Người đưa lợn rừng Nghệ An lên mạng
(Baonghean) - Lần theo địa chỉ của anh Lê Văn Phương ở xóm 1 Tiến Thành - Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), chúng tôi tìm về trang trại nuôi lợn rừng của chủ nhân trang web “Lợn rừng Nghệ An”, phải mất mấy cuộc điện thoại mới tìm được anh. Thì ra Phương đang đi thu tiền bán lợn rừng tại các cơ sở. Không khó khăn như khi liên lạc điện thoại, chủ nhà khá cởi mở khi câu chuyện xoay quanh con lợn rừng.
(Baonghean) - Lần theo địa chỉ của anh Lê Văn Phương ở xóm 1 Tiến Thành - Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), chúng tôi tìm về trang trại nuôi lợn rừng của chủ nhân trang web “Lợn rừng Nghệ An”, phải mất mấy cuộc điện thoại mới tìm được anh. Thì ra Phương đang đi thu tiền bán lợn rừng tại các cơ sở. Không khó khăn như khi liên lạc điện thoại, chủ nhà khá cởi mở khi câu chuyện xoay quanh con lợn rừng.
Năm 2009, Phương bắt tay xây dựng trang trại nuôi lợn rừng. Tại thời điểm đó phong trào nuôi con đặc sản đang rộ lên, nào là nhím, ba ba, cá sấu… Nhưng Phương chọn con lợn rừng vì tính khả thi cao của nó, hay nói cách khác đầu ra của nó “gần với giới bình dân hơn”. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, Phương lặn lội ra tận Hòa Bình, Bắc Giang để học hỏi kinh nghiệm, mua 27 con lợn rừng các loại. Với giá bình quân 350.000đ/kg, đây là một tài sản lớn của chàng trai chưa đầy 30 tuổi. Rồi bao gian nan vất vả của buổi đầu ập đến: con lợn rừng lớn nhất đàn nặng hơn 64 kg lăn ra chết sau một thời gian chữa trị không thành.
Nghe lời khuyên muốn “mau ăn” thì nên mua lợn đã có chửa, anh đưa về 3 con. Sau 2 ngày nuôi, do vận chuyển đường xa, 1 con lăn ra chết. Vài chục triệu đồng đi đứt. Không nản lòng trước những “tai nạn” đó, vừa mày mò tìm kiếm tài liệu, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, đàn lợn rừng ở trang trại đã lên tới dăm bảy chục con với đủ các thế hệ. Trang trại khoảng chừng dăm sào đất nằm bên sườn đồi được xây dựng ngay ngắn, mỗi ô chừng vài trăm mét vuông được xây chắc chắn dưới những tán cây ăn quả như vải, xoài, nhãn… Trong mỗi ô đều có sân chơi, bể cho lợn tắm, nhà cho lợn trú mỗi khi trời mưa gió.
Lợn rừng thuần chủng ở trang trại anh Lê Văn Phương
Theo Phương thì nuôi lợn rừng không khó, vì đây là vật nuôi hoang dã nên sức đề kháng cao, ít bị bệnh tật, thức ăn lại dễ kiếm, đầu ra lại “phổ thông” nên mang lại lợi nhuận cao. Năm 2012, trang trại của anh cung ứng ra thị trường 2,7 tấn lợn hơi. Trong đó trang trại nuôi 7 tạ, số còn lại làm dịch vụ cho các hộ khác. 7 tạ lợn bán bình quân 200.000 đồng/kg, thu về 140 triệu đồng, chi phí thức ăn, công sá hết 45 triệu đồng, lãi ròng trên 90 triệu đồng.
Nuôi lợn rừng khó nhất là đầu ra, để có đầu ra ổn định rộng rãi, Phương nghĩ ngay đến thông tin điện tử rồi nhờ anh em bạn bè xây dựng cho mình trang web lonrungnghean.com. Từ ngày có trang web, không phải tất tả ngược xuôi tiếp thị mà các nhà hàng lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa thường xuyên liên lạc trao đổi giá cả, đặt hàng. Chính vì thế, lượng hàng bán được ngày càng tăng.
Hiện nay trang trại của Phương đang làm nhiệm vụ “đầu ra” cho 10 cơ sở nuôi lợn rừng khác ở trong vùng, đang mở rộng địa bàn liên kết bao tiêu sản phẩm cho các trang trại khác. Để phát triển bền vững, hiện nay Phương đang phối hợp với một cơ sở tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội xây dựng, đăng ký bản quyền thương hiệu “Lợn sạch Nghệ An”. Nếu đáp ứng được yêu cầu thì trong một tương lai gần, thương hiệu “Lợn sạch Nghệ An” sẽ xuất hiện trên thị trường.
Nói về tương lai phát triển của nghề, Phương khẳng định trong dăm năm tới thị trường vẫn chưa có thể bão hòa. Cho đến lúc giá lợn hơi bán xuống đến 100.000 đ/kg thì người nuôi vẫn có lãi (lúc này đang là 150.000 đ/kg). Mặt khác, để chất lượng thịt ngày càng được nâng lên thì phải tìm cách cải tạo, chọn lọc con giống, quy trình cho ăn. Hiện nay lợn nuôi của trang trại đang còn nhiều mỡ hơn tự nhiên. Phương cam đoan với tôi rằng, chỉ một năm sau thì tỷ lệ nạc của lợn nuôi trong trang trại sẽ bằng lợn rừng tự nhiên. Chia tay anh, chúng tôi mong ngày anh tìm ra được những bí quyết nuôi lợn rừng hoàn chỉnh để biến “Lợn rừng nhà thành lợn rừng thật”.
Công Sáng