mai, chị và Tân (tên tôi) ra bờ sông bẻ ngô về luộc nhé!
Hôm sau, tôi ra bờ sông và như mọi lần, tôi ngồi đọc thư cho chị. Thỉnh thoảng, tôi lại ngước nhìn mái tóc chị buông xõa để lộ một vùng vai gáy trắng nõn như trái chuối bóc nửa vỏ. Chị Thanh nhìn tôi cười, để lộ hàm răng trắng và nụ cười sáng như ánh trăng tuôn vào đôi mắt người đối diện. Chị nói:
- Mai này Tân về thành phố rồi, có còn trở lại làng Quỳ nữa không?
- Chỉ cần chị vẫn còn nhớ em - Tôi nói, miệng lí nhí như cậu học trò không thuộc bài.
Lần sau, chị và tôi lại ra bờ sông Thi, bãi cỏ mượt như làn da cô gái tuổi dậy thì. Chị ngồi, mắt nhìn ra xa xa nhưng vẫn nghe từng lời tôi đọc:
“Anh đang điều trị tại bệnh viện A ở miền Tây Nam Tổ quốc...”. Hôm đó, tôi lại nhìn thấy chị Thanh khóc. Những giọt nước mắt của chị như những giọt a xít ngấm vào tim tôi đau nhói...
Rồi tôi vào đại học, xa làng Quỳ. Những năm học rồi cuộc sống cuốn đi và làng Quỳ mờ xa dần trong tâm trí tôi cũng như mái tóc chị Thanh như một áng mây mờ phía chân trời xa thẳm.
Tú không học cùng trường với tôi mà vào học trường quân đội, còn tôi sau những ngày lãng mạn ở làng Quỳ với ước mơ trở thành sỹ quan và mối tình đẹp như anh Toàn, nghe lời cha nối nghiệp ông trở thành kỹ sư giao thông sau 5 năm đại học.
Một lần, tôi làm việc với một đơn vị công binh. Cùng làm việc với tôi là một thiếu tá, anh bị thương, chân đi hơi khập khễnh. Sau buổi làm việc, chúng tôi cùng ngồi hàn huyên, anh như trút bầu tâm sự khi anh hỏi về làng Quỳ, về con sông Thi ngày đó. Qua anh, tôi sống lại những ngày về nông thôn học cấp 3 ở làng Quỳ. Nhớ chị Thanh có mái tóc như nước dòng sông Thi uốn một đường cong gợi cảm. Anh thương binh kể: Toàn hy sinh sau lần cứu cô gái Khơ-me bên dòng sông năm đó. Khi Toàn ra đi được một tuần thì đơn vị nhận được thư chị Thanh. Anh là bạn thân với Toàn bèn quyết định không cho Thanh biết nỗi đau một cách đột ngột. Đều đặn, anh thay Toàn viết thư và từ từ nói sao cho chị Thanh quên anh Toàn đi, tìm hạnh phúc mới, rồi anh nói dối là Toàn bị thương nặng phải an dưỡng lâu dài ở một trại thương binh mãi miền Tây Nam bộ. Hôm tôi về thành phố có sang nhà chào chị. Chị Thanh nói:
- Cứ đi hết chẳng còn mấy người ở lại làng. Tân à, sau này em trở lại chắc chị đã thành bà lão rồi!
Tôi bước đi, làng Quỳ, chị Thanh lơ lửng sau lưng như một dấu hỏi hay một món nợ, không biết bao giờ tôi mới trả được...
Truyện ngắn của Tuyền Duy
Yên Thành